Một cây cầu tại tỉnh Hà Nam bị gãy vì mưa lũ ngày 21/7. Ảnh: CNN
Trận mưa lũ được miêu tả là “nghìn năm có một” từ ngày 17/7 tại Hà Nam, Trung Quốc đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 73 người, ảnh hưởng tới hơn 13 triệu người, tương đương với 13% dân số của tỉnh này.
Bên cạnh thiệt hại về người, thiên tai lần này làm rối loạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu chính của Trung Quốc. Hà Nam chiếm khoảng 36% tổng sản lượng chì của Trung Quốc và 15% chì tái chế. Tỉnh này cũng sản xuất khoảng 5% nhôm điện phân, vật liệu sản xuất nhôm.
Bauxite, quặng nguyên sinh được sử dụng để sản xuất nhôm, thiếu hụt trong thời gian vừa qua. Cộng với ảnh hưởng của mưa lớn lần này, Trung Quốc sẽ có thể phải nhập nhiều bauxite hơn, theo chuyên gia phân tích của MySteel.
“Nguồn cung quặng và giao thông sẽ bị ảnh hưởng lớn trong ngắn và trung hạn. Các nhà máy sẽ phải cắt giảm sản xuất và cân nhắc việc nhập khẩu nhiều quặng hơn. Và giá bauxite sẽ tăng”, các chuyên gia nhận định.
Hầu hết các nhà máy nhôm ở Hà Nam dự kiến hoạt động trở lại trong tuần này vì “hậu trường” trận mưa lũ đã được dọn dẹp. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là phải mất hơn 30 ngày để tái khởi động lại hoạt động của nhà máy nhôm điện cực. Thêm vào đó, các nhà máy nhôm ở miền bắc Trung Quốc cũng đang đối mặt với thiếu quặng tồn kho.
Sản lượng nhôm của Trung Quốc tăng 7,3% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn đang thiếu kim loại này.
Tháng trước, Trung Quốc nhập thêm 294.081 tấn nhôm nguyên sinh và hợp kim, tăng 30% so với tháng 5, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Sự tăng giá kim loại trong thời gian gần đây đã đẩy chi phí nguyên liệu đầu trong sản xuất. Trước những diễn biến trên, nhà chức trách Trung Quốc phải giải phóng kho dự trữ kim loại quốc gia để bình ổn thị trường hồi đầu tháng 7. Ngày 29/7, Trung Quốc bán thêm 30.000 tấn đồng, 50.000 tấn kẽm và 90.000 tấn nhôm từ kho dự trữ nhà nước.
Wang Xianwei, nhà phân tích của sàn giao dịch China Futures, nhận định nguồn cung nhôm sẽ giảm căng thẳng sau động thái xả kho dự trữ của Trung Quốc. Tuy nhiên, giá nhôm sẽ biến động mạnh.
Một góc nhỏ của Hà Nam nhìn từ trên cao. Ảnh: SCMP |
Việc các mỏ bauxite giảm sản lượng do hạn chế về tiêu thụ điện vì thiếu than sẽ có ảnh hưởng trung hạn và dài hạn đến nguồn cung quặng bauxite.
Mưa lũ đe dọa tỉnh nông nghiệp Hà Nam nhưng trở ngại về nguồn cung lương thực Trung Quốc chỉ là nhất thời
Trận mưa lũ ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đe dọa vùng nông nghiệp lớn hàng đầu của nước này. Tuy nhiên, những trở ngại về nguồn cung lương thực quốc gia chỉ là nhất thời, các nhà phân tích nhận định.
Hà Nam cung cấp 1/3 sản lượng lúa mì và 1/10 rau, ngô và thịt heo cho Trung Quốc. Nhưng thiên tai vừa qua, 972.000 hecta rau màu của tỉnh bị ảnh hưởng và làm gia tăng lo ngại về lạm phát và an ninh lương thực.
Vụ thu hoạch lúa mì tại Hà Nam đã kết thúc. Tuy nhiên, rau và ngô vẫn chưa tới thời điểm và bị tàn phá bởi mưa lũ.
