Thị trường chứng khoán: kịch bản tháng 6, tháng 7 năm ngoái lặp lại?
Nhật Minh
(KTSG) - Thị trường chứng khoán đã và đang trải qua đà giảm tương đối lớn, bắt đầu từ đầu tháng 7, với mức giảm từ 1.422 điểm về thấp nhất 1.230 điểm (ngày 20-7-2021), tương đương với mức giảm 13,5% và xóa bỏ toàn bộ thành quả tăng trong hai tháng trước đó. Đà giảm của thị trường có những nét tương đồng với đà giảm trong tháng 6, tháng 7-2020 và liệu động lực nào cho thị trường tăng giá thời gian tới?
Lãi suất thấp là môi trường tốt để “níu chân” dòng tiền ở lại với thị trường chứng khoán. Ảnh: THÀNH HOA |
Những nét tương đồng trong hai đợt giảm giá
Đà giảm của thị trường hiện tại có nhiều nét tương đồng với đà giảm trong giai đoạn từ tháng 6, tháng 7-2020. Nguyên nhân chủ yếu đều tới từ dịch bệnh bùng phát, buộc Chính phủ phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa tạm thời nhiều hoạt động thương mại. Điều này làm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ảnh hưởng và tăng trưởng kinh tế chậm lại, tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán.
Đà giảm tại hai thời điểm kể trên cũng bắt đầu sau một giai đoạn thị trường tăng mạnh. Đà giảm giai đoạn tháng 6, tháng 7 năm ngoái diễn ra sau đà phục hồi mạnh mẽ của thị trường từ cuối tháng 3. Còn đà giảm ở thời điểm hiện tại bắt đầu sau đà tăng vượt đỉnh mọi thời đại của VN-Index kéo dài từ cuối tháng 1-2021.
Lãi suất liên ngân hàng ổn định và kênh cho vay của NHNN trên thị trường mở không có số dư cho thấy thanh khoản vẫn dư thừa trong hệ thống ngân hàng. |
Sở dĩ chúng ta so sánh hai thời điểm này với nhau, chứ không phải so sánh đà giảm thời điểm hiện tại so với tại quí 1-2020 là bởi dịch bệnh đều không còn là nguyên nhân mới tác động tới thị trường, mà chỉ bùng phát sau một giai đoạn được kiểm soát toàn diện trước đó.
Bởi lẽ đó mà sự xuất hiện lại của dịch bệnh không làm VN-Index giảm “thê thảm” như giai đoạn quí 1-2020 nữa. Tính tới thời điểm 20-7-2021, VN-Index đã giảm 13,5% so với đỉnh lập vào đầu tháng 7, cũng tương đương với mức giảm của chỉ số này vào giai đoạn tháng 6, 7 năm ngoái.
Đó là sự so sánh về nguyên nhân và mức độ giảm điểm, hai đợt giảm giá nêu trên còn có thêm những nét tương đồng về các điều kiện vĩ mô. Một trong số đó và có lẽ có mức độ ảnh hưởng lớn tới xu hướng dòng tiền, đó chính là lãi suất thấp. Lãi suất huy động đã liên tục giảm trong năm 2020 và kéo sang cả năm 2021, ít nhất là tới thời điểm hiện tại. Theo khảo sát trên trang web của bốn ngân hàng TMCP gốc nhà nước (BIDV, VCB, VietinBank, Agribank) thì lãi suất vào ngày 21-7-2021 thấp hơn so với thời điểm đầu năm nay tại hầu hết các kỳ hạn. Lãi suất thấp là môi trường tốt để kênh chứng khoán hấp dẫn dòng tiền.
Có động lực nào cho thị trường trong thời gian tới không?
Có lẽ cũng giống như thời điểm tháng 6, tháng 7 năm ngoái, lãi suất thấp là môi trường tốt để “níu chân” dòng tiền ở lại với thị trường chứng khoán để chực chờ bắt đáy và nền tảng kiểm soát dịch bệnh tốt sẽ là động lực để phục hồi hoạt động của doanh nghiệp, cũng như kích hoạt dòng tiền ấy trở lại kênh đầu tư này với kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tiếp tục kinh doanh khởi sắc trong tương lai.
