vĐồng tin tức tài chính 365

5 nông dân làm 'BOT' hạnh phúc cho dân

2022-08-29 11:22
5 nông dân làm BOT hạnh phúc cho dân - Ảnh 1.

Ông Minh (trái) và ông Dũng, hai trong số năm nông dân góp tiền làm lại cầu, nở nụ cười hạnh phúc khi cầu phao giúp bà con đỡ cực khổ - Ảnh: TRẦN MAI

Tròn 20 năm đã trôi qua, sứ mệnh của "dự án BOT" của nông dân này sắp hoàn thành nhưng người dân rất hài lòng, họ không thấy khó chịu khi trả phí mà còn biết ơn.

Chiếc cầu cấp thiết

Ngày đó những người nông dân góp vốn làm cầu ở độ tuổi thanh niên, giờ họ đã già đi, tóc điểm bạc. Ông Phan Khắc Minh (56 tuổi) nói: "Dự án này ngay từ khi khởi đầu chúng tôi xác định phục vụ dân sinh, cho đến nay chưa một ai phiền hà việc thu phí".

Buổi sáng cuối tháng 8, sông Thạch Hãn hiền hòa đón những người phụ nữ từ xã Triệu Độ vượt cầu phao lên TP Đông Hà buôn bán. Những chiếc xe máy chất đầy rau, cá nối đuôi nhau. Bà Khanh, có hơn 20 năm bán rau ở chợ Đông Hà, dừng xe ở "trạm thu phí cầu phao Triệu Độ" chào hỏi "nhân viên trạm" và đưa 3.000 đồng. 

Bà Khanh nói: "Xã Triệu Độ cách trung tâm TP Đông Hà chừng 4km, nhưng trước khi có cầu phao dân Triệu Độ hoặc đi đò hoặc vòng vào tận thị trấn Ái Tử, rồi theo quốc lộ ra Đông Hà đến tận 34km. Năm 2013 khánh thành cầu Đại Lộc (xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong), khoảng cách có rút ngắn còn khoảng 10km. Nhưng dân Triệu Độ đều đi cầu phao vừa giảm chi phí xăng cộ lẫn thời gian". Trước khi rồ ga chạy cho kịp buổi chợ sáng, bà Khanh nói thêm: "Cái cầu này còn thu phí là bà con còn mừng, không thu lấy gì bảo dưỡng. Bà con Triệu Độ cảm ơn cầu phao này nhiều".

Với người dân Triệu Độ, dòng sông Thạch Hãn cho họ sinh kế, nhưng dòng sông cũng tạo nên cách trở. Có một thời vùng đất hiếu học Triệu Độ thỉnh thoảng lại có vài học sinh nghỉ học vì không có tiền trọ học ở Đông Hà, còn đi về mỗi ngày thì quá xa. Năm 2002, năm người nông dân Lê Văn Diện, Lê Đình Uynh, Lê Văn Quý, Phan Khắc Minh, Trương Đăng Duệ họp bàn làm cầu phao nối đôi bờ sông Thạch Hãn cho bà con đỡ khổ.

20 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại thời trai trẻ ai cũng nở nụ cười về "độ máu" của mình. Ông Phan Khắc Minh nhớ lại: "Lúc đó tôi mới 36 tuổi, ngày ngày chứng kiến cảnh mọi người qua lại sông Thạch Hãn bằng đò ngang, lúc nào cũng đầy người, xe máy và hàng hóa vừa bất tiện lại vừa nguy hiểm, ai "sợ chết" thì chịu khó chạy vòng. Năm anh em bàn nhau làm cầu vượt sông xóa bỏ cách trở".

Thông tin năm nông dân tính làm cầu vượt sông Thạch Hãn gây chấn động Quảng Trị một thời. Đích thân ông Vũ Trọng Kim (bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị thời đó) bán tín bán nghi đã gọi điện về hỏi: "Có thật các anh chuẩn bị làm cầu phao qua sông Thạch Hãn?". 

