Các hiệp hội đều mong muốn được nhập khẩu vắc xin để tiêm cho người lao động - Ảnh: T.DUY
Các hiệp hội dệt may, da giày và túi xách, điện tử, gỗ đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, hỗ trợ doanh nghiệp mua vắc xin để tiêm miễn phí cho người lao động.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Phan Thị Thanh Xuân, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết đã chủ động tìm nguồn cung và tiếp cận được vắc xin từ một tập đoàn nước ngoài với số lượng lớn có thể lên tới hàng chục triệu liều.
Để chắc chắn nguồn cung đảm bảo, các hiệp hội cũng đã kiến nghị đại sứ quán nước sở tại hỗ trợ, thẩm định thông tin và làm việc với tập đoàn này để xác minh về khả năng cung ứng vắc xin.
Tuy vậy, bà Xuân cho biết doanh nghiệp chỉ có thể làm được việc là tìm nguồn, kết nối, còn việc phối hợp các cơ quan chức năng để thẩm định thêm thông tin, triển khai các thủ tục nhập khẩu cần phải có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế và Chính phủ.
"Việc nhập khẩu và mua vắc xin vẫn phải do Chính phủ đảm nhiệm, bởi đối tác chỉ đàm phán với Chính phủ, thực hiện các thủ tục và triển khai nhập, bảo quản, tiêm vắc xin. Doanh nghiệp sẵn sàng cùng phối hợp để có vắc xin, tiêm miễn phí cho người lao động" - bà Xuân nói.
Cũng trong văn bản gửi Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 và các bộ ngành liên quan về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, hỗ trợ doanh nghiệp mua vắc xin khẩn trương và hợp pháp để tiêm miễn phí cho người lao động ngày 27-7, bốn hiệp hội gồm Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM đã nêu kiến nghị trên.
"Chúng tôi khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng và các cơ quan liên quan các giải pháp cấp thiết cần phải triển khai khẩn trương tạo điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất lượng vắc xin để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp để tiếp tục vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch.
Đồng thời hỗ trợ các hiệp hội mua được vắc xin từ nguồn tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động" - các hiệp hội kiến nghị.
Cũng theo đại diện các hiệp hội, mặc dù Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn cho doanh nghiệp triển khai thủ tục nhập khẩu vắc xin, nhưng do đây là hoạt động chưa có tiền lệ nên sẽ có nhiều vướng mắc về thủ tục gây ảnh hưởng tới tiến độ nhập khẩu vắc xin.
Vì vậy, các hiệp hội này đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với nhà cung cấp vắc xin, hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam có đủ điều kiện triển khai thủ tục nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động tại các nhà máy.
"Mọi chi phí để triển khai các hoạt động trên sẽ do các doanh nghiệp của các hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm" - các hiệp hội đề nghị thêm là mong muốn được tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến với Chính phủ và các bộ ban ngành liên quan để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nêu tinh thần đó sau khi tiếp nhận một số đề xuất của TP.HCM về đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh kế hoạch tiêm chủng tại buổi làm việc với TP ngày 29-7.