Nội dung này được nêu tại thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp thành lập các sàn giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất, việc làm và công nghệ.
Việc lập sàn giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất được đưa ra trong bối cảnh các thị trường này đang hình thành, phát triển mạnh nhưng mới đáp ứng một phần nhu cầu. Hiện cũng chưa có cơ sở pháp lý cụ thể, thống nhất trong ứng dụng, phát triển và quản lý minh bạch các giao dịch này.
Để giảm thiểu rủi ro, đơn giản thủ tục hành chính, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, các Bộ Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường được giao đánh giá kỹ cơ sở pháp lý, thực trạng, giải pháp quản lý giao dịch bất động sản, gồm quyền sử dụng đất. Các bộ cũng cần đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở quản lý các giao dịch này. Báo cáo được yêu cầu gửi Thủ tướng trước 8/9.
Đầu tháng 8, hai bộ cũng được Thủ tướng giao nghiên cứu lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất. Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 24/8, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ sẽ xây dựng sàn giao dịch bất động sản quốc gia (theo hình thức doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp), để kiểm soát toàn bộ dữ liệu, giao dịch. Sàn này do Bộ Xây dựng chủ trì, đưa ra các điều kiện bán tài sản công khai, dịch vụ cung cấp miễn phí. Các giao dịch trên đó sẽ đảm bảo pháp lý, thông tin, bảo vệ lợi ích người dân.
Sàn giao dịch là nơi tập trung hàng hóa, để người mua, bán kết nối và giao dịch. Hiện Việt Nam đã có sàn giao dịch chứng khoán, hàng hóa, gần đây nhất là sàn giao dịch trái phiếu.
Giao dịch bất động sản hiện chủ yếu qua các sàn giao dịch tư nhân, công ty môi giới và chỉ tập trung bán một vài dự án, thiếu thông tin đầy đủ, là pháp lý của bất động sản đó. Vì thế, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi cũng đang dự kiến áp dụng trở lại điều kiện bán bất động sản hình thành trong tương lai bắt buộc phải qua sàn môi giới gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Anh Minh