Mưa lũ ập đến khi vụ ngô chưa đến thời điểm thu hoạch. Ảnh: Global Times |
Nhà chức trách tại Vệ Huy, thành phố phía bắc của tỉnh Hà Nam, cho biết sáng 27/7, nước lũ ở một số địa phận của quận đã bắt đầu giảm. Tuy nhiên, nhiều hình ảnh của dân địa phương cho thấy mực nước trong đêm 26/7 tăng cao.
Một người dân ở làng bên của thành phố cho hay nước chưa rút và ngập sâu đến 2 m. “Làng của chúng tôi chủ yếu trồng ngô, một số làng xung quanh trồng rau. Nhiều ngôi làng và rau màu chìm trong nước”, người nông dân cho biết.
Ngôi làng mà bà Reng Zhiqiang cách thành phố Vệ Huy khoảng 100 km về đông bắc bị ngập trong nước lũ đã 5 ngày, ảnh hưởng đến vụ ngô và lạc của dân làng. "Một số cánh đồng ngập trắng. May là lũ ngừng dâng vào thứ 2 và bắt đầu rút", bà Ren cho biết.
Nguồn cung lương thực bị gián đoạn khiến giá cả tăng lên. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, ảnh hưởng của lũ lụt chỉ là tạm thời và cục bộ tại tỉnh Hà Nam cùng một số vùng lân cận.
Các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Industrial nhận định tuy mùa màng bị phá hủy và giao thông gián đoạn khiến giá lương thực, thực phẩm tăng nhưng chỉ gây ra tác động nhỏ.
Giá thực phẩm ở Trung Quốc đã giảm trong thời gian gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 6 giảm so với tháng 5. Sự sụt giảm chủ yếu là do giá thịt heo lao dốc, kho dự trữ thịt heo Trung Quốc phục hồi sau dịch tả heo châu Phi.
Sun Fu, nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Huaxi, nhận định lũ lụt có thể gây ra biến động giá lương thực trong ngắn hạn nhưng sẽ không tác động đáng kể đến nguồn cung thực phẩm của toàn Trung Quốc.
Ông Zhong Zhengsheng, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Chứng khoán Ping An, cho rằng lũ lụt lần này có thể tăng CPI của Trung Quốc từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm, chủ yếu do giá rau tăng trong từ 1 đến 3 tháng tới.
Giá rau tại Xinfadi, chợ bán buôn thực phẩm lớn nhất Bắc Kinh mà Hà Nam là một trong những nhà cung cấp chính, tăng 3,29% vào tuần trước so với một tuần trước đó.
"Rau là mặt hàng dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Và giá mặt hàng này tăng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, giá rau tăng chỉ tồn tại trong ngắn hạn vì khoảng thời gian từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch ngắn", Lin Goufa, nhà phân tích cao cấp tại Bric Agricultural Group, nhận định.
Ông Zhong đến từ Ping An cũng giải thích thêm rằng, biến động giá ngô sẽ không ảnh hưởng đến CPI của Trung Quốc do tỷ trọng thấp trong các chỉ số.
Chuyên gia Lin nhận định nguồn cung ngũ cốc của Trung Quốc sẽ vẫn ổn định dù bị ảnh hưởng của ngập lụt. Từ nửa cuối năm 2020, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu ngũ cốc.
Hà Nam cũng là một trong những tỉnh có sản lượng heo lớn nhất Trung Quốc. Trong quý I năm nay, tỉnh này cung cấp khoảng 1/10 sản lượng toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, giá thịt heo, loại thịt được ưa dùng ở Trung Quốc, không bị ảnh hưởng vì thị trường đang dư loại thịt này.
Các chuyên gia cho rằng yếu tố chính ảnh hưởng đến giá thịt heo vẫn là cung và cầu. Tuy nhiên, một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tình hình nuôi heo ở Trung Quốc đó là nguy cơ dịch tả heo châu Phi lây lan trở lại. Bệnh này được phát hiện vào năm 2018 và gây ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi.
Xem thêm: nhc.11113020103701202-ogn-uar-mohn-gnuc-nougn-aod-ed-couq-gnurt-iat-et-iot-ul-aum/nv.fefac