Lãi suất nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục thấp, bất chấp tín dụng cho thấy những dấu hiệu tăng khá mạnh và tốc độ tăng nhanh hơn đà tăng của huy động vốn, có thể do hai nguyên nhân như sau: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát tăng trưởng tín dụng chặt chẽ. Nhiều ngân hàng thương mại được cho là được nới room tín dụng, song thực tế lượng vốn tăng thêm không được nhiều và thường xuyên phải cân đo đong đếm room theo ngày, theo tháng. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, thì việc siết chặt hay nắn dòng tín dụng chảy về các lĩnh vực rủi ro thấp sẽ hạn chế được nguy cơ nợ xấu.
Có lẽ thị trường đang cần nhất là đáy - hay là mức giảm sâu nhất trong ngắn hạn mà VN-Index có thể chạm tới trong đà giảm này. Tại điểm đó thì dòng tiền sẽ trở lại mạnh mẽ và kéo VN-Index trở lại đỉnh mà nó thiết lập trong tháng 7… chúng ta hãy cùng chờ xem thị trường sẽ tạo đáy ở vùng nào nhé. |
Thứ hai là NHNN bơm thêm thanh khoản ra thị trường trong tháng 7, tháng 8 với tổng lượng nội tệ bơm mới là 140.000 tỉ đồng, do các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng trong đầu năm nay của NHNN đáo hạn. Thanh khoản bơm thêm trong khi room tín dụng vẫn được kiểm soát có thể khiến một lượng vốn đủ lớn vẫn tiếp tục dư thừa trong hệ thống ngân hàng.
Để kiểm chứng suy luận này, chúng ta có thể xem xét tới lãi suất liên ngân hàng. Ở thời điểm hiện tại, lãi suất trên thị trường này vẫn rất ổn định và chưa cần sự can thiệp của NHNN thông qua các nghiệp vụ cho vay trên thị trường mở.
Lãi suất các kỳ hạn từ qua đêm tới một tháng (những kỳ hạn có khối lượng giao dịch lớn nhất, được sử dụng nhiều nhất) tương đối ổn định, phổ biến trong khoảng 1-1,5%, thấp hơn nhiều lãi suất mà NHNN cho vay trên thị trường mở ở mức 2,5%. Lãi suất liên ngân hàng ổn định và kênh cho vay của NHNN trên thị trường mở không có số dư cho thấy thanh khoản vẫn dư thừa trong hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc tiếp tục duy trì bộ công cụ lãi suất điều hành như hiện nay trong thời gian tới, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng cho thấy lập trường rằng sẽ không đổi lãi suất ít nhất tới năm 2023. Mặt bằng lạm phát sáu tháng đầu năm cũng không cao, cũng giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất.
Có lẽ thị trường đang cần nhất là đáy - hay là mức giảm sâu nhất trong ngắn hạn mà VN-Index có thể chạm tới trong đà giảm này. Tại điểm đó thì dòng tiền sẽ trở lại mạnh mẽ và kéo VN-Index trở lại đỉnh mà nó thiết lập trong tháng 7. VN-Index đã trải qua ba tuần giảm điểm liên tiếp và chứng kiến lượng tiền bắt đáy trở lại trong tuần vừa qua. Có thể thị trường sẽ giảm thêm trong tuần tới theo “quán tính” của đà giảm trước đó và diễn biến dịch bệnh vẫn đang tương đối phức tạp. Mốc điểm 1.213 là vùng hỗ trợ cứng của VN-Index, chúng ta hãy cùng chờ xem thị trường sẽ tạo đáy ở vùng nào nhé.
Xem thêm: lmth.ial-pal-iaogn-man-7-gnaht-6-gnaht-nab-hcik-naohk-gnuhc-gnourt-iht/128813/nv.semitnogiaseht.www