Đây là lô hàng đầu tiên mà Hòa Phát - doanh nghiệp đứng đầu về thị phần thép xây dựng - xuất ra thị trường sau hai năm đầu tư dự án sản xuất vỏ container tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Nhà máy sản xuất container của "vua thép" có tổng công suất 500.000 TEU mỗi năm, tập trung các sản phẩm container phổ biến từ 20-40 feet. Trong đó, giai đoạn 1, công suất 200.000 TEU trên năm đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Nguyên liệu chính cho sản xuất vỏ container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng - sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Theo Hòa Phát, đây là lợi thế của tập đoàn trong việc đầu tư sản xuất vỏ container.
Tại buổi lễ này, công ty cũng ký hợp đồng đầu tiên với đối tác Vietsun, đồng thời ký hợp đồng tiếp theo cùng New Way Lines với tổng số lượng 500 container loại 20 feet.
Thời gian tới, Hòa Phát cho biết sẽ tối ưu hóa quản trị sản xuất, mở rộng thị trường nhằm sớm đạt công suất thiết kế sản phẩm container giai đoạn 1, tận dụng cơ hội từ thị trường logistics. Tập đoàn này dự kiến đầu tư tiếp giai đoạn 2 vào thời điểm thích hợp để đạt tổng công suất 500.000 TEU mỗi năm.
Với công suất này, Hòa Phát là nhà sản xuất vỏ container lớn nhất Việt Nam, cũng như khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, hiện có vài chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container (không tính các doanh nghiệp làm dịch vụ), nhưng hầu hết chưa phải là doanh nghiệp sản xuất đúng nghĩa. Có doanh nghiệp đã từng sản xuất container, nhưng do điều kiện khách quan nên phải thu hẹp. Còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo.
Ngoài ra, Nhà máy sản xuất container Hòa Phát có thể tiêu thụ 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC mỗi năm, là đầu ra cho Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện tại và Dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát.
Quyết định sản xuất vỏ container rỗng được Hòa Phát đưa ra đầu năm 2021, dựa trên những nghiên cứu đánh giá về nhu cầu thị trường. Thời điểm đó, ngành logistics toàn cầu và cả Việt Nam phải vật lộn với tình trạng thiếu vỏ container. Do Covid-19, việc giải phóng, quay vòng container rỗng bị đình trệ, trong khi nhu cầu xuất hàng đi châu Âu, Mỹ tăng đột biến khiến container bị khan hiếm trầm trọng.
Tuy nhiên, nhu cầu về vỏ container rỗng bắt đầu suy giảm từ nửa cuối năm 2022 do diễn biến lạm phát tăng cao tại các nền kinh tế lớn khiến nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của khách hàng suy giảm.
Nhu cầu về xuất hàng thu hẹp liên tục, dẫn tới tình trạng dư thừa container. Số liệu của Drewry cho thấy sản lượng các container loại 20 feet đã giảm 71% từ 1,06 triệu tấn xuống còn 306.000 tấn trong thời gian từ quý I/2022 đến quý I/2023.
Minh Sơn