Ông Trương Đăng Duệ trả lời: "Thật bác ạ". Hôm sau, ông Kim lặn lội về Triệu Độ nghe năm nông dân thuyết trình ý tưởng nối đôi bờ sông Thạch Hãn. "Nghe xong, ông Kim gật đầu, hoàn toàn ủng hộ" - ông Duệ nhớ lại.

Thời điểm đó một vài nơi đã làm cầu phao vượt sông, nhưng đó là những dòng sông nhỏ và nước nông, còn sông Thạch Hãn quá rộng và sâu. Thế là cả nhóm tự thiết kế cầu trình lên Sở GTVT Quảng Trị xin thực hiện. Sở không đồng ý vì không đúng quy định nhưng vẫn nhiệt tình hướng dẫn ra Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) trình bày ý tưởng. 

Năm 2002, năm người đàn ông chất phác đón xe ra Hà Nội trình bày nguyện vọng làm cầu phao. Cục Đường thủy nội địa bị thuyết phục bởi tấm lòng của nhóm đã cử cán bộ khảo sát thực địa, thiết kế cây cầu phao. Mất hơn một năm, các thủ tục và bản thiết kế hoàn thành, năm nông dân thuê thợ cơ khí thi công lắp ráp cầu.

"Cái gì cũng thuận tiện, chỉ có điều chúng tôi ước tính vốn 750 triệu đồng nhưng khi hoàn thành đội lên hơn 1,2 tỉ đồng. Thời điểm đó số tiền này cực to, mỗi anh em phải góp 270 triệu đồng. Thú thật lúc đó xe cộ ít, cũng chẳng biết bỏ tiền chẵn thu tiền lẻ khi nào mới hoàn vốn. Quyết tâm làm vì không có cầu, cả xã sẽ khổ dài dài", ông Minh kể.

Ngày cây cầu đưa vào hoạt động, nhìn con cháu trong làng mặc đồng phục học trò đạp xe qua sông, các ông nhìn nhau cười. Từ chỗ đạp xe đi học mất 34km, giờ bọn trẻ chỉ đi 4km. Bà con thì tay bắt mặt mừng cảm ơn. Mức phí 2.000 đồng/xe máy, 1.000 đồng/xe đạp cũng được bà con ủng hộ. Riêng với học sinh, giáo viên lúc đầu miễn phí nhưng sau đó bà con đều ủng hộ thu. "Thiệt tâm bà con sợ chúng tôi lỗ, không có tiền duy tu bảo dưỡng cầu. Sau đó, chúng tôi thu 20.000 đồng/tháng đối với học sinh và giáo viên. Số tiền này còn ít hơn rất nhiều so với tiền đi đò trước đây", ông Minh chia sẻ.

5 nông dân làm BOT hạnh phúc cho dân - Ảnh 2.

Cầu phao Triệu Độ dài 240m nối đôi bờ sông Thạch Hãn đã rút ngắn khoảng cách từ xã Triệu Độ về TP Đông Hà - Ảnh: TRẦN MAI

Chấp nhận lỗ làm lại cầu mới

Chiếc cầu phao Triệu Độ vẫn ở đó suốt nhiều năm tháng. Nhưng trận lũ lịch sử cuối năm 2020 đã xóa sổ hoàn toàn, bà con trong xã lại một lần nữa đi vòng. Lúc này dự án cầu bê tông cốt thép trị giá hàng trăm tỉ đồng nối đôi bờ Thạch Hãn đã được tỉnh Quảng Trị quyết định đầu tư. Chẳng biết cầu khi nào sẽ khởi công, nhóm lại dắt nhau lên Sở GTVT và UBND tỉnh Quảng Trị hỏi. Khi hay thông tin 2-3 năm nữa mới xây dựng, cả nhóm quyết định có lỗ cũng phải làm lại cầu cho dân đi.

Ông Lê Văn Diện (75 tuổi) xin rút lui vì tuổi già, sợ vay ngân hàng sẽ không trả nổi. Lập tức ông Trương Văn Dũng (55 tuổi, xã Triệu Độ) vào thay thế. Cả năm người đi vay ngân hàng hơn 2,7 tỉ đồng tức tốc làm lại cầu phao. Ông Dũng cười khà khà khi nói về "độ liều" của mình. Dĩ nhiên nếu tính toán ông biết trong thời gian ngắn sẽ khó thu hồi vốn. 

