- “Trình làng” nhiều tác phẩm sân khấu độc đáo về phòng, chống dịch COVID-19
- Sự hoàn thiện tác phẩm
- Tác phẩm đắt giá nhất của một nghệ sĩ còn sống
Tiếp xúc với anh, điều dễ nhận thấy sự lặng lẽ, thâm trầm, đằm chắc suy tư. Anh xa lạ chốn ồn ào, náo nhiệt; ngại nơi xô bồ, chen đua… Cao Duy Sơn đến với văn chương như duyên trời, định mệnh. Truyện ngắn đầu tay “Dưới chân núi Nục Vèn” là khởi đầu anh đến với văn chương. Dẫu biết nghề văn như “kiếp giời đày” nhọc nhằn, khổ ải, nhưng anh mặc nhiên gửi đam mê vào con chữ. Với anh, văn chương như tri kỷ, là người tình thủy chung không “bội phản”. Cùng văn chương, anh thỏa sức thăng hoa, sáng tạo. Văn chương là nhu cầu tự thân như khí trời, nước uống, tình yêu…
“Non cao rừng thẳm” là tập truyện ngắn thứ 6 (chưa kể 6 tiểu thuyết), gồm 11 truyện ngắn được viết từ năm 2013 đến nay. Văn hóa Tày chắp cánh cho sáng tác bay bổng. Ngôn ngữ thấm đẫm kiểu tư duy truyền thống của người Tày. Sức hút từ tập truyện ngắn chính là cách nhà văn chuyển tải nét văn hóa của đồng bào miền núi, khai thác những điều sâu thẳm cả trong bi kịch phận người. Anh chú trọng khai thác những khuynh hướng sáng tạo, cần mẫn tìm tòi, đổi mới trong nội dung, nghệ thuật truyện ngắn và nỗ lực cách tân.
Nhà văn Cao Duy Sơn. |
Nhà văn tự khoanh vùng đề tài, khám phá bề sâu vỉa tầng văn hóa, chọn những nét tinh túy nhất để tái tạo một thế giới nghệ thuật đặc sắc. Dù xê dịch đến đâu thì tác phẩm vẫn trong tầm kiểm soát, “phủ sóng” của không gian Cao Bằng. Kể cả khi người quê hương vào Tây Nguyên định cư trước và sau năm 1975 thì vẫn chịu sự “chi phối nghiêm ngặt” của bối cảnh quê hương. Anh viết người Cô Sầu di cư vào Tây Nguyên để tìm hiểu chất văn hóa Tày sau nhiều năm xa quê có gì biến đổi. Những tên đất, tên làng thao thiết, trở đi trong tác phẩm của anh với Quây Sơn, Mục Mã, Phục Hòa, Cao Bình, Thin Túc…đặc biệt là địa danh Cô Sầu. Nơi ấy gửi bao ký ức tuổi thơ, những rung cảm đầu; là chốn đi về thủy chung, gắn bó. Vì lẽ đó, Cô Sầu đã trở thành mảnh hồn thao thiết xuất hiện tần suất lớn. Những câu chuyện quanh lũng Cô Sầu: “Hiện về cả thị trấn nhỏ với những ngôi nhà xây đá giữa những núi bao quanh có cái tên Cô Sầu” (Non cao rừng thẳm)…
Với cách thể hiện nhất quán, chân thật, nhân vật trong “Non cao rừng thẳm” là những người miền núi chân chất, giản dị, mộc mạc, ân nghĩa, nỗ lực vươn lên, dẫu cuộc đời không ít buồn đau, nghịch cảnh. Họ hiện thân cho mạch nguồn văn hóa kết bện như một lớp trầm tích bền bỉ. Viết về họ ở vị thế “cùng hội cùng thuyền”, mỗi trang văn của anh như cùng thổn thức, dằn vặt trước mỗi số phận gian truân, bất hạnh. Kết thúc truyện “có hậu” theo cách riêng khiến gấp lại trang sách mà câu chuyện vẫn ám ảnh và mở ra nhiều suy ngẫm cho người đọc.
