Lòng sông Dương Tử cạn trơ đáy ở thành phố Trùng Khánh ngày 17-8 - Ảnh: REUTERS
"Dự kiến trong tháng 9-2022, lượng nước đổ vào ở trung và hạ lưu sông Dương Tử sẽ vẫn ở mức thấp, và hạn hán ở An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây có thể tiếp tục trầm trọng hơn", ông Liu Zhiyu, quan chức của Bộ Tài nguyên nước, cảnh báo tình hình tại 4 tỉnh ở vùng trung lưu con sông.
Theo quan chức này, sẽ mất vài tháng để sông Dương Tử khôi phục lưu lượng nước bình thường và lượng mưa dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp cho đến cuối tháng này và sau đó nữa.
Đợt nắng nóng khắc nghiệt trên lưu vực của con sông dài nhất Trung Quốc đến nay đã kéo dài hơn hai tháng, làm gián đoạn nguồn thủy điện và làm khô cạn một khu vực đất canh tác lớn.
Lượng mưa ở lưu vực sông Dương Tử thấp hơn khoảng 45% so với bình thường kể từ tháng 7-2022 và theo dự báo, nhiệt độ cao có thể sẽ tiếp diễn trong ít nhất một tuần nữa.
Các cơ quan chức năng tại khu vực cũng cảnh báo rằng nhiệt độ sẽ tiếp tục ở mức trên 40 độ C vào ngày 18-8, với các khu vực ở Trùng Khánh có thể vượt quá 44 độ C, gây thêm áp lực lên nguồn cung cấp điện trong bối cảnh sử dụng máy điều hòa tăng mạnh.
Mực nước trên dòng chính của sông Dương Tử và các hồ quan trọng là Động Đình và Bà Dương hiện thấp hơn ít nhất 4,85 mét so với bình thường. Đây là mực nước thấp kỷ lục của giai đoạn này trong năm.
Ngày 17-8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc Liu Weiping cảnh báo rằng lúa và các cây trồng mùa thu khác đang ở thời kỳ tưới tiêu quan trọng.
Ông cho biết khoảng 820.000 hecta đất canh tác từ Tứ Xuyên đến An Huy bị thiệt hại, ảnh hưởng đến 830.000 người cũng như 160.000 gia súc, chủ yếu ở các khu vực sống dựa vào các hồ chứa nhỏ hoặc suối trên núi để tưới tiêu.
Theo ông Liu, các hồ chứa ở thượng nguồn đã mở cửa để bổ sung lượng nước chứa tại đập Tam Hiệp và dự kiến đập sẽ xả 830 triệu mét khối xuống hạ lưu trong những ngày tới.
Các chính quyền địa phương cũng yêu cầu đảm bảo đủ nguồn nước dự trữ để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và tận dụng các nguồn nước bổ sung, bao gồm cả suối và suối trên núi.
TTO - Trung Quốc đang sử dụng công nghệ làm mưa nhân tạo để cung cấp thêm lượng nước cho sông Dương Tử vốn có nhiều khu vực khô cạn dưới tác động của hạn hán kéo dài.
Xem thêm: mth.71153903181802202-9-gnaht-ned-iad-oek-eht-oc-nah-nah-yad-ort-nac-ut-gnoud-gnos/nv.ertiout