Mới đây, trả lời cử tri, UBND TP Hà Nội cho biết sẽ giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện "đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống bốn sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét". Điều này đã thu hút nhiều ý kiến tranh luận.
Nguồn lực cỡ nào?
Ngày 20-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho biết những năm qua đã có rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị được triển khai bàn giải pháp cải tạo các dòng sông đang bị ô nhiễm ở thủ đô nhưng dường như không có kết quả.
"Để hồi sinh những dòng sông này cần một nguồn lực đủ mạnh, trong khi chỉ chờ tiền ngân sách cải tạo thì rất khó nên Nhà nước cần kêu gọi đầu tư, xã hội hóa. Ngoài ra, chúng ta cũng nên kêu gọi các nguồn đầu tư khác từ các tổ chức quốc tế cũng như học hỏi kinh nghiệm trong xử lý ô nhiễm môi trường của họ", ông Doanh nói.
"Để xử lý ô nhiễm môi trường dòng sông thì không chỉ đầu tư hạ tầng mà còn đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Tất cả nước thải phải được xử lý trước khi đưa ra sông.
Đặc thù ở Hà Nội vào mùa khô các con sông bị cạn nước nên phải đầu tư hệ thống đưa nước từ sông lớn vào những con sông đang bị ô nhiễm để tạo dòng chảy. Các khoản đầu tư này rất tốn kém", ông Doanh cho hay.
Theo ông Doanh, trong thời gian Nhà nước kêu gọi đầu tư thì cần tuyên truyền để người dân hai bên bờ sông chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.
"Dòng sông đang bị ô nhiễm là do nguồn thải từ nhiều nơi đổ về. Tuy nhiên, việc đầu tiên chúng ta cần làm ngay là tuyên truyền liên tục đến những người dân sống cạnh không xả rác, lấn chiếm bờ sông... Tuyên truyền nâng cao nhận thức từ chính những việc nhỏ sẽ dần dần thay đổi theo chiều hướng tích cực", ông Doanh nói.
Nên xây dựng hệ thống trạm bơm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, phó giáo sư Đào Trọng Tứ - trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) - cho biết để tạo nguồn cho "dòng sông chết" vào mùa cạn, nên xây dựng hệ thống trạm bơm di động.
"Trước đây cũng có một số nhà khoa học nghiên cứu đề xuất làm mấy con đập nâng mực nước sông Hồng, sông Đuống tạo nguồn cho sông đang bị ô nhiễm, tuy nhiên phương án này cần phải xem xét kỹ lưỡng. Xây đập để dâng nước có thể làm tắc nghẽn dòng sông, cản trở giao thông thủy, dòng chảy bị thay đổi thì rất nguy hiểm", ông Tứ nói.
Theo ông Tứ, để hồi sinh các "dòng không chết" không còn cách nào khác phải kiểm soát, xử lý được nguồn thải.
"Lượng nước thải khắp nơi hằng ngày vẫn đổ vào các con sông trong nội đô thì tình trạng ô nhiễm sẽ không những được cải thiện mà ngày một ô nhiễm trầm trọng hơn.
Nguyên tắc xử lý ô nhiễm các dòng sông chết là bắt buộc nước phải qua xử lý mới được đưa ra sông. Về mùa cạn thì phải dùng hệ thống bơm để tạo nguồn, tạo dòng chảy, tránh tình trạng lòng sông bị bồi lắng", ông Tứ cho hay.
Sông trong nội đô Hà Nội ô nhiễm ngày một trầm trọng
Trước đó, như đã thông tin, ông Châu Trần Vĩnh - cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết phục hồi dòng sông là tạo nguồn, tạo dòng chảy, khi có dòng chảy thì dòng sông sẽ sạch.
Theo ông Vĩnh, Nhà nước nên tính toán đến phương án xây đập ngăn trên sông Hồng và sông Đuống, vào mùa cạn khi nước dâng cao sẽ đủ chảy vào sông Đáy, sông Nhuệ… đang ô nhiễm. Nguyên tắc mùa lũ đập sẽ mở để thoát nước. Ngoài ra, khi triển khai thì cũng tính toán đường thủy, tàu bè qua lại ra sao khi vận hành đập.
Đi dọc bốn con sông ở Hà Nội gồm Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét không khó để tận mắt chứng kiến những ống cống nước thải đen ngòm đổ thẳng ra sông. Dù "bất đắc dĩ" phải sống chung với mùi hôi thối cả hàng chục năm qua nhưng người dân được phỏng vấn cho biết vẫn luôn hy vọng môi trường của những "dòng sông chết" sẽ dần được cải thiện.
Có nên xây đập để đưa nước vào các "dòng sông chết" đang bị ô nhiễm trầm trọng ở Hà Nội nhằm tạo nguồn, xử lý ô nhiễm?...