Đối với nhiều người, khi nghĩ về nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên thường chỉ biết đến cồng chiêng, đàn đá, trống,… Nhưng hiện nay cùng với sự phát triển của nền âm nhạc, một nghệ nhân ở Tây Nguyên đã tìm tòi, cải tiến đàn T'rưng truyền thống thành một loại đàn mới gọi là Clack Clock.
Clack Clock cải tiến từ đàn T'rưng truyền thống
Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih (50 tuổi, làng Jut 1, xã Ia Der, huyện Ia Grai, Gia Lai) mày mò chế tác nhạc cụ truyền thống đã vừa tạo ra một loại đàn mới. Chiếc đàn tạo ra âm thanh mới lạ hơn, có thể dễ dàng hòa tấu với các nhạc cụ, phối các bài nhạc hiện đại.
Theo nghệ nhân Rơ Châm Tih, dựa trên âm thanh mà loại nhạc cụ này tạo ra, ông đã đặt tên cho loại đàn này là Clack Clock. Chiếc đàn mới có 7 nốt, khác với đàn T'rưng truyền thống, phù hợp hơn với những bài dân ca truyền thống chỉ sử dụng 5 nốt.
"Đàn T'rưng thường thì mình gõ bằng tay, nhưng cái này thì mình không cần gõ. Cái tay mình chỉ cần đụng tới nó thôi thì hai cái nốt đụng nhau. Đó là cái đặc biệt" - ông Tih cho hay.
Để tạo ra Clack Clock, nghệ nhân Rơ Châm Tih mất nhiều tháng trời nghiên cứu kết cấu từng ống nứa, cách thức tạo ra âm thanh, cách tạo giàn cho cây đàn sao cho thuận tiện cho một người chơi.
Đến bây giờ, nghệ nhân người Jrai này mới tạo ra được 5 cây đàn Clack Clock. Trước đó ông đã phải làm đi làm lại, bỏ đi 2 cây đàn vì không đúng ý đồ thiết kế, âm thanh phát ra không như ý muốn.
Nhiều đêm ông Tih phải thức trắng để suy nghĩ cách khắc phục những nhược điểm của cách chơi đàn T'rưng truyền thống. Loại nhạc cụ mới phải vừa dễ chơi bằng tay, âm thanh phải vang và có sự hòa quyện âm thanh tốt hơn đàn T'rưng.
Kỳ công chọn lựa vật liệu
Ông Tih dành cả tuần lần mò vào những cánh rừng sâu ven thủy điện Ialy tìm những cây nứa 6 năm tuổi, thân cây đủ độ dày để chế tác cây đàn.
Để chơi được lâu bền, nứa tiếp tục phải được phơi nắng, hong khô trên bếp trong ít nhất 1 năm tiếp theo. Khi đã đủ độ cứng, bền, dẻo, từng loại nứa được nghệ nhân phân loại theo đường kính cây. Ông nói cây to cho âm trầm, ấm hơn, cây nhỏ cho âm thanh và cao hơn. 7 nốt nhạc của chiếc đàn phải được tuyển chọn kỹ càng từng cây nứa.
Sau đó, nghệ nhân Rơ Châm Tih vót, gọt ra từng thanh đàn để tạo nốt nhạc cho âm vang và đúng chuẩn.
"Thất bại nhiều lần, nhưng tôi không từ bỏ mà suy nghĩ tiếp. Mấy tháng liền vậy, tôi đã làm cho cây đàn kêu như ý mình muốn. Tôi thấy rất hài lòng vì công việc tôi làm" - nghệ nhân Rơ Châm Tih chia sẻ.
Thời gian để tạo ra một cây đàn Clack Clock phải mất 10-15 ngày, nên nghệ nhân Rơ Châm Tih chế tác chưa nhiều đàn mới.
Ngoài cây đàn đầu tiên chế tác thành công giữ lại làm kỷ niệm, tất cả những cây đàn Clack Clock đều đã được đặt mua với giá 5-7 triệu đồng.
Cùng với Clack Clock, nghệ nhân Rơ Châm Tih cũng đang tìm tòi tiếp tục sáng tạo thêm các nhạc cụ mới phù hợp hơn với cách chơi nhạc đa dạng hiện đại, góp phần vào kho tàng âm nhạc Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đóng góp cho sự phát triển của nhạc cụ dân tộc
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ - trưởng phòng quản lý văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai) - đánh giá đây là một sáng tạo rất tốt vì về kỹ thuật âm thanh, đàn Clack Clock vẫn tuân thủ những nguyên tắc của đàn T'rưng, không phá vỡ những khuôn mẫu truyền thống.
"Cuộc sống ngày càng phát triển, âm nhạc ngày càng phát triển theo. Các nhạc cụ truyền thống dân tộc nếu giữ nguyên như ngày xưa thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của lớp trẻ, nên việc sáng tạo ra những nhạc cụ mới là rất cần thiết, phù hợp với cuộc sống mới" - ông Tuệ đánh giá.
Cũng theo ông Tuệ, ông Rơ Châm Tih hiện là một trong 32 nghệ nhân ưu tú tại tỉnh Gia Lai. Thời gian qua ông Tih đã có nhiều đóng góp với văn hóa tỉnh nhà.
Quẩy tưng bừng trong khu cách ly với tiếng đàn t'rưng reo lên giai điệu "Rồi Tới Luôn", nữ chiến binh áo xanh đã khiến không khí tràn ngập sức sống, vui tươi và sôi động.