Giá tôm giảm sâu
Trong những tháng đầu năm, giá tôm liên tục giảm và kéo dài đã khiến việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với người dân nuôi tôm tại Bạc Liêu - một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn của cả nước.
Bước vào quý 3/2023, tình hình giá cả vẫn còn ở mức thấp khiến người nuôi tôm trên địa bàn Bạc Liêu gặp khó trong việc duy trì sản xuất, nhất là đối với các hộ dân nuôi tôm ao đất, ít vốn. Vì thế, nhiều hộ nuôi tôm quyết định "treo" ao chờ giá.
Cụ thể, tính từ tháng đầu tiên của quý 3/2023 đến nay, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giảm từ 4-18%. So với quý 1/2023, giá tôm thẻ chân trắng trong quý 2/2023 tiếp tục giảm và kéo dài sang tận quý 3/2023 từ 18.000-49.000 đồng/kg và so với cùng kỳ năm trước giảm từ 11.000-36.000 đồng/kg.
Cùng đó, giá tôm sú cũng giảm từ 35.000-55.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm trước, tôm sú loại 30 con/kg giảm 35.000 đồng/kg và loại 40 con/kg giảm 45.000 đồng/kg.
Chia sẻ với Vietnam+, anh Trần Văn Khoa ở ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh (huyện Hoà Bình) cho biết, giá tôm nguyên liệu giảm sâu trong khi giá thức ăn, con giống, thuốc đều tăng cao khiến cho người nuôi lao đao. "Để nuôi tôm kích cỡ 50 con/kg về 30-40 con/kg nhằm chờ giá là không khả thi, càng nuôi càng lỗ, cầm cự chẳng được lâu nên đành phải "treo ao," anh Khoa tâm sự.
Chỉ tay về phía những ao vèo được đầu tư với số tiền hàng chục triệu đồng, máy móc thiết bị ngổn ngang mặc nắng mưa, anh Khoa không giấu được nỗi buồn. Giá thấp, nuôi lỗ triền miên khiến vợ chồng anh lâm vào cảnh nợ nần.
Tương tự, chia sẻ với báo Bạc Liêu, anh Nguyễn Văn Duy (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) than thở: “Với giá tôm như hiện nay nông dân thật sự “chóng mặt”, vì có trúng tôm thì cũng lỗ, do chi phí đầu tư cho nuôi tôm không ngừng tăng cao. Hiện tại tôi phải tạm “treo ao” để chờ giá chứ không dám thả nuôi vụ mới”.
Anh Nguyễn Văn Đông, thành viên Hợp tác xã 30/4 ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) cho biết tình hình giá cả giảm mạnh khiến cho các thành viên chỉ dám nuôi thưa, không nuôi đại trà, để quan sát diễn biến giá cả. Lợi nhuận năm nay so với các năm trước giảm mạnh, thậm chí không có lợi nhuận.
"Năm nay, nếu người nuôi tốt thì còn hòa vốn, còn lại là lỗ," anh Đông bộc bạch. Cũng theo anh Nguyễn Văn Đông, mong mỏi của người nuôi tôm hiện nay là chi phí về nguồn thức ăn, con giống giảm.
Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Thành Công Mới ở ấp Vĩnh Mới với hơn 30 thành viên từng giúp nhiều tổ viên trong phát triển kinh tế vươn lên khá giả, thế nhưng chưa bao giờ khát vọng của những “tỷ phú nông dân" lại bị thách thức như hiện nay.
Anh Nguyễn Văn Lập, Tổ trường Tổ hợp tác Thành Công Mới chia sẻ hơn 30 thành viên tổ hợp tác giờ có đến hơn 10 người treo ao. Hiện giá tôm rất rẻ, do đó bà con rất ngại tái sản xuất. Nhiều hộ đã giảm mật độ thả nuôi, giảm số lượng ao.
“Do lỗ quá nên 8 ao tôm giờ tôi chỉ dám thả 2 ao để cầm cự, hy vọng giá tôm nhích lên. Nếu tình hình giá cả không được cải thiện, không riêng gì các hộ nuôi ao đất, ít vốn mà các hộ nuôi tôm công nghiệp, có vốn cũng phải cân nhắc kỹ trước khi tái thả nuôi,” anh Lập chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú nêu nguyên nhân giá tôm liên tiếp sụt giảm là do hiện tại đang vào mùa vụ nuôi tôm chính, không chỉ ở Việt Nam mà còn tập trung ở các nước nuôi tôm khác như: Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho biết, theo thông lệ hầu hết nhận định thị trường sẽ phục hồi vào nửa cuối năm.