Các nhân vật trong truyện ở bất cứ ngành nghề, địa vị xã hội nào luôn thể hiện những phẩm chất cao đẹp. Trong truyện “Cơn mê hồn”, ông Tài là người thợ có bàn tay đục đá kỳ diệu “Giờ chú để tâm hành nghề đục chó đá…cho kịp khách đặt hàng. Một búa, một đục sắt coong keng, chí chát suốt ngày dưới gầm sàn”. Dẫu cuộc đời chất chứa nhiều buồn khổ (vợ mất, những dị nghị), nhưng chú đã vượt lên bằng tấm lòng nhân ái, khoan dung, thương yêu vợ con. Anh Lung vào Tây Nguyên lập nghiệp vẫn chất người miền núi chân thật, yêu lao động “khai phá được 3 hécta đất, cây búa mang theo từ hồi mới vào mòn đi chỉ còn một mẩu ngắn bằng 3 ngón tay, con dao quắm Phúc Sen giờ mòn như một cái liềm” (Nắng gió quê người)…
Trong sáng tác của Cao Duy Sơn, người phụ nữ luôn là hình tượng nổi bật, trung tâm, hiện thân cho cái đẹp. Nhà văn dành bao ưu ái miêu tả vẻ đẹp của người con gái miền núi: “Mắt em long lanh, má ửng hồng… Dáng mảnh mai hồi nào nay đang nhú nét thanh tân. Mắt em, miệng em, đôi môi tươi hồng và mái tóc vờn trong gió thu...”; “Nàng đẹp, vẻ đẹp dịu dàng quyến rũ…khuôn mặt nàng bỗng như tỏa nắng…Sao có người nước da trắng thế…một vẻ đẹp tinh khôi vượt lên hết thảy những con người ở vùng núi đá khô cằn. Nàng là hoa phjặc phiền, là đóa hoa bạch lan trinh trắng, hoàng hậu của muôn loài hoa giữa núi rừng khắc nghiệt”…
Bìa cuốn sách "Non cao rừng thẳm" của nhà văn Cao Duy Sơn. |
Ngoài vẻ đẹp ngoại hình, anh chú ý miêu tả chiều sâu bên trong. Nhà văn nhìn thấy trong đó là phẩm tính con người thiện lương. Trong truyện "Chim ngụ cư", Lan là một cô gái xinh đẹp nhân vật “tôi thường gặp trên xe buýt. Qua giao tiếp ngắn, nhân vật “tôi” nhận thấy nét đẹp tiềm ẩn và thay đổi thái độ từ vô tình, ái ngại, đến quan tâm, tìm “trả lại cái túi” Lan tin cậy gửi. Chạm phải mảnh thổ cẩm, vòng bạc khiến nhân vật “tôi” xúc động. Xúc động, cảm thương Lan từ miền núi về thành phố kiếm sống, bươn chải với cơm áo, nuôi đứa em trai bệnh tật và vẹn nguyên vẻ đẹp tâm hồn của người miền núi. Lan “hẳn là kẻ nết na đoan trang, biết ăn ở, biết làm đẹp lòng người…Là hy vọng của dân bản núi rừng”. Nhưng câu hỏi thốt lên đầy thương cảm “Hỡi ôi, liệu có đáng được như thế”.
Đó là người vợ bị chồng giam cầm trong tủi nhục, quyết đi tìm con chỉ vì “Người ta dọa sẽ không cho em gặp lại chúng nữa…Em không thể sống mà thiếu các con em được” (Sớm mai chợt thức). Là cô thợ may ở phố Cáo đẹp như hoa phjặc phiền đã giúp Phùng và Công ty tìm được mỏ nước ở ngay dưới chân núi trong truyện “Sương thủy tinh”. Là hai cô gái Chiền và Hin xinh đẹp trong truyện “Người thị thành” từ miền núi về thành phố tìm kế mưu sinh. Trong hành trình, hai nhân vật cùng xuất phát điểm, nhưng chọn hai cách sống khác nhau. Trong khi Hin cố gắng bằng sức lao động của mình để kiếm sống thì Chiền chấp nhận phận vợ hờ cho gã đàn ông nhiều tiền đam mê sắc dục. Đồng tiền kiếm bằng thân xác khiến Chiền mờ mắt kể cả “bán đứng” bạn cho lão “dê xồm”. Trong “Non cao rừng thẳm” là sự trở về của Lựu - nữ lãnh đạo xinh nhất tỉnh, năng động, sáng tạo làm giàu quê hương...
