Hôm nay 22-8, hàng triệu học sinh phổ thông ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành trong cả nước tựu trường chuẩn bị năm học mới 2022 - 2023 - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Cứ theo đà tăng học sinh như hiện nay, chỉ vài năm nữa e rằng sẽ không có đủ chỗ học cho tất cả học sinh", một cán bộ Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, TP.HCM cho biết.
Căng kéo số chỗ học
Trung bình mỗi năm quận Bình Tân tăng thêm từ 4.000 - 5.000 học sinh các cấp (chỉ tính hệ công lập). "Năm nay, dự kiến Bình Tân sẽ có thêm 4.400 học sinh so với năm trước. Tính ra, mỗi năm quận phải xây dựng thêm ít nhất 3 trường mới với quy mô 30 phòng học/trường mới đáp ứng được chỗ học như mong muốn", vị cán bộ trên thông tin. Tuy nhiên, việc xây dựng trường ở TP.HCM hiện nay đang gặp thách thức về quỹ đất, giải phóng mặt bằng...
Theo ông Hồ Tấn Minh - chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2022 - 2023, TP.HCM tăng khoảng 21.825 học sinh. Đây chỉ là con số dự kiến vì kinh nghiệm của những năm trước cho thấy: sau ngày tựu trường thậm chí sau ngày khai giảng thì học sinh vẫn tiếp tục ra lớp và các nhà trường vẫn tiếp tục nhận học sinh, đảm bảo tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường.
Ông Minh cho hay mỗi năm, TP.HCM tăng khoảng 40.000 học sinh và tập trung nhiều ở bậc tiểu học. Thực trạng này tập trung ở một số quận huyện đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh kéo theo tình trạng dân số cơ học tăng cao như TP Thủ Đức, quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn...
Từ thực trạng trên, ngoài việc nỗ lực xây dựng thêm trường mới, nhiều quận huyện đành ngậm ngùi tăng sĩ số học sinh/lớp, đồng thời giảm tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông mới (bậc tiểu học hiện đã triển khai ở lớp 1, 2, 3) thì yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Em Đào Lê Thiên Phúc, Trường THCS Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chuẩn bị sách vở cho ngày tựu trường - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Khưu Mạnh Hùng, trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, bày tỏ: "Vấn đề lớn nhất của quận chúng tôi hiện nay là thiếu trường, lớp. Tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của quận 12 khá thấp, bậc tiểu học chỉ đạt gần 28%, bậc THCS chỉ đạt 22,7%. Vậy nhưng quận 12 vẫn có những trường tiểu học có sĩ số hơn 50 học sinh/lớp".
Và việc sắp xếp cho học sinh tiểu học đi học ngày thứ bảy đang được xem là giải pháp của nhiều địa phương có số học sinh tăng nhanh. "Trường chúng tôi không thể tổ chức học 2 buổi/ngày mà tất cả các khối lớp đều học 1 buổi/ngày. Để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên và học sinh các lớp 1, 2, 3 sẽ phải đi dạy và đi học ngày thứ bảy", ông Nguyễn Văn Nguyện, hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Bình Chánh, chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 12 thừa nhận: "Cứ đầu năm học tôi lại hồi hộp, không biết số học sinh đầu cấp sẽ tăng đến mức nào vì các con số trên sổ sách thường ít hơn số thực tế. Nhiều gia đình tạm trú nhưng không khai báo, đến ngày khai giảng năm học mới đến khai báo là con ở độ tuổi vào lớp 1, xin đi học.
Nhiều năm nay, ngành GD-ĐT thường kêu gọi các trường giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày để tăng chất lượng giáo dục. Nhưng đối với chúng tôi, đây là bài toán nan giải...".
Kiến nghị nhiều giải pháp
Học sinh ở Hà Nội trong một tiết học tại lớp - Ảnh: NAM TRẦN
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2022 - 2023, Hà Nội có 2.835 trường, trên 70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông.
Trong năm 2022, Hà Nội đã xây dựng thêm 51 phòng học mới, với kinh phí trên 2.800 tỉ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỉ đồng. Tới năm học 2022 - 2023, tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn tại Hà Nội, rõ nhất ở một số quận huyện đang có tốc độ đô thị hóa mạnh, tập trung nhiều chung cư cao tầng.
Những nơi như phường Hoàng Liệt trở thành "siêu phường" trong nhiều năm nay với dân số hiện tại trên 80.000, hằng năm có khoảng 1.500 - 1.800 trẻ được sinh ra. Hiện phường này chỉ có 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS nên các trường luôn quá tải.
