Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TP.HCM. Đây là địa phương có số thí sinh bỏ đăng ký xét tuyển đại học nhiều thứ 4 cả nước - Ảnh: TR.HUỲNH
Tối 24-8, Bộ GD-ĐT đã công bố phân tích dữ liệu thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học năm 2022.
Tín hiệu tích cực
Theo số liệu thống kê, năm 2020 số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống là 642.270; năm 2021 số lượng là 794.739. Theo đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và chỉ giảm 3,4% so với năm 2020.
Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, điểm khác biệt căn bản trong việc đăng ký xét tuyển năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Số liệu năm 2022 thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, mong muốn vào học đại học sau khi đã có đầy đủ thông tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT (kể cả điểm sau phúc khảo). Đây là tín hiệu tích cực thể hiện các định hướng và quyết định chủ động của thí sinh khi có đủ thông tin.
Bộ cũng đã công bố một số phân tích trên cơ sở dữ liệu của 315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển vào đại học nhưng sau đó đã không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên hệ thống. Theo đó, tỉ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển theo các miền trên cả nước: miền Bắc 38%, miền Trung 32% và miền Nam 30%. Nếu tính tỉ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển theo các khu vực ưu tiên, số thí sinh ở khu vực 1 (vùng khó khăn) chiếm tỉ lệ cao nhất với 35% thí sinh bỏ đăng ký xét tuyển, khu vực 2 nông thôn chiếm 33%, khu vực 2 chiếm 22% và khu vực 3 (thành phố) chiếm 10%.
Đáng chú ý, trong số 20 địa phương có số thí sinh không đăng ký xét tuyển nhiều nhất, Hà Nội là địa phương có nhiều thí sinh nhất với hơn 22.000 thí sinh, kế tiếp là Thanh Hóa hơn 15.000, Nghệ An hơn 14.000 và TP.HCM hơn 13.000 thí sinh.
Cần lý giải thuyết phục
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng giải thích của Bộ GD-ĐT về việc thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học năm nay thông qua các phân tích cơ sở dữ liệu vẫn chưa thuyết phục nên cần có minh chứng. Ví dụ như việc cho rằng số thí sinh không đăng ký xét tuyển tập trung nhiều nhất ở các thành phố lớn, nơi các em có nhiều cơ hội nhất để du học nhưng số liệu về số thí sinh đi du học năm nay lại không có. Cũng như số liệu về số thí sinh đăng ký xét tuyển bậc cao đẳng, học nghề cũng không có.
Bên cạnh đó, số liệu theo từng địa phương cho thấy có một số địa phương tỉ lệ thí sinh bỏ xét tuyển còn cao hơn tỉ lệ chung rất nhiều. Cụ thể như tỉ lệ chung số thí sinh bỏ đăng ký xét tuyển khoảng 35%, riêng tỉnh Bắc Giang có tổng số thí sinh khoảng 17.000 với hơn 7.700 thí sinh bỏ xét tuyển (chiếm hơn 40%). Tương tự, Long An có gần 5.900 thí sinh bỏ đăng ký xét tuyển, trong khi tổng số thí sinh của tỉnh này khoảng 14.500. "Do vậy, vấn đề đặt ra là có chắc các em ở Bắc Giang, Long An đi du học hay không. Cần tiếp tục làm rõ những thông tin này", ông Nghĩa nói.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng cho rằng cần có thêm dữ liệu mới có thể làm rõ được nguyên nhân của hơn 315.000 thí sinh bỏ đăng ký xét tuyển đại học năm nay. Có hai xu hướng chính để thí sinh bỏ đăng ký xét tuyển là số gia đình khá giả ở các đô thị lớn cho con đi du học ở nước ngoài và xu hướng thứ hai là số gia đình khó khăn ở vùng khó khăn chọn học nghề để sớm ra làm việc ngay.
Với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có số thí sinh bỏ đăng ký xét tuyển nếu lý giải theo góc độ thí sinh chọn con đường du học cũng có phần phù hợp. Tuy nhiên phải có con số thống kê chính xác cụ thể có bao nhiêu em đi du học và bao nhiêu em chọn học nghề thì mới thuyết phục.
"Bên cạnh đó, tôi cho rằng rất có thể có nhiều thí sinh đã trúng tuyển sớm và nhập học tại các trường tư. Bộ GD-ĐT cũng cần khảo sát và rà soát lại thêm trên thực tế có thí sinh nào không nắm được thông tin hoặc không nắm rõ quy trình đăng ký xét tuyển năm nay dẫn đến bỏ đăng ký" - ông Hùng nói.
Theo TS Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT, qua dữ liệu Bộ GD-ĐT vừa công bố có thể thấy được 2 điều: 1. Bỏ đăng ký xét tuyển đại học phân bố nói chung là đều. Nơi nào đông dân (cũng đồng nghĩa với đông thí sinh) thì bỏ nhiều hơn (TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An); 2. Không đăng ký thường là học kém. Khoảng 1/2 số thí sinh có điểm dưới trung vị (nửa dưới) đã bỏ cuộc.
Cần thêm khảo sát
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng: "Căn cứ vào số liệu, có thể thấy số lượng không đăng ký do nhìn nhận năng lực cá nhân là hợp lý, kể cả năng lực có thể đi du học. Các thí sinh ở Hà Nội không đăng ký chiếm tỉ lệ cao cũng cho thấy nhóm các thí sinh có điều kiện và khả năng du học là có cơ sở. Tuy vậy, nếu có thêm khảo sát từ phía học sinh về lý do không đăng ký thì việc lý giải sẽ thuyết phục hơn nữa".
TTO - Số thí sinh không đăng ký xét tuyển tập trung nhiều nhất ở nơi các em có nhiều cơ hội nhất để du học, tiếp tục học tập, học nghề… ở các bậc đào tạo khác, hoặc tìm kiếm việc làm.
Xem thêm: mth.98012357052802202-coh-iad-neyut-tex-yk-gnad-gnohk-ia/nv.ertiout