Tình yêu là một trong những chủ đề nổi bật trong sáng tác của anh. Tình yêu là sự trở về với miền ký ức ngọt ngào thao thiết với câu hỏi “Yêu là thế nào?” mà cả đời vẫn chẳng định nghĩa nổi. Truyện “Nắng gió quê người” là miền ký ức vẹn nguyên trong trái tim chàng trai làng Bường "Em phương Nam ấy bây giờ ra sao? Mỗi độ thu qua đông tới ta lại thấy nhớ bờ bãi ấy... Nơi tình yêu đầu của ta...”; “Cảm giác ấm mềm còn đến tận bây giờ” (Non cao rừng thẳm). Gặp lại Lựu ở quê hương trong hoài niệm, bàng hoàng “Em đã trở về như đã hẹn. Chỉ riêng tôi luôn là kẻ đến chậm…” (Non cao rừng thẳm). Vừa yêu vừa khó tỏ ra tỉnh táo “Có phải tình yêu khiến người ta lú lẫn? Đúng là anh đã yêu…Tình yêu với nàng rồi sẽ đến”…
Nhà văn luôn ý thức vận dụng, khai thác vốn văn hoá dân gian làm bệ đỡ cho sáng tác. Miếng thổ cẩm hiện “những họa tiết quen thuộc” là “hoa kim anh…là hươu, là hoẵng, những núi non trùng trùng nối nhau” (Chim ngụ cư); hoa phjặc phiền (còn gọi là bạch lan) chỉ có trên đỉnh núi cao nhất. Ai gặp loài hoa này sẽ là người may mắn; là lễ hội Nàng Hai đậm văn hóa Tày trong “Nàng trăng”...
Am hiểu cách cảm, cách nghĩ, sự mộc mạc của người miền núi, anh chú trọng kết hợp giữa ngôn ngữ hiện đại với văn hóa Tày: Nói về kẻ ăn nói hàm hồ “những cái mồm mọc gai”; kẻ lẻo mép “thằng bột dẻo bột nếp dính chày”; tốn sức lực là “ăn sức”; lời độc địa, đơm đặt là “lời mọc gai”; kẻ miệng lưỡi “miệng mắt cười roe roe”…Đây là cuộc đối đáp của đôi vợ chồng trẻ trong đêm tân hôn: “Cảm rượu chết rồi hay sao, không thấy thở đâu né”, “tưởng không có gì, thế mà đầy tay vớ”, “Không biết xấu hổ đâu á”, “Người già đi ngủ rồi, chỉ bóng đêm nghe thôi. Thơm quá, lạ quá! Ngôi nhà bỗng chốc như chống mười sáu cột ngược lên trời”…
Ngôn ngữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn giàu sắc thái bản địa thể hiện cách tư duy của người miền núi. Anh khéo léo đưa tiếng Tày vào tác phẩm:
- “Bẩu sư cần Hà Nội, cần dú đông phja lung mà xày” (Không phải người Hà Nội, là người miền núi xuống ở đây thôi” (Chim ngụ cư);
- “Hăn bại boong gả mâừ lừm tang mừa bản da vớ” (Nghe có người bảo mày quên đường về bản rồi), “Lừm rừ đảy súc ơi, chang slim slảy nới” (Quên sao được chú ơi, trong gan ruột cháu đây” (Cơn mê hồn)…
Tập truyện ngắn “Non cao rừng thẳm” là những nỗ lực bền bỉ, tìm tòi, phát hiện, cách tân truyện ngắn và luôn nhất quán phong cách nhà văn. Văn hóa Tày chính là bệ đỡ quan trọng cho người con Cô Sầu khám phá đất và người; bày tỏ tình yêu với quê mẹ và trả một “món nợ” với quê hương trong hành trình tìm về nguồn cội…
Lê Thị Bích HồngXem thêm: /793256-maht-gnur-oac-noN-mal-teiht-oahT/naul-yL/nv.moc.dnac.acnv