Trường mầm non Hoàng Liệt trở thành điểm nóng tuyển sinh của Hà Nội năm học này khi chỉ tính nhu cầu học cho trẻ đúng tuyến đã hơn gấp đôi chỉ tiêu (khả năng đáp ứng). Trường tiểu học Hoàng Liệt từng gây bức xúc dư luận vì tính toán để công nhận trường chuẩn quốc gia đã tìm cách đẩy 600 học sinh đi nơi khác vì vốn dĩ quá tải.
Hà Nội cũng có một số địa bàn nóng khác như quận Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm. Nhiều khu đô thị mới với hàng loạt cao ốc mọc lên tiềm ẩn nguy cơ quá tải trường lớp nghiêm trọng vì việc xây trường không theo kịp tốc độ đô thị hóa, tăng dân cư.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện tượng sĩ số học sinh/lớp tại Hà Nội vẫn cao hơn quy định, chủ yếu ở bậc tiểu học. Cụ thể sĩ số học sinh tiểu học/lớp ở Hà Nội khoảng 42 học sinh/lớp. Có nơi thấp hơn khoảng 38 - 39 học sinh/lớp nhưng vẫn có những trường sĩ số vọt lên 50 - 55 học sinh/lớp.
Trường tiểu học Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) năm học này cũng có dấu hiệu quá tải lớp 1. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, hiệu trưởng Trường tiểu học Mễ Trì, cho biết sĩ số lớp 1 khoảng 52 - 54 học sinh. Tuy vậy, theo một số phụ huynh có con học lớp 1 trường này thì sĩ số thực tế có lớp cao hơn mức này.
Ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết hiện một số phường ở Hà Nội hết quỹ đất xây trường công lập. Một số phường khác có trường nhưng dân số trên địa bàn gia tăng quá đông nên vẫn không đủ chỗ học.
Ông Cương cho biết đang đề xuất giải pháp cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng. Bên cạnh đó tận dụng các tầng hầm đảm bảo an toàn cho học sinh để tăng diện tích cho các trường học đang bị quá tải. Các trường có thể bố trí học sinh học ở các tầng thấp, các phòng chức năng, phòng dành cho cán bộ, giáo viên ở tầng cao.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề nghị ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập trong khu vực nội thành khi di dời trụ sở các bộ, ngành, trường đại học - cao đẳng, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy ra khỏi khu vực nội ô. Với các khu đô thị mới, có cơ chế ràng buộc để các nhà đầu tư dành quỹ đất và xây dựng hạ tầng cho các trường công lập nếu trong khu vực chưa có trường công lập.
Ông Hồ Tấn Minh (chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM):
Cần tính đến giải pháp căn cơ
Ở các địa phương có số học sinh tăng cao, các quận huyện thường điều tiết số học sinh ở phường xã quá tải sang các phường xã lân cận để giảm bớt áp lực. Trong trường hợp này, các phòng GD-ĐT sẽ tính toán để phân tuyến, bảo đảm cho học sinh được đi học trong cự ly gần nhất có thể.
Ngoài ra, một số địa phương do áp lực dân số tăng cơ học quá cao nên đành chấp nhận tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày khá thấp, sĩ số học sinh/lớp không thể đạt chuẩn 35 em/lớp ở bậc tiểu học.
Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ mang tính chất tạm thời, lâu dài phải tính đến giải pháp căn cơ mà một mình ngành GD-ĐT không thể làm được. Tôi cho rằng việc quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp cũng như việc quản lý địa bàn dân cư cần thực hiện một cách chặt chẽ và khoa học hơn.
Việc tăng học sinh hiện chỉ tập trung ở một số quận huyện, tập trung ở một số khu vực có khu chế xuất, khu công nghiệp... Đừng để các "điểm nóng" tăng dân số ngày càng trầm trọng hơn mà cần rải bớt sang các khu vực khác.
Hỗ trợ giáo viên tiếng Anh cho trường vùng ven
Đông đảo học sinh Trường THCS-THPT Thạnh An đến sớm, tham gia các hoạt động do các CLB Trường THPT Lương Thế Vinh tổ chức - Ảnh: THU HƯƠNG
Một số trường đã chủ động liên kết, hỗ trợ nhau. Như Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP.HCM) vừa thực hiện "Hành trình kết nối yêu thương" với Trường THCS-THPT Thạnh An (Cần Giờ).
Cô Bùi Minh Tâm (hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh) cho biết đây là một hoạt động cần thiết và mang ý nghĩa thiết thực. Hoạt động lần này không chỉ dừng lại trong chuyến đi 2 ngày 1 đêm, mà là dịp để các thầy cô 2 trường kết nối, chia sẻ liên lạc, duy trì mối quan hệ, liên hệ và hỗ trợ nhau kịp thời trong quá trình học, giảng dạy lâu dài.
