Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 30 km, trước đây, thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) có nghề làm hương đen nổi tiếng. Tuy nhiên, do nghề làm hương thu nhập không ổn định nên gần 200 hộ đã chuyển qua thu gom, buôn bán phế liệu.
Người dân nơi đây thu mua đủ loại phế thải từ thùng phi, chai lọ, dây điện, ống nước… chất thành từng đống, ngổn ngang khắp nơi.
Với đồ phế thải bằng nhựa, người dân thôn Xà Cầu không bỏ đi bất cứ thứ gì. Sau khi các container vận chuyển rác về làng, các hộ dân sẽ tiến hành phân loại rồi tái chế.
Rác thải nhựa được người dân phân loại hoàn toàn thủ công, chỉ với đồ bảo hộ là chiếc găng tay. Chị Lý Hạnh (người làm nghề tái chế rác gần 10 năm) cho biết: “Mỗi ngày tôi thu nhập được 230.000 đồng. Cả ngày sống trong cảnh chai lọ, rác thải bao quanh nên lúc nào tôi cũng thấy ê ẩm, nôn nao khắp người. Nhưng tôi cũng phải cố chịu chứ không làm nghề này thì không biết làm nghề gì”.
Công việc tái chế rác thải không mất nhiều sức lao động nên không khó để bắt gặp hình ảnh người già và trẻ em hay cả hộ gia đình cùng làm việc tại các xưởng phân loại.
Tuy vậy, nghề này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chị Đỗ Tâm (người dân thôn Xà Cầu) cho biết khi phân loại rác, nếu không cẩn thận thì rất dễ bị thương bởi các mảnh nhọn, kim tiêm lẫn lộn trong phế thải.
Rác thải sẽ được phân loại, chia màu, bóc tem nhãn. Sau đó người dân sẽ cho vào máy ép thành từng khối cao khoảng 50 - 60 cm. Nhiều loại chai nhựa, ống nhựa khác thì được cho vào máy nghiền nát thành những mẩu vụn để tái chế.
Nghề thu mua phế liệu đã trở thành “cần câu cơm” của hàng trăm hộ dân nơi đây, đưa Xà Cầu thành thôn khá giả nhất vùng nhưng lại khiến người dân phải sống trong cảnh rác thải bủa vây khắp nơi.
Một số rác thải nhựa bị vứt tràn lan, trôi nổi gây ô nhiễm nguồn nước nhất là khi trời nắng, bốc lên mùi hôi thối.
Trả lời trên báo Hà Nội mới, ông Đặng Văn Toản - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú Cầu - cho biết, thôn Xà Cầu là "điểm nóng" ô nhiễm môi trường. Khu vực này có 170 hộ thu gom, tái chế phế liệu, phát sinh lượng lớn chất thải rắn.
Để giải quyết vấn đề môi trường, UBND huyện cùng xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tổ chức đợt cao điểm "100 ngày ra quân tổng vệ sinh môi trường", tích cực vận động người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phân loại chất thải phát sinh từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào có lượng rác thải ít…
Đến nay, tình trạng đổ trộm hoặc đốt phế thải làng nghề hầu như được khắc phục.
Ngoài ra, địa phương phối hợp với Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp thị trấn Bắc Sơn - Urenco Bắc Sơn, Công ty cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình thực hiện dự án "Biến rác thải nhựa sinh hoạt thành năng lượng" để xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn thôn Xà Cầu. Đặc biệt, UBND xã Quảng Phú Cầu đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình thu gom, xử lý rác thải từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu theo quy định.
Theo Thuý Hà
Trí Thức Trẻ
Xem thêm: nhc.34985516190802202-ion-ah-o-car-ehc-iat-ohn-iod-iod-ned-gnouh-mal-ehgn-gnal/nv.zibefac