Đó là khi họ trình ra bảng tổng sắp huy chương. Trên màn hình kênh NBC, Mỹ đứng đầu với tổng cộng 25 huy chương, trong đó có 3 vàng, 13 bạc và 9 đồng. Kế đến là Úc với tổng cộng 16 huy chương, trong đó có 10 vàng, 5 bạc và 1 đồng.
Không chấp nhận sự thật
Nhà báo chuyên viết về bơi lội Braden Keith lập tức châm biếm trên mạng xã hội: "Đội bơi Mỹ và kênh NBC đã vẫy cờ trắng bằng cách thay đổi thể thức xếp hạng". Rõ ràng, với 10 HCV, nhiều hơn gấp 3 lần Mỹ ở thời điểm đó, Úc phải dẫn đầu trên bảng tổng sắp. NBC dường như đã không chấp nhận nổi sự thật rằng lại có ngày tuyển bơi hùng mạnh của Mỹ lại có thể bị Úc vượt mặt. Thậm chí, Úc đã hoàn toàn bỏ xa họ.
Mỹ đã thống trị làng bơi lội thế giới suốt hai thập niên qua, khi liên tiếp dẫn đầu bảng tổng sắp bơi lội ở 10 giải vô địch thế giới liên tiếp. Không chỉ vậy, họ còn luôn bỏ xa đối thủ như một lẽ đương nhiên. Cụ thể, tại giải năm 2022, Mỹ đoạt 17 HCV, gấp ba lần con số 6 HCV của đội bơi Úc. Trước đó, khi đoạt 14 HCV ở năm 2019, Mỹ cũng bỏ xa Úc đến 9 HCV.
Việc Úc manh nha vượt mặt Mỹ đã xuất hiện từ Olympic Tokyo, diễn ra vào năm 2021 (lùi 1 năm vì đại dịch). Năm đó, sự xuất sắc của đội bơi nữ giúp Úc thu hẹp khoảng cách so với Mỹ. Tại Tokyo, Úc đoạt 9 HCV, chỉ kém Mỹ 2 HCV.
Đáng chú ý, 8/9 HCV của Úc năm đó là nhờ các nữ kình ngư. Nhưng chỉ một năm sau, Mỹ thiết lập trật tự ở giải thế giới 2022. Katie Ledecky cùng loạt kình ngư trẻ như Regan Smith, Torri Huske, Alexandra Walsh tỏa sáng giúp đội bơi Mỹ lập lại thế thống trị.
Chính vì vậy, chẳng ai ngờ được thất bại nặng nề của tuyển Mỹ ở giải năm nay. Vẫn là những gương mặt đó, nhưng các kình ngư Mỹ đã bị Úc hạ "knock-out" đúng nghĩa.
Các kình ngư Úc bùng nổ
Không phải các kình ngư Mỹ sa sút, mà họ chỉ thất bại vì đối thủ Úc thi đấu với phong độ cao đáng ngạc nhiên.
Cay đắng nhất là "cú ăn 3" về nhì của ngôi sao trẻ Regan Smith ở đường đua bơi ngửa. Năm 2022, cô giành HCV 100m ngửa với thời gian 58,22 giây. Đến năm nay, Smith tăng thành tích lên 57,78 giây, nhưng rồi bị Kaylee McKeown - người về đích với thời gian 57,53 giây - đánh bại.
Ở nội dung 200m ngửa, McKeown với 2 phút 3,85 giây cũng đánh bại Smith (2 phút 4,94 giây). Và cay đắng nhất là nội dung 50m ngửa khi McKeown (27,08 giây) chỉ vượt mặt Smith (27,11) vỏn vẹn 3% giây.
Ngoài những cái tên quen thuộc như McKeown, Titmus, McEvoy, đội bơi Úc năm nay còn bùng nổ với dàn ngôi sao trẻ U20 như Samuel Short (HCV 400m tự do), O'Callaghan (HCV 100m tự do và 200m tự do)...
Chung cuộc, sau 8 ngày thi đấu, đội bơi Úc giành tổng cộng 13 HCV, 7 HCB và 5 HCĐ, đứng đầu bảng tổng sắp môn bơi lội ở Giải vô địch thế giới. Còn Mỹ lần đầu tiên sau hai thập niên bị tụt xuống hạng nhì, với 7 HCV, cùng 20 HCB và 11 HCĐ.
Lời cảnh báo cho bơi lội Việt Nam
Bơi lội Việt Nam cũng có một hành trình đáng quên trên đất Nhật Bản khi không thể giành vé vào bán kết hoặc chung kết ở bất kỳ nội dung nào. Không chỉ vậy, các kình ngư Việt Nam còn đứng nửa dưới bảng xếp hạng mọi đợt bơi vòng loại họ tham gia.
Xác định mục tiêu là Asiad diễn ra vào tháng 9 tới ở Trung Quốc, tuyển bơi Việt Nam đã "cất" Huy Hoàng ở giải thế giới. Các kình ngư ngôi sao như Hưng Nguyên, Thanh Bảo cũng không đạt điểm rơi phong độ ở thời điểm hiện tại. Dù vậy, việc họ thi đấu sa sút dần đều so với chính mình ở giải thế giới là một lời cảnh báo với tuyển bơi Việt Nam.
Không chỉ trắng tay, đội tuyển bơi Việt Nam còn thụt lùi về thành tích cá nhân tại Giải thể thao dưới nước vô địch thế giới 2023, diễn ra trên đất Nhật Bản.