Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine vào đầu năm 2022, Mỹ đã cung cấp cho Kiev hơn 47 tỉ USD viện trợ quân sự, bao gồm các loại vũ khí và phương tiện “mạnh nhất và đắt tiền nhất”, như xe tăng chiến đấu M1 Abrams, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và bệ phóng tên lửa HIMARS.
Hàng loạt vũ khí chuyển cho Ukraine bị phá hủy
Tờ EurAsian Times dẫn thông tin từ blog nguồn mở Oryx (blog được trích dẫn rộng rãi và chỉ ghi lại những tổn thất thông qua bằng chứng hình ảnh) thống kê được ít nhất 23 xe bọc thép Bradley của Ukraine bị phá hủy trong cuộc phản công lực lượng Nga. 21 chiếc khác bị hư hại và 5 chiếc bị bỏ phế.
Điều đó cho thấy Bradley chịu đòn nặng nhất. Tuy nhiên, một số binh sĩ Ukraine xác nhận Bradley đã cứu mạng họ trong cuộc phản công.
Tính đến cuối tháng 7, Mỹ đã chuyển giao khoảng một nửa trong số 190 chiếc Bradley như đã hứa cho các đơn vị tác chiến ở Ukraine.
Người ta cũng cho rằng hơn 60 xe chiến đấu bọc thép M113, 57 xe chống mìn Maxxpro và hơn 100 chiếc Humvee khác cũng đã bị phá hủy, hư hỏng hoặc không ghi nhận được dấu vết.
Theo báo New York Times, khoảng 20% vũ khí do phương Tây cung cấp đã bị Nga làm hư hại hoặc phá hủy trong 2 tuần đầu cuộc phản công.
Tuy nhiên những tổn thất này không có gì đáng ngạc nhiên, như ông Mark Cancian, đại tá Thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu và là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nói với trang The Messenger News: “Đó là điều đã được dự kiến”.
"Ukraine đang cố gắng phản công trong tình trạng rất khó khăn. Họ phải xuyên thủng hàng phòng ngự được Nga chuẩn bị tốt. Điều đó luôn tạo ra thương vong cao, cả về nhân sự và trang thiết bị. Điều đáng thất vọng là họ vẫn chưa vượt qua được hàng phòng ngự đó, mặc dù họ vẫn đang tiến bộ từng ngày”, ông Cancian bình luận.
Ukraine buộc phải chậm lại
Trái ngược với những ngày đầu của cuộc xung đột, chiến thuật của Nga cũng ngày càng đổi mới và hiệu quả hơn. Người Nga sử dụng trực thăng tấn công KA-52 “Alligator” để đánh phủ đầu các phương tiện và xe tăng của Ukraine.
Trong khi các quốc gia phương Tây đang tranh luận về việc có nên gửi thêm vũ khí tới Ukraine hay không, Mỹ đã đồng ý gửi máy bay chiến đấu hiện đại F-16 với hy vọng Ukraine sẽ tạo ra nhiều khác biệt trong cuộc xung đột.
Nhận định với trang The Messenger News, ông Franz-Stefan Gady, một nhà phân tích quốc phòng đã thực hiện một số chuyến nghiên cứu tới mặt trận ở Ukraine, cho biết: “Hậu quả trực tiếp của những tổn thất này chủ yếu đến từ việc dùng bộ binh dẫn đầu và cho pháo binh bắn vào các vị trí của Nga. Chỉ thỉnh thoảng mới có các cuộc tấn công do lực lượng cơ giới dẫn đầu”.
Theo ông Gady, xe tăng chiến đấu của Ukraine hiện chủ yếu dùng để hỗ trợ hỏa lực tầm xa.
Báo New York Times nhận định những chiến thuật này đã đạt được một số thành công trong việc giảm tiêu hao thiết bị và ước tính tỉ lệ tổn thất giảm từ 20% xuống 10% sau 2 tuần đầu tiên của cuộc phản công.
Cuộc chiến tiêu hao
Tờ New York Times nhận định: Việc phản công của Ukraine diễn ra chậm quá mức, tiến bộ về lãnh thổ đạt được đo bằng mét chứ không phải km. Mặc dù giúp giảm thiểu tổn thất cho các hệ thống chiến đấu hạng nặng và đắt tiền, nhưng nó lại tiêu hao đạn dược và con người nhiều hơn.
Trong khi đó, việc không thể đạt được bước đột phá do thiết giáp dẫn đầu đồng nghĩa với việc một cuộc chiến sẽ kéo dài hơn nhiều, với thiệt hại nhân mạng gia tăng.
Cố vấn Mark Cancian nói: “Một số quan chức Ukraine hiện đang bàn về việc giành chiến thắng trong một trận chiến tiêu hao hơn là nhắm tạo ra bước đột phá. Tôi nghĩ đó là một sai lầm, vì một chiến lược tiêu hao thành công sẽ tốn rất nhiều chi phí”.
Trong cuộc xung đột này, Nga cũng mất một lượng thiết bị đáng kể, từ tương đương cho đến nhiều hơn Ukraine, theo tờ EurAsian Times.
Một ước tính của Oryx cho rằng Ukraine đã mất 604 xe tăng, trong khi Nga mất 2.207 xe tăng. Tuy nhiên, có thể Nga có nhiều xe tăng hơn Ukraine.
Tình báo Mỹ dự đoán cuộc phản công mùa xuân của Ukraine sẽ không thể đạt mục tiêu chính là làm gãy cầu đường bộ giữa Nga và bán đảo Crimea.