Ngay cả các ngân hàng cũng có cơ sở để kỳ vọng sẽ thu hút được nguồn vốn trung và dài hạn từ tiền gửi tiết kiệm.
Su khi nhận được thông tin rút tiền tiết kiệm trước hạn một phần, khách hàng vẫn được hưởng lãi, chị Nhàn (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã đến ngay ngân hàng để rút trước một phần tiền gửi vì công việc đột xuất. Điều này đã giải tỏa được tâm lý vì nếu không được áp chính sách mới, chị buộc phải rút hết số tiền gửi mà không được hưởng lãi suất.
"Số tiền còn lại của mình vẫn được hưởng lãi suất để duy trì trong ngân hàng, giúp mình chủ động nhiều việc, giữ lại được lợi ích tối ưu khi gửi tiền. Có thể sau này mình sẽ gửi tiền ở ngân hàng nhiều", chị Đỗ Thị Nhàn chia sẻ.
Từ ngày 1/8, rút tiền tiết kiệm trước hạn một phần, khách hàng vẫn được hưởng lãi. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Thông tư này không chỉ nhận được sự đồng thuận của khách hàng, mà cả ở ngân hàng thương mại, bởi các nhà băng có thể linh hoạt nhiều sản phẩm tiền gửi để huy động vốn nhàn rỗi.
"Chúng tôi sẽ triển khai hàng loạt những sản phẩm, dịch vụ tiếp theo liên quan đến tiền gửi và xem công cụ của OCB về tiền gửi như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho khách hàng trong việc hoạch định các kế hoạch về tài chính của họ", ông Dư Xuân Vũ, Phó Giám đốc Khối Bán lẻ Ngân hàng TMCP Phương Đông, cho biết.
Người dân sẽ gửi tiền nhiều hơn ở các kỳ hạn dài, ngân hàng đỡ áp lực trong huy động, mức cạnh tranh lãi suất sẽ giảm bớt, cắt giảm nhiều chi phí, tỷ lệ an toàn vốn cao… Tất cả sẽ tạo thêm nguồn lực cho vay phục hồi kinh tế.
"Tiền gửi tiết kiệm dân cư là bộ phận tiền gửi rất ổn định, luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng tiền gửi và một bộ phận nguồn vốn mà các ngân hàng luôn chủ động được do tính ổn định của nguồn tiền gửi này, hỗ trợ tích cực cho hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Để phát huy hơn về hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần có thêm sự điều chỉnh nếu tiền gửi đã có thời gian đủ dài nhưng buộc phải rút trước hạn, nên có lãi suất tốt hơn. Thời gian thực gửi càng dài, lãi suất đó càng cao thay vì "phạt" thành không kỳ hạn.
VTV.vn - Từ 1/8, Thông tư 04/2022/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức có hiệu lực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!