Gửi chất vấn tới Chính phủ, đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh nói chi phí logistic của Việt Nam hiện quá lớn (chiếm khoảng 60%). Một container hàng từ Bắc vào Nam hết khoảng 2.000 USD, trong khi chuyển 1 container hàng từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 1.000 USD.
Ông đặt vấn đề, Chính phủ có giải pháp gì nhằm giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp. Hiện kinh nghiệm các nước phát triển là làm đường sắt chở hàng kết hợp chở hành khách nhằm sinh lời. Theo đó, ông đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sớm triển khai 2 đoạn tuyến đường sắt (Lạch Huyện - Yên Viên - Lào Cai và Vũng Tàu - Đồng Nai) theo hình thức đầu tư công.
Trước kiến nghị này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết chi phí logistics của Việt Nam hiện ở mức tương đương 16,8-17% GDP, vẫn còn ở mức khá cao so với mức bình quân 10,6% của thế giới. Tuy nhiên, mức này cơ bản tiệm cận với mục tiêu của Chính phủ là đến 2025, chi phí logistics giảm tương đương 16-20%.
Về câu chuyện chi phí đại biểu nêu, Phó thủ tướng nói theo số liệu điều tra, phí vận chuyển 1 container 20 feet từ Bắc vào Nam giá 2.000 USD tương ứng với phương thức vận chuyển bằng đường bộ.
Tuy nhiên, tùy theo mặt hàng, nhu cầu của chủ hàng về thời gian và điều kiện vận chuyển, doanh nghiệp có thể lựa chọn phương thức vận tải khác như đường sắt, đường biển với mức chi phí chỉ tương đương 50-70% của đường bộ (tùy thuộc vào điều kiện xếp dỡ).
Ví dụ, giá cước vận tải biển từ Hải Phòng - TP HCM đang dao động 9,2-9,5 triệu đồng một container loại 20 feet và khoảng 12 triệu đồng một container loại 40 feet. Ở chiều ngược lại, từ TP HCM - Hải Phòng, mức cước khoảng 6-8 triệu đồng một container loại 20 feet và 9-10 triệu đồng một container loại 40 feet.
Đối với vận tải biển quốc tế, việc xác định giá cước phụ thuộc thời vụ, điều kiện vận chuyển. Hiện nay, giá cước vận tải đường biển 1 container loại 40 feet đi Mỹ khoảng 2.000-2.500 USD. Ở giai đoạn dịch bệnh, mức cước này có thể lên đến 20.000 USD.
"Việc so sánh chi phí vận tải giữa các cung - chặng, phương thức vận tải khác nhau là rất khó chính xác để quy đổi về cùng một mặt bằng tương ứng", Phó thủ tướng cho biết.
Tuy nhiên, ông khẳng định tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục tìm cách kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics. Trong đó, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, các trung tâm logistics, cảng cạn; điều chỉnh chính sách liên quan đến giá, phí vận tải; phân cấp, quyền cho địa phương trong đầu tư, khai thác hạ tầng.
Về hai tuyến đường sắt kết nối đường biển, Phó thủ tướng cho biết tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đang được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tuyến này có chiều dài khoảng 128 km, đường đôi, khổ đường 1.435 mm, tổng mức đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD.
Còn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết, chiều dài khoảng 380 km, đường đôi, khổ đường 1.435mm, tổng mức đầu tư 10-11 tỷ USD.
Do tổng mức đầu tư 2 tuyến đường sắt tương đối lớn, Thủ tướng đã đưa vào Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 để huy động nguồn lực đầu tư. Dự kiến cả 2 dự án sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước năm 2025.
Ngoài ra, 2 khu bến cảng biển Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải đã và đang được đầu tư kết nối bằng đường bộ (cao tốc, quốc lộ), đường thủy nội địa. Lượng hàng qua cảng Cái Mép - Thị Vải, đạt trên 80%, đáp ứng nhu cầu vận tải của 2 cảng biển với chi phí hợp lý.
Về lâu dài, Phó thủ tướng nói, việc giảm thị phần vận tải đường bộ kết nối đến cảng biển là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm chi phí logistics, trong đó 2 tuyến đường sắt kết nối cảng biển là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (kết nối khu cảng Lạch Huyện) và Biên Hòa - Vũng Tàu (kết nối khu bến Cái Mép - Thị Vải) cần sớm được đầu tư và khởi công trước năm 2030.
Đức Minh