"Bệnh nhân đến bệnh viện sớm hơn nhưng không lâu sau đó họ đã cần đến mức oxy cao hơn và phải chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt", Rachel Keech, nhà khoa học đang cộng tác với hệ thống y tế Mercy cho hay.
Hiện số ca tử vong tại Mỹ vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với đỉnh năm ngoái, nhưng các số liệu dự báo từ bang Missouri đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cả nước. Tại bang này tỷ lệ số ca nhập viện vì Covid trên 100.000 người đã tăng gấp 3 trong thời kỳ từ đầu tháng 6 đến cuối tuần trước. Nhóm có tỷ lệ tăng lên cao nhất là những người ngoài 40 tuổi (tăng 400%). Đối với nhóm từ 60 tuổi trở lên mức tăng nhẹ hơn nhưng cũng rất đáng chú ý.
Mặc dù cho đến nay chưa rõ các xu hướng này có xảy ra trên diện rộng hay không, nghiên cứu của Keech là 1 ví dụ cho thấy các biến chủng lây lan mạnh hơn đang thay đổi "bộ mặt của đại dịch" như thế nào bất chấp vaccine. Trong khi đó ở những bang bảo thủ mà dân chúng e ngại không muốn tiêm vaccine, giường bệnh đang nhanh chóng được lấp đầy chẳng khác gì so với những gì đang diễn ra ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.
Mặc dù thừa mứa vaccine, mới chỉ có khoảng một nửa dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ ở Alabama và Mississippi thấp hơn, khoảng 1/3. Sự chậm trễ này gây rắc rối cho nỗ lực chấm dứt đại dịch của nước Mỹ. Tại nhiều điểm nóng ở khu vực Trung Tây và Đông Nam, các phòng ICU sắp đạt đến ngưỡng hết công suất và nhân viên y tế thì thiếu hụt.
"Không biết đại dịch sẽ kết thúc theo cách nào và sẽ diễn biến xấu đến đâu nữa", Michael Saag, bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm và cũng là giáo sư tại ĐH Alabama nói. "Mọi người nghĩ rằng họ biết rõ về Covid nhưng đó chỉ là trước khi biến chủng Delta xuất hiện. Giờ chúng ta phải học lại từ đầu. Nước Mỹ đang đứng trước 1 bước ngoặt mới".
Tại cuộc họp báo hôm 22/7, chính quyền Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine. Hơn 160 triệu người Mỹ đã được tiêm vaccine đầy đủ, trong đó có rất nhiều cá nhân dễ bị tổn thương trước dịch bệnh.
Trong nỗ lực ngăn chặn biến chủng Delta, bang California sẽ yêu cầu viên chức liên bang bắt buộc đeo khẩu trang tại công sở hoặc chứng minh rằng mình đã tiêm vaccine và phải xét nghiệm ít nhất 1 tuần 1 lần. Thành phố New York cũng áp dụng chính sách tương tự và thị trưởng đang yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân làm theo. CDC Mỹ đang quay trở lại hướng dẫn kỹ càng về việc sử dụng khẩu trang, khuyến cáo người dân tại những khu vực có nguy cơ cao đeo khẩu trang dù đã tiêm vaccine hay chưa.
Một số con số thống kê đang gióng lên hồi chuông báo động. Số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày đã tăng 53% trong tuần trước, số ca nhập viện tăng hơn 30%. Và khoảng 40% số ca mới là từ các bang Florida, Texas và Missouri, những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Biến chủng Delta chiếm khoảng 83% số ca nhiễm mới ở Mỹ. Mặc dù chủng mới đã được biết đến là lây lan mạnh hơn và người bệnh sẽ mang trong mình nồng độ virus lớn gấp 1.000 lần chủng gốc, vẫn chưa rõ liệu biến chủng này có khiến bệnh nặng hơn hay diễn biến nhanh hơn hay không.
Một lý do khiến lượng người trẻ nhập viện tăng mạnh là tỷ lệ tiêm vaccine thấp hơn. Gần 90% người Mỹ từ 65 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 liều. Tỷ lệ tiêm khác nhau càng khiến việc đánh giá mức độ nguy hiểm của Delta khó khăn hơn.
Tại Missouri, số ca nhập viên trong nhóm dưới 60 tuổi tăng mạnh trong tuần trước, mạnh hơn cả làn sóng lây nhiễm hồi mùa đông. Tuy nhiên tỷ lệ tử vong vẫn ở mức thấp, với 24 ca trong tuần trước. Các bác sĩ cũng có một số công cụ điều trị mới, điều giúp đem lại kết quả tốt hơn. Và đừng quên tỷ lệ tử vong là chỉ số có độ trễ, thường mất vài tuần sau khi số ca nhiễm tăng thì chỉ số này mới tăng.
Dữ liệu ở Anh cũng cho thấy trong vòng 2 tuần sau khi nhiễm biến chủng Delta, nguy cơ nhập viện cao gấp hơn gấp đôi so với chủng Alpha.
Tham khảo Bloomberg