"Thực tế đến giữa tháng 7 cho thấy thị trường có hồi phục từng bước nhưng còn chậm và giá tiêu thụ chưa cải thiện. Có thể nguồn cung tôm giá rẻ từ Ecuador dồi dào. Hy vọng thị trường cuối năm sẽ hồi phục, ngành thủy sản đạt mục tiêu đặt ra".
Đơn cử giá thành sản xuất tôm nguyên liệu của Ecuador đối với con tôm size 60 con/kg chỉ khoảng 2,3 - 2,4 USD/kg, hay con tôm của Ấn Độ cũng dừng ở mức từ 3,4 - 3,5 USD/kg, nhưng giá thành sản xuất của con tôm Việt Nam lại nằm ở mức 4,8 - 5 USD/kg.
Do giá thành sản xuất thấp nên giá bán tôm nguyên liệu của các nước này cũng thấp hơn giá bán của con tôm Việt Nam từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Vì vậy, ngay từ khi nuôi tôm, bản thân con tôm Việt Nam đã mất đi lợi thế cạnh tranh mà nguyên nhân chính là chi phí đầu vào cho con tôm quá cao, nhưng lại chưa có một chính sách đặc thù nào cho phát triển con tôm, nhất là chính sách về tín dụng.
Bên cạnh đó, sau tác động của dịch bệnh COVID-19, xung đột Nga và Ukraine đã làm cho các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu rơi vào suy thoái, lạm phát ở mức cao. Ảnh hưởng suy thoái kinh tế đã làm cho người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, kéo theo sức tiêu thụ hàng hóa giảm, dẫn đến cung vượt cầu. Vì vậy, xét theo quy luật thị trường thì giá tôm giảm là điều tất yếu.
Gỡ khó cho người nuôi tôm
Thông tin trên Vietnam+, với diện tích trên 140.000ha, Bạc Liêu là một trong số 3 địa phương có diện tích và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước, đóng góp từ 20-21% tổng sản lượng tôm nuôi.
Tỉnh Bạc Liêu cũng xác định và chỉ đạo triển khai thực hiện “Nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, sớm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.
Bạc Liêu xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, trước tình hình giá tôm giảm liên tục thời gian qua, khiến các hộ nuôi tôm và các doanh nghiệp nuôi tôm trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Người nuôi tôm và các doanh nghiệp cần sự chung tay, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, nhất là trong việc mở rộng thị trường, giảm chi phí đầu tư; quan trọng nhất là có giải pháp thúc đẩy giá tôm sớm “quay” trở lại.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu cho rằng giá tôm trên địa bàn có thể thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Người nuôi tôm hiện nay đang đứng ngồi không yên. Với những người đã thu hoạch xong đang phân vân có nên thả nuôi tiếp hay treo ao, chờ giá lên. Còn những hộ nuôi đang còn tôm trong ao, khả năng lỗ rất cao, tôm kích cỡ càng lớn, lỗ càng cao.
Theo ông Tạ Hoàng Nhiệm, vấn đề mấu chốt cần sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nông-Nhà nước-Nhà khoa học-Nhà doanh nghiệp). Trước mắt, cần có động thái để hỗ trợ nhà nông đảm bảo giá sản phẩm, thức ăn, tôm giống.
Còn ông Đào Văn Liêm, Giám đốc phát triển Farm, Công ty Công nghệ sinh học Trúc Anh (phường Vĩnh Trạch, Tp. Bạc Liêu) cho rằng đây là năm “bão giá” đối với người nuôi tôm. Bà con gặp rất nhiều khó khăn trước diễn biến về thời tiết bất lợi, môi trường, dịch bệnh diễn ra phức tạp.
Trước tình hình trên, doanh nghiệp đã mạnh dạn và đẩy mạnh nhiều mô hình nuôi, phương thức mới, mang tính khép kín để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Đào Văn Liêm cũng mong muốn, ngành chức năng theo dõi, nắm bắt được nhu cầu của thị trường để có kế hoạch, định hướng đến bà con. Khi sản phẩm đến với thị trường đúng lúc, kịp thời sẽ có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng kỳ vọng của người nuôi tôm.
Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, mặc dù năm nay thời tiết khá thuận lợi, người nuôi tôm được mùa nhưng đầu ra lại gặp khó, các nhà máy chế biến tôm xuất gặp khó khăn do các đơn đặt hàng từ các nước Châu Âu bị chững lại.
“Chúng tôi khuyến cáo người nuôi tôm nuôi thưa, rải vụ để biết nhà máy đặt hàng theo kích cỡ, hơn nữa phải tăng cường tham gia vào các tổ hợp tác, HTX kiểu mới để mua chung, bán chung mới có thể vững chân được trên thị trường. Hiện nay tình hình giá cả thị trường đang là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, người nuôi tôm tổ chức lại sản xuất mới có thể cạnh tranh với thị trường thế giới”, ông Ly nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, về lâu dài, nông dân nuôi tôm Bạc Liêu cần phải hướng đến các quy trình nuôi tôm mang tính hiệu quả, bền vững.
Bà con nên có những lộ trình, kế hoạch theo mùa vụ khuyến cáo của các cơ quan, ban ngành. Đồng thời, phải có cách làm mới, phù hợp với thực tiễn của địa phương, kinh tế hộ gia đình; áp dụng công nghệ mới để đưa vào quá trình vận hành, tối ưu hóa chi phí trong nuôi tôm.
Như vậy người nuôi tôm Bạc Liêu mới đảm bảo có lãi, đầu ra ổn định, bền vững; qua đó, góp phần đảm bảo lộ trình đưa tỉnh Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành tôm của cả nước.
Cần có ngay các giải pháp ngắn hạn và dài hạn
Trao đổi với báo Bạc Liêu, ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho rằng để gỡ khó cho người nuôi tôm, chúng ta cần có ngay các giải pháp ngắn hạn và dài hạn.
Về ngắn hạn, các địa phương cần vận động người nuôi tôm tiếp tục thả nuôi tôm, nhưng thả với mật độ thưa và tiến hành thu hoạch thành nhiều đợt để tranh thủ bán tôm vào thời điểm giá cao. Cũng như, góp phần giữ vững diện tích nuôi, chủ động tránh hư hỏng ao nuôi và trang thiết bị. Cần tổ chức thu hoạch nhiều đợt để đáp ứng nhu cầu của thị trường và giảm bớt chi phí đầu tư thông qua các cỡ tôm từ trung bình về lớn, phương án có thể 50% thu ở cỡ vừa, 30 - 40% về cỡ trung và 10 - 20% nuôi lên cỡ lớn.
Về dài hạn, cạnh tranh về giá bán với Ấn Độ, Ecuador phải có chiến lược, tầm nhìn và lâu dài, do mô hình nuôi tôm của các nước này và Việt Nam là không tương đồng. Do vậy, cần tìm cách giảm giá thành sản xuất để đảm bảo người nuôi tôm sản xuất có lời và đầu tư vào khâu chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng mới là hướng đi hợp lý và đi dài.
Xây dựng các mối liên kết trực tiếp theo mô hình B2C (hình thức giao dịch giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng) giữa nhà máy sản xuất thức ăn, chế phẩm, con giống… và nhóm hộ nuôi tôm. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ tài chính từ ngân hàng, do đa phần người nuôi tôm hiện nay đều thiếu vốn, và để giảm bớt các rủi ro cho ngân hàng có thể đưa ra các gói tín dụng với chu kỳ ngắn hạn hoặc xoay vòng nhanh.
Đặc biệt, cần quan tâm đến chế biến sâu và đây cũng là xu thế chung của thế giới trong việc ưu tiên sử dụng các dòng sản phẩm sẵn sàng để nấu (ready to cook), sẵn sàng để ăn (ready to eat). Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đầu tư nghiên cứu chế biến các dòng sản phẩm này và đa dạng khẩu vị theo nhóm đối tượng khách hàng, theo các nhóm văn hóa, tôn giáo, vùng địa lý khác nhau. Khi giá trị gia tăng cao cũng kéo theo sự tăng giá cho thu mua con tôm nguyên liệu và giúp người nuôi tôm tăng thêm lợi nhuận.
Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu chế biến các sản phẩm phụ phẩm được thải ra từ con tôm như: đầu tôm, vỏ tôm, tôm vụn… để khai thác triệt để sản phẩm từ tôm, nâng cao giá trị của con tôm từ các doanh nghiệp sẵn sàng mua tôm với giá cao hơn cho người nuôi.
Minh Hoa (t/h)