Luật sư Phan Trung Hoài (phải) - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Ngày 30-7, Văn phòng Chủ tịch nước đã có văn bản thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sau khi nhận được đơn kiến nghị khẩn cấp của luật sư Phan Trung Hoài về việc Công an Bình Thuận đình chỉ điều tra vụ án giết bà Phan Thị Khanh ngày 31-8-1980 sau khi tìm ra hung thủ. Chủ tịch nước đề nghị bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng Viện KSND tối cao xử lý vụ việc theo pháp luật và báo cáo cho Chủ tịch nước được biết.
Nếu hết thời hiệu, sao lại phục hồi điều tra?
Vụ án giết bà Phan Thị Khanh đã xảy ra hơn 40 năm, và cũng hơn 30 năm qua con trai ruột của bà Khanh truy tìm hung thủ giết người thực sự là Trương Đình Khôi (còn có tên gọi khác Trương Đình Chi, Lê Minh Sơn).
Sau khi giết người cướp tài sản rồi lẩn trốn, khiến một người dân lương thiện ở địa phương bị khởi tố, bắt giam oan, Trương Đình Khôi đã đổi tên đổi họ thành Lê Minh Sơn và đổi tên cho vợ, đổi họ cho các con để trốn tránh sự truy tìm của pháp luật. Tuy nhiên, sau 41 năm lẩn trốn, cùng sự truy tìm gắt gao của con trai nạn nhân, năm 2021 Lê Minh Sơn đã bị Bộ Công an và Công an Bình Thuận tìm thấy.
Sau đó, ngày 16-11-2021, Công an tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định phục hồi điều tra vụ án số 07 để tiến hành lấy lời khai Lê Minh Sơn và những người liên quan. Từ quyết định phục hồi điều tra này mà Lê Minh Sơn cũng như những người thân trong gia đình đã cung cấp lời khai cho thấy Sơn chính là hung thủ giết người. Sơn cũng kể lại hành trình bỏ trốn, tiêu xài số tài sản cướp được cho việc mưu sinh và nuôi vợ con.
Luật sư Hoài phân tích: "Về mặt pháp lý, khoản 1 điều 235 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về phục hồi điều tra quy định: "Khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự".
Trong mọi trường hợp, việc phục hồi điều tra với vụ án được đình chỉ điều tra chỉ được thực hiện nếu còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, luật sư phân tích.
Đình chỉ điều tra là trái quy định của pháp luật
Theo luật sư, sai sót nghiêm trọng và thể hiện sự mâu thuẫn trong quyết định phục hồi điều tra của cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận ở chỗ: việc bắt được Trương Đình Khôi (Lê Minh Sơn) từ sự tố cáo của ông Đỗ Thanh An (con trai nạn nhân) và kết quả truy tìm của cơ quan điều tra, xuất phát từ vụ án chỉ tạm đình chỉ điều tra; thông báo truy tìm Lê Minh Sơn từ năm 1999 vẫn còn hiệu lực, nên việc cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định khôi phục điều tra vụ án hình sự là có căn cứ.
Đây là cơ sở pháp lý cho các hoạt động tố tụng tiếp theo như lấy lời khai, thực nghiệm điều tra cho Trương Đình Chi xác định hiện trường và vị trí chôn cất vàng sau khi giết, cướp tài sản của bà Phan Thị Khanh; tổ chức thực nghiệm điều tra bằng hình thức cho Trương Đình Khôi diễn lại hành vi giết, cướp tài sản của bà Phan Thị Khanh; tiến hành lấy lời khai các đối tượng liên quan như Trương Quốc Đạt (em ruột Trương Đình Khôi), Võ Thị Bông (vợ cũ của Khôi); tiến hành giám định ADN xác định quan hệ huyết thống dòng cha (anh em ruột) giữa Trương Đình Khôi và Trương Quốc Đạt; cũng như tiến hành các hoạt động điều tra khác.
"Vì vậy việc cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận (được sự chấp thuận của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận) cho rằng vụ án đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự mà vẫn ban hành quyết định phục hồi điều tra vụ án là trái với quy định của pháp luật", kiến nghị nêu rõ.
Ngày 31-8-1980 bà Phan Thị Khanh bị giết tại thôn 3, xã Tân Minh (nay là Tân Phúc), huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận). Hung thủ giết người là Trương Đình Khôi (còn gọi là Trương Đình Chi) vốn là anh em cọc chèo với em trai ruột của nạn nhân.
Sau khi giết người xong, hung thủ đưa vợ con bỏ trốn khỏi địa phương, di chuyển qua nhiều nơi khác nhau để sinh sống và trốn tránh pháp luật. Sau đó, hung thủ còn thay tên đổi họ thành một người hoàn toàn khác, làm chứng minh nhân dân cho mình, đổi tên cho vợ, đổi họ cho các con.
Con trai nạn nhân đi tìm địa chỉ và cung cấp cho Công an Bình Thuận trong thời gian ròng rã mấy chục năm, nhưng phải đến năm 2021 Bộ Công an phối hợp với Công an Bình Thuận truy tìm được tung tích của hung thủ và mời lên làm việc.
TTO - Về vụ "kỳ án 39 năm không tìm ra hung thủ" ở Bình Thuận, mới đây, Văn phòng Chủ tịch nước đã có thông báo ý kiến của Chủ tịch nước gửi đến bộ trưởng Bộ Công an và viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị báo cáo.
Xem thêm: mth.71963854040802202-coun-hcit-uhc-ned-ig-pac-nahk-ihgn-neik-us-taul-man-93-na-uv/nv.ertiout