Nhiều người nghĩ suy thoái là điều không thể tránh khỏi trong năm 2023 khi tâm lý bi quan lan tỏa trên các sàn giao dịch chứng khoán khắp thế giới năm ngoái. Tuy nhiên, nửa đầu năm đã qua và Đức là nền kinh tế lớn duy nhất thực sự suy thoái và mức độ nhẹ.
Trong khi, ngày càng nhiều quốc gia nhận ra triển vọng hạ cánh mềm, tức kinh tế giảm tốc chậm rãi và ổn định thay vì giảm mạnh, gây ra suy thoái. Các ngân hàng trung ương cũng dần thành công trong việc kiềm chế lạm phát mà không đánh gục tăng trưởng. Thị trường chứng khoán cũng phản ánh điều đó, với nhiều tháng đi lên. Nhân nửa năm trôi qua, Economist đúc kết một số bài học mà giới đầu tư nhận ra thời gian qua.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nghiêm túc
Kỳ vọng về lãi suất vào đầu 2023 khác với hiện tại. Trong 9 tháng cuối 2022, Fed tiến hành chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh nhất kể từ những năm 1980. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn kiên quyết không tin Fed sẽ tiếp tục mạnh tay vào năm nay. Hồi tháng 1, thị trường vẫn dự báo lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ đạt đỉnh ở mức 5% vào nửa đầu năm và sau đó Fed sẽ bắt đầu cắt giảm.
Nhưng tính đến lần điều chỉnh gần nhất, lãi suất tham chiếu tại Mỹ đã vào khoảng 5,25-5,5%, cao nhất kể từ năm 2001. Các quan chức Fed cho rằng lãi suất sẽ kết thúc năm trên 5% và không cắt giảm cho đến 2024. Bằng cách tiếp tục tăng lãi suất dù ngành ngân hàng Mỹ chịu một khủng hoảng nhỏ, Fed cuối cùng đã thuyết phục được các nhà đầu tư rằng họ nghiêm túc trong việc kiềm chế lạm phát.
Thị trường hiện kỳ vọng lãi suất sẽ kết thúc năm ở mức 5,4%. Đó là chiến thắng lớn đối với Fed, khi mà phản ứng bình tĩnh trước với lạm phát từng tổn hại đến uy tín của họ, theo Economist.
Những người đi vay còn chống chịu được
Trong những năm tiền rẻ, tức lãi vay thấp, viễn cảnh chi phí vay tăng cao đột ngột là điều đáng sợ nhưng khó tin. Sự xuất hiện của nó thời gian qua vì thế gây bất ngờ gấp bội. Tuy nhiên, lãi suất cao hơn đã diễn ra nhưng không quá đáng sợ.
Kể từ đầu năm 2022, lãi suất trung bình đối với các khoản nợ rủi ro nhất của các công ty Mỹ đã tăng từ 4,4% lên 8,1%. Dẫu vậy rất ít trường hợp phải phá sản. Tỷ lệ vỡ nợ đối với nhóm vay lãi suất cao đã tăng trong 12 tháng qua, nhưng chỉ ở mức khoảng 3%. Con số này thấp hơn nhiều so với những giai đoạn căng thẳng trong lịch sử. Ví dụ, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, tỷ lệ vỡ nợ tăng lên trên 14%.
Có thể là do điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Nhiều công ty đang cạn kiệt khoản tiền mặt đã tích lũy trong thời đại dịch và dựa vào các khoản vay lãi suất thấp cố định giai đoạn trước. Tuy nhiên, vẫn có lý do để hy vọng kịch bản xấu hơn không diễn ra. Ví dụ, chênh lệch giữa lợi nhuận với chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có các khoản nợ rủi ro nhất vẫn gần mức lành mạnh nhất 20 năm qua. Vì vậy, lãi suất tăng có thể khiến người đi vay chật vật hơn nhưng chưa đến mức nguy hiểm.
Vài ngân hàng sụp đổ không hẳn sẽ khủng hoảng như 2008
Sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank - một nhà băng hạng trung của Mỹ ngày 10/3, không khí hoảng loạn dễ làm hình dung đến khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.