"Nhưng lời lỗ chẳng quan trọng lắm đâu, cây cầu này được dựng lên để phục vụ bà con, nhất là học sinh. Chính tôi ngày xưa cũng từng phải nghỉ học giữa chừng vì cách trở dòng sông. Để theo chữ nghĩa phải lên trường vừa học vừa làm ở miền núi. Tôi không muốn lặp lại với con cháu trong làng nên quyết định gánh cùng anh em", ông Dũng nói.

Cũng thật lạ đời, bỏ ra số tiền lớn để làm cầu, vậy mà những người nông dân này lại ngày đêm chờ cầu mới. Ông Minh bảo rằng cầu phao chỉ đáp ứng được xe máy, xe kéo và xe đạp. Trước đây thì quá ổn, nhưng giờ xe ô tô nhiều nên chiếc cầu đã giảm thiểu công năng. "Chúng tôi đều mong cái ngày cầu phao chấm dứt sứ mệnh của mình. Đó sẽ là trang mới của cả ngàn hộ dân Triệu Độ", ông Minh nói.

Đang trò chuyện ở "trạm thu phí" thì bất ngờ ông Minh nghe tiếng hỏi thăm sức khỏe của một "khách hàng". Đó là anh Nguyễn Trường Thành, đang công tác tại Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị. Anh Thành chuyển lên sinh sống ở Đông Hà, lâu lâu về làng đều dừng lại thăm hỏi. Thế hệ anh Thành là học sinh "đời đầu" đi qua cầu phao lên Đông Hà học chữ. 

Trải qua cả đi đò lẫn đi cầu, anh Thành nói rằng: "Nhờ có cầu này mà chữ nghĩa đỡ nhọc nhằn. Thế hệ của tôi ngày đó lên Đông Hà học giờ đều thành công ở các lĩnh vực khác nhau. Mỗi lần đi qua cầu, tôi lại thầm biết ơn các chú. Nếu không có cầu, một vài người bạn tôi đã bỏ học giữa chừng. Với tôi, đây là trạm BOT hạnh phúc nhất".

Tuyệt vời

Ông Võ Văn Hưng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nói thật sự cảm kích tấm lòng của những người nông dân làm cầu phao dân sinh. Tấm lòng của anh em đã giúp giảm bớt khó khăn cho vùng đất, xã Triệu Độ khá giả hơn chắc chắn có công của những nông dân này. "Tuyệt vời", ông Hưng nói.

Nói về dự án cầu bê tông cốt thép sẽ được xây dựng trong thời gian đến ở khu vực, ông Hưng cho biết trong thời gian tới chắc chắn dự án sẽ được thực hiện. Ngày nào chưa hoàn thành cây cầu mới thì sứ mệnh của cầu phao vẫn còn tiếp tục.

"Người dân hay nói vui cầu phao Triệu Độ là dự án BOT hạnh phúc nhất. Nhưng ai cũng biết đây là cây cầu của sự tử tế mà các anh đã làm để phục vụ bà con. Chúng tôi cảm ơn các anh, những người nông dân tuyệt vời", ông Hưng nói.

Cha mẹ gần 90 tuổi mắt vẫn sáng, 4 người con đều bị mù từ tuổi đôi mươiCha mẹ gần 90 tuổi mắt vẫn sáng, 4 người con đều bị mù từ tuổi đôi mươi

TTO - Câu chuyện về hai cha mẹ gần 90 tuổi, mắt còn tỏ, vẫn đọc được sách nhưng kỳ lạ là cả bốn người con đều bị mù từ độ mười tám, đôi mươi.

Xem thêm: mth.88755159092802202-nad-ohc-cuhp-hnah-tob-mal-nad-gnon-5/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“5 nông dân làm 'BOT' hạnh phúc cho dân”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools