Tại hội tọa đàm "CVII 2021: Tác động COVID-19, Insurtech, thị trường và chính sách" do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức vào tháng 4/2021, ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đã chia sẻ nhiều số liệu đáng chú ý về thị trường bảo hiểm năm 2020.
Năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 186.221 tỷ đồng (xấp xỉ 8 tỉ USD), tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó mảng phi nhân thọ chiếm 55.664 tỷ đồng – tăng 5,3% so với năm 2019, nhân thọ đạt 130.557 tỷ đồng – tăng 22%.
Các doanh nghiệp đã chi trả 47.039 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD cho quyền lợi bảo hiểm.
Đến năm 2020 đã có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, tới năm 2025 ước tính 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa 3%, dự kiến đến năm 2025 đạt 3,5%.
Theo ông Dũng, trong 10 năm tới ngành bảo hiểm sẽ có sự chuyển dịch mạnh. Chẳng hạn hiện nay ở Nhật Bản đã có công ty đầu tư 2 triệu USD để sử dụng trí tuệ nhân tạo thẩm định hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm cả bằng văn bản và phi văn bản.
Ở thị trường Việt Nam, trong thời gian tới thị trường có khả năng phát triển kênh phân phối mới, xuất hiện sản phẩm bảo hiểm hoàn toàn mới, đơn giản, thân thiện, thêm các tiện ích cho khách hàng trong quá trình mua bảo hiểm, quản lý hợp đồng bảo hiểm, khiếu nại quyền lợi bảo hiểm…
Với mức độ cạnh tranh lớn, ông Dũng cho rằng trong tương lai doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị "chấm dứt" nếu không chuyển đổi số.
Ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Ảnh: PVA
Tuy nhiên, theo ông Vương Việt Linh - CEO Công ty TNHH Bảo hiểm tài chính trực tuyến Việt Nam - VIFO thì: "Bảo hiểm Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu, chủ yếu làm trên giấy".
Là những doanh nghiệp đầu ngành bảo hiểm thế giới, chắc chắn AIA và Prudential nhận thức đều đó rõ ràng hơn cả. Thế nên, trong vài năm gần đây, cả hai liên tục tìm cách ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, thông qua hợp tác với các startup khác nhau, mới nhất là Tiki và eDoctor. Vì đây là phương cách chuyển đổi số dễ dàng và thuận tiện nhất.
TỔ HỢP 'ÔNG LỚN' BẢO HIỂM VÀ STARTUP NON TRẺ
Trong tất cả những doanh nghiệp bảo hiểm lớn hàng đầu thế giới, AIA chính là người tích cực với việc ứng dụng công nghệ vào sản phẩm/dịch vụ/bán hàng hơn cả.
Mới đây, họ cùng Tiki vừa tuyên bố thỏa thuận thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện độc quyền đầu tiên giữa một doanh nghiệp cung cấp giải pháp bảo hiểm và một nền tảng công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Theo các điều khoản trong thỏa thuận hợp tác 10 năm, phụ thuộc vào việc các bên đáp ứng một số điều kiện tiên quyết, AIA Việt Nam sẽ trở thành đối tác độc quyền của Tiki trong việc cung cấp đến hàng triệu khách hàng của Tiki các giải pháp bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe phù hợp với nhu cầu. Bên cạnh đó, AIA Việt Nam và Tiki sẽ cùng hợp tác nghiên cứu và triển khai các giải pháp đáp ứng nhu cầu tài chính ngày càng lớn của người Việt.
Ông Wayne Besant, Tổng giám đốc AIA Việt Nam khẳng định: "Sự hợp tác đặc biệt chưa có tiền lệ tại Việt Nam giữa AIA Việt Nam và Tiki hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới về bảo hiểm nhân thọ cá nhân.
Cùng chung một tầm nhìn là mang lại dịch vụ về sức khỏe và bảo vệ liền mạch tới các gia đình Việt Nam, chúng tôi sẽ tập trung hợp tác trong ba lĩnh vực chính: các sản phẩm định vị phong cách sống qua kênh phân phối bảo hiểm thông minh, các sản phẩm bảo hiểm nổi bật về sức khỏe trên nền tảng kỹ thuật số và các hợp tác khác về tài chính và thương mại điện tử.
Khởi đầu, chúng tôi sẽ cung cấp các sản phẩm định vị phong cách sống qua kênh phân phối bảo hiểm thông minh trên nền tảng Tiki. Tiếp đó, thông qua quan hệ đối tác này, chúng tôi sẽ cung cấp các sản phẩm phù hợp đối với từng giai đoạn cuộc sống của khách hàng - dựa trên những đúc kết đã được chứng minh thành công mà chúng tôi đã tạo ra nhờ vào lực lượng Đại lý mạnh mẽ và quan hệ đối tác qua kênh phân phối ngân hàng bancassurance".
Trước đó, vào tháng 5/2020, AIA cũng đã hợp tác với startup MoMo để đa dạng hóa kênh thanh toán. Theo đó, khách hàng chỉ cần một lần đóng phí bằng Ví MoMo, ở những kỳ phí tiếp theo, hệ thống của Ví MoMo sẽ tự động cập nhật thông tin hợp đồng và nhắc khách hàng đóng phí khi gần đến hạn. Nhờ tính năng tiện lợi này, khách hàng sẽ không còn lo lắng việc quên hạn đóng phí tái tục hợp đồng bảo hiểm.
Cũng vào tháng 7/2020, AIA cùng đối tác độc quyền startup Medix - nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn cầu, đã ra mắt dịch vụ Tư vấn và Quản trị bệnh án cá nhân (Song hành y tế) tại Việt Nam. Cụ thể, những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo Việt nam sẽ được sử dụng dịch vụ Tư vấn và Quản trị bệnh án cá nhân của AIA và Medix, tức được hỗ trợ 24/7 trong 3 tháng, từ chuyên môn đến thủ tục hành chính lúc điều trị bệnh.
Medix được thành lập trong năm 2006, là nhà cung cấp các giải pháp quản trị sức khỏe đổi mới – sáng tạo hàng đầu thế giới. Với các văn phòng ở 10 nước và vùng lãnh thổ, cùng cơ sở khách hàng với hơn 5 triệu thành viên tại hơn 90 quốc gia; Medix cung cấp cho khách hàng của mình các dịch vụ giá trị gia tăng đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Tài nguyên của Medix bao gồm 300 bác sỹ cơ hữu, mạng lưới 4.000 chuyên gia y tế khắp thế giới và 2.000 bệnh viện đầu ngành tại châu Âu, Mỹ và châu Á.
Phần mình, mới đây, Prudential đã hợp tác với startup eDoctor triển khai dịch vụ khám sức khỏe thẩm định trực tuyến.
Với dịch vụ này, khách hàng có thể kết nối, đặt lịch hẹn và khám sức khỏe thẩm định trực tuyến qua ứng dụng eDoctor trong vòng 24 giờ sau khi hoàn tất hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và có chỉ định mời khám sức khỏe thẩm định.
Trong giai đoạn đầu, dịch vụ được triển khai tại 7 tỉnh, thành phố đang chịu nhiều ảnh hưởng do tình hình giãn cách, bao gồm TP.HCM, Bình Dương, Biên Hòa - Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Nội. Dịch vụ sẽ được triển khai đến các tỉnh thành khác trong thời gian tới.
Bên cạnh dịch vụ khám sức khỏe thẩm định trực tuyến, Prudential tiếp tục giới thiệu 2 tính năng mới nhằm đơn giản hóa quy trình từ tư vấn đến chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Dịch vụ hợp tác giữa Prudential và eDoctor.
Cụ thể, khách hàng được cập nhật chính xác tiến trình giải quyết yêu cầu bồi thường trên cổng thông tin khách hàng PruOnline và trang Zalo - Prudential Vietnam. Tính năng này cho phép khách hàng biết hồ sơ của mình đang ở đâu trong quá trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm, từ khi đăng ký đến hoàn tất chi trả. Khách hàng sẽ nhận được thông báo quyết định chi trả trong khoảng từ 30 phút đến tối đa 5 ngày.
Khách hàng cũng có thể chọn định danh điện tử (eKYC) để tiết kiệm thời gian và tăng tính bảo mật. Khi điền thông tin vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trực tuyến, khách hàng chỉ cần chụp hình khuôn mặt và đính kèm hình ảnh CMND hoặc căn cước công dân. Tính năng này giúp khách hàng hoàn thiện thủ tục trong vòng 1 phút. Công nghệ nhận diện khuôn mặt nhờ trí tuệ nhân tạo giúp đảm bảo chính xác với độ tin cậy cao.
Vào tháng 4/2021, Prudential còn ra mắt giải pháp bảo hiểm online tên Pru-Vui sống, với hình thức mua dễ dàng và tiện lợi thông qua ứng dụng Pulse by Prudential. PRU-Vui sống nằm trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm trên nền tảng kỹ thuật số của Prudential, hướng đến nhóm khách hàng trẻ sành công nghệ, giúp họ dễ dàng tiếp cận với các giải pháp bảo hiểm chi phí thấp với quyền lợi thiết thực.