Hai ngân hàng khác của Mỹ là Signature Bank và First Republic Bank chung số phận. Tình hình dường như lan ra toàn cầu. Credit Suisse, ngân hàng đầu tư 167 năm tuổi của Thụy Sĩ, đã bị buộc sáp nhập với đối thủ lâu năm UBS. Có lúc, Deutsche Bank, một nhà cho vay của Đức, cũng rơi vào trạng thái bấp bênh.
Nhưng khủng hoảng tài chính toàn diện không xuất hiện. Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm thiệt hại trong vòng vài tuần, mặc dù chỉ số KBW (KBW Index) theo dõi hiệu suất của doanh nghiệp tài chính tại Mỹ vẫn giảm khoảng 20% kể từ đầu tháng 3. Những lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài chưa diễn ra.
Tuy nhiên, kết quả này không đạt được một cách dễ dàng. Sự sụp đổ của vài ngân hàng tại Mỹ đã được ngăn chặn bằng một gói cứu trợ khổng lồ của Fed. Mặt trái của việc này là ngay cả các ngân hàng tầm trung cũng có tư tưởng rằng bản thân "quá lớn để thất bại". Điều này có thể khuyến khích họ tiếp tục liều lĩnh, vì nghĩ rằng Fed sẽ giải cứu nếu lâm nguy.
Cổ phiếu công nghệ lại "hút hàng"
2022 là thời gian mà các nhà đầu tư vào những ông lớn công nghệ của Mỹ phải thất vọng. Chỉ bộ 5 gồm Alphabet, Amazon, Apple, Microsoft và Tesla đã chiếm gần một phần tư giá trị chỉ số S&P 500. Tuy nhiên, lãi suất tăng đã làm họ suy yếu. Trong suốt năm, giá trị của bộ 5 giảm 38%, trong khi các công ty còn lại của chỉ số này chỉ giảm 15%.
Nhưng năm nay, bộ 5 ấy đã lấy lại phong độ. Gia nhập vào nhóm còn có Meta và Nvidia, được ví von là "bộ bảy tráng lệ" vì thống trị lợi nhuận trên thị trường chứng khoán Mỹ nửa đầu năm 2023. Giá cổ phiếu của nhóm tăng vọt đến mức chiếm hơn 60% giá trị của chỉ số Nasdaq 100 hồi đầu tháng 7, khiến Nasdaq phải giảm tỷ trọng bộ 7. Sự bùng nổ của cổ phiếu công nghệ phản ánh sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với trí tuệ nhân tạo. Họ tin rằng các công ty lớn nhất có lợi thế tốt nhất để tận dụng công nghệ đang "hot" này.
Đường cong lợi suất đảo ngược không gây suy thoái lập tức
Đường cong lợi suất là biểu đồ thể hiện sự chênh lệch trong khoản lợi suất mà các nhà đầu tư nhận được để mua trái phiếu ngắn hạn và dài hạn. Lợi suất trái phiếu có kỳ hạn dài thường cao hơn các trái phiếu kỳ hạn ngắn, do có nhiều rủi ro xa khó lường trước. Vì vậy, đường cong lợi suất thường dốc lên trên.
Nhưng kể từ tháng 10/2022, đường cong lợi suất đã đảo ngược, tức lãi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn dài hạn. Giới đầu tư xem đây là tín hiệu mạnh mẽ nhất về suy thoái sắp tới. Bởi lẽ, đường cong lợi suất đảo ngược (được đo bằng chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và 3 tháng) chỉ xảy ra 8 lần trước đó trong 50 năm qua ở Mỹ. Theo sau mỗi lần đó là một đợt suy thoái kinh tế.
Vì vậy, hồi tháng 10/2022, khi đường cong lợi suất đảo ngược, S&P 500 rơi xuống mức thấp mới trong năm và giới đầu tư dự báo suy thoái rất gần trong năm 2023. Tuy nhiên, khác với lịch sử, nền kinh tế Mỹ và thị trường chứng khoán đến nay vẫn tốt. Do đó, sẽ có hai khả năng là suy thoái đến muộn hơn dự kiến hoặc cách dự báo suy thoái bằng đường cong lợi suất đảo ngược đã không còn đúng nữa. Trong một năm đầy bất ngờ, khả năng thứ hai sẽ là điều mọi người kỳ vọng.
Phiên An (theo The Economist)