Hoạt động cử 2 giáo viên dạy tiếng Anh của Trường THPT Lương Thế Vinh hỗ trợ Trường THCS-THPT Thạnh An đã kịp thời tiếp sức cho trường trong khi sắp bước vào năm học mới trường đang thiếu giáo viên dạy môn tiếng Anh. 2 giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh sẽ dạy hình thức trực tuyến cho đến khi Trường THCS-THPT Thạnh An có đủ giáo viên.
Thầy Nguyễn Bảo Ngọc (hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh An) bày tỏ: hoạt động kết nối của Trường THPT Lương Thế Vinh giúp các tổ chuyên môn kết nối với nhau, hỗ trợ nhau để cùng thực hiện nhiệm vụ giáo dục của trường. Hơn hết, hoạt động này thu hút học sinh đến trường bằng nhiều hoạt động vui chơi kết hợp học tập.
THU HƯƠNG
Hà Nội thiếu 7.147 giáo viên các cấp
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết năm học 2022 - 2023, Hà Nội còn thiếu 7.147 giáo viên các cấp. Theo ông Trần Thế Cương - giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, sở đang có kiến nghị hướng dẫn, xem xét cho phép Trường đại học thủ đô Hà Nội phát triển mã ngành đào tạo giáo viên phục vụ nhu cầu giáo viên trên địa bàn thành phố. Nếu việc này được thực hiện, Hà Nội có thể "đặt hàng" để đào tạo giáo viên ở các môn học, cấp học còn thiếu.
Ông Cương cũng cho biết Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn đảm bảo việc giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên, nhân viên trường học đối với các cơ sở giáo dục công lập để có thể khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ngay trong năm học này.
VĨNH HÀ
Đà Nẵng: nhiều chính sách hỗ trợ học sinh
Năm học 2022 - 2023, Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ 100% học phí 9 tháng cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập và ngoài công lập. Các đối tượng được giảm học phí theo các chính sách của trung ương và thành phố được cấp bù phần hỗ trợ cho bằng 100% mức thu học phí công lập.
Đây là năm đầu tiên mức học phí được điều chỉnh tăng cao theo nghị định 81 của Chính phủ. Việc Đà Nẵng miễn học phí cho học sinh là tin vui với nhiều phụ huynh.
Bà Lê Thị Bích Thuận, giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết thêm HĐND thành phố cũng vừa thông qua nghị quyết hỗ trợ gần 4,7 tỉ đồng mua sách giáo khoa cho hơn 8.400 học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo và học sinh mồ côi do dịch COVID-19.
Theo bà Thuận, ngành giáo dục thành phố dự kiến ngày 24-8 sẽ tập trung học sinh khối lớp 1 đi học, sau đó gần 1 tuần (29-8) là các học sinh khối lớp còn lại. Ngày 5-9 sẽ khai giảng và học chính thức.
An Giang, Đồng Tháp "kêu" thiếu giáo viên
Ngày 21-8, bà Trần Thị Ngọc Diễm, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, cho biết tỉnh này đã ban hành kế hoạch năm học 2022 - 2023, thời gian tựu trường của học sinh từ giáo dục mầm non đến cấp THPT đồng loạt diễn ra từ ngày 29 đến 31-8.
"Hiện chúng tôi đã chỉ đạo các trường chuẩn bị trường, lớp sẵn sàng để chào đón học sinh vào năm học mới. Trong năm học mới này, An Giang thiếu giáo viên mầm non rất nhiều. Sắp tới, sở sẽ phối hợp các địa phương thống kê số lượng cụ thể để tổ chức tuyển dụng thêm", bà Diễm nói.
Còn bà Nguyễn Thúy Hà, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho hay thiếu hụt gần 200 giáo viên tiểu học và THCS. Cấp mầm non và THPT có nhưng số lượng rất ít, mệt nhất là tiểu học và THCS. Nguyên nhân là do các môn tin học, nhạc, mỹ thuật áp dụng chương trình mới nên các môn này tăng số tiết học dẫn đến thiếu người.
"Vì vậy, tôi đã yêu cầu các địa phương cố gắng thỉnh giảng nội bộ qua lại giúp đỡ. Chúng tôi đang lên kế hoạch tuyển dụng giáo viên cho 2 cấp này, có thể cuối tháng 11 sẽ tuyển dụng xong", bà Hà nói.
BỬU ĐẤU
Nguồn: Bộ GD-ĐT - Đồ họa: TUẤN ANH
TTO - Dự kiến năm học 2022 - 2023, TP.HCM tăng 21.825 học sinh. Hiện nay, một số nơi gặp khó trong việc tuyển giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.
Xem thêm: mth.76202018022802202-neiv-oaig-ueiht-ion-ueihn-iat-auq-pol-gnourt-hnam-gnat-hnis-coh/nv.ertiout