Trong một bài viết hôm 2/8, tờ Barron cho biết các chuyên gia kinh tế của Bank of America đã trở thành nhóm nghiên cứu đầu tiên trong các số ngân hàng lớn của nước này dự đoán nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ "hạ cánh mềm" thay vì suy thoái. Theo bài viết có một lý do cho sự lạc quan này.
Thứ nhất đó là mặc dù FED đã tăng lãi suất thêm 5,25 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022, GDP của Mỹ vẫn tăng 2,4% hàng năm trong quý II, vượt xa kỳ vọng. Lạm phát đã giảm từ 9% hồi tháng 6 năm ngoái xuống còn 3% thời gian gần đây, làm dấy lên hy vọng rằng ngân hàng trung ương có thể sớm kết thúc nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Thứ hai là tăng trưởng việc làm tại Mỹ vẫn lành mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6% - mức thấp gần kỷ lục và các nhà kinh tế kỳ vọng rằng tỷ lệ này sẽ không thay đổi trong tháng 7. Các chuyên gia tại Bank of America hiện kỳ vọng GDP sẽ tăng 2% hàng năm trong năm nay, tăng so với mức 1,5% được dự đoán trước đó.
(Ảnh: Getty Images)
Với góc nhìn thận trọng hơn dựa trên những gì đã diễn ra trong lịch sử, tờ Thời báo New York cho biết là mọi người thường chắc chắn rằng nền kinh tế sẽ "hạ cánh mềm" ngay trước khi nó rơi vào suy thoái - một lý do để thận trọng và khiêm tốn lần này.
Cụ thể, vào cuối năm 1989, các chuyên gia của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh Cleveland đã đưa ra những phân tích khá chắc chắn rằng tăng trưởng sẽ hạ nhiệt và không có suy thoái nghiêm trọng. Hạ cánh mềm cũng là điều mà mọi người đều nghĩ đến sau một loạt đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Cuối năm 2000, một chuyên mục trên tờ Thời báo New York giật title "Làm cho việc hạ cánh mềm thậm chí còn nhẹ nhàng hơn". Vào cuối năm 2007, các chuyên gia của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh Dallas đã kết luận rằng nước này có thể vượt qua cuộc khủng hoảng thế chấp mà không bị suy thoái. Thế nhưng chỉ trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau đó, nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái. Thất nghiệp tăng vọt, doanh nghiệp đóng cửa, tăng trưởng bị thu hẹp lại.
Tuy nhiên, báo chí Mỹ dẫn ý kiến các chuyên gia nhận định các bài học lịch sử có thể không phù hợp cho bối cảnh hiện nay bởi đây không phải là một chu kỳ kinh tế điển hình. Thay vào đó, tốc độ tăng trưởng đột ngột bị dừng lại do đóng cửa vì COVID-19 và sau đó tăng vọt trở lại nhờ các biện pháp kích thích của Chính phủ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt, tắc nghẽn và nhu cầu cao bất thường. Tất cả những điều đó đã góp phần gây ra lạm phát, vì thế cách xử lý và diễn biến tình hình lần này cũng sẽ khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.17011129040803202-ym-et-hnik-nen-auc-mem-hnac-ah-gnov-neirt/et-hnik/nv.vtv