Trong khi AIA hợp tác với Tiki thì Prudential hợp tác với Shopee. Tính đến thời điểm hiện tại, Prudential đã phát hành gần 50.000 hợp đồng điện tử của sản phẩm bảo hiểm tai nạn PRU-Bảo Vệ 24/7, trong đó có 25.500 hợp đồng tương đương 25.500 e-voucher đã được bán trên nền tảng Shopee.
AIA NGÀY CÀNG TIẾN TỚI, TRONG KHI PRUDENTIAL TIẾN LÙI
Theo báo cáo của Swiss Re, tỷ lệ thâm nhập sử dụng bảo hiểm của Việt Nam còn rất thấp, mới chỉ 2,7% dân số so với trung bình các quốc gia mới nổi khác là 3,3%. Đồng thời phí bảo hiểm bình quân đầu người của nước ta mới chỉ ở mức 72USD/người/năm chưa bằng ½ so với trung bình các quốc gia mới nổi. Dự báo thị trường Bảo hiểm Phi nhân thọ năm 2021 sẽ đạt giá trị khoảng 70.000 tỷ đồng tương đương tăng trưởng 25% so với 2020.
Tuy vậy mức độ cạnh tranh toàn ngành ngày một gia tăng, đặc biệt là trong nhóm công ty Top 10 ngành Bảo hiểm. Tại thị trường bảo hiểm nhân thọ, trong năm 2020 có 6 công ty tăng thị phần (Manulife, AIA, Generali, MB Ageas, FWD và AVIVA) và 4 công ty mất thị phần (Baoviet Life, Prudential, Dai-i-chi Life, Chubb Life, Hanwha Life).
Tại một thống kê năm 2015, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam chỉ là cuộc chơi riêng của 5 cái tên Prudential, Bao Viet Life, Manulife (12,1%), AIA (9,2%) và Dai-ichi (9,1%) chiếm 86% thị phần; trong đó 2 ông lớn Prudential và Bao Viet Life có thị phần vượt trội – lần lượt là 29,9% và 25,7%.
Trong thời gian gần đây, mọi chuyện đã thay đổi rất khác. Trong năm 2020, thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm của 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường năm 2020 là Bảo Việt Nhân thọ (21,9%), Prudential Việt Nam (18,6%), Manulife Việt Nam (16,5%), Dai-ichi Life Việt Nam (11,8%) và AIA Việt Nam (11,4%).
SSI Research nhận định rằng, sau khi hoàn tất mua lại AVIVA vào năm ngoái, nếu duy trì đà tăng trưởng doanh thu khai thác mới như hiện tại, Manulife có thể chiếm vị trí thứ 2 thị trường bảo hiểm nhân thọ trong 1-2 quý tới. Năm 2019, lần đầu tiên Manulife đứng đầu thị trường về doanh thu phí khai thác mới, sau nhiều năm xếp sau Bảo Việt Nhân Thọ và Prudential.
Ngoài ra, trong Top 10 những doanh nghiệp hàng đầu thị trường Việt Nam trong vài năm gần đây, chúng ta thấy xuất hiện cái tên FWD - doanh nghiệp ‘trẻ và sành điệu’, định vị mình là hãng bảo hiểm dành cho giới trẻ. Sự xuất hiện của FWD đã tạo nên một khái niệm mới 'ít tiền vẫn có thể mua bảo hiểm'.
Chỉ hơn 3 năm hoạt động tại Việt Nam, FWD đã trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ dẫn đầu thị trường bảo hiểm về vốn điều lệ. Đây được xem là bước phát triển 'thần tốc' trong lịch sử ngành bảo hiểm Việt Nam.
Liên tục là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ nói riêng và bảo hiểm nói chung có tốc độ tăng trưởng cao nhất thị trường, đồng thời là doanh nghiệp luôn tiên phong và tạo ra nhiều đột phá mới trong ngành bảo hiểm, việc FWD nâng vốn điều lệ gấp 4 lần, lên 13.937 tỷ đồng, vượt xa nhiều hãng bảo hiểm khác.
Với việc thiết kế các dịch vụ/sản phẩm/phương cách bàn hàng tiện lợi thông qua công nghệ, gói bảo hiểm nhỏ và phù hợp với nhu cầu của giới trẻ; khiến FWD ở Việt Nam như ‘cá gặp nước’.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị