Nhà sư Mahapromphong, phó trụ trì chùa Suthi Wararam ở Bangkok, kiểm tra tình trạng sức khỏe của một bệnh nhân COVID-19 cao tuổi tại khu Charoen Krung, thủ đô Bangkok, Thái Lan hôm 30-7. Một số nhà sư Thái Lan đang góp sức cùng chính quyền hỗ trợ chống dịch - Ảnh: AFP
Ngày 2-8, Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho biết nước này vừa ghi nhận thêm 17.970 ca nhiễm và 178 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tính từ đầu dịch lên lần lượt 633.284 và 5.168 ca.
Hãng tin AFP hôm 1-8 tường thuật câu chuyện một số nhà sư ở Thái Lan đang khoác lên mình bộ đồ bảo hộ y tế, mang theo bình chứa oxy, phân phát thực phẩm và vật tư y tế, lấy mẫu xét nghiệm... để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch ở xứ sở chùa vàng trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao.
"Còn nhiều người Thái Lan không thể tiếp cận hệ thống y tế công cộng. Chúng tôi chăm sóc tất cả những ai chúng tôi gặp được" - nhà sư Mahapromphong (33 tuổi), phó trụ trì chùa Suthi Wararam ở thủ đô Bangkok, chia sẻ.
Theo báo Bangkok Post, bà Apisamai Srirangson, người phát ngôn Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan, thông báo gia hạn lệnh giới nghiêm từ 21h - 4h và các biện pháp hạn chế khắt khe khác tại thủ đô Bangkok cùng 28 tỉnh thêm 2 tuần nữa, bắt đầu từ ngày 3-8.
Ngoài ra, thêm 16 tỉnh sẽ bị đưa vào danh sách "vùng đỏ đậm hoặc vùng kiểm soát khắt khe và tối đa" - nơi bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nhất ở Thái Lan. Các biện pháp hiện được áp dụng tại các vùng đỏ đậm, gồm hạn chế đi lại liên tỉnh, vẫn được duy trì.
CCSA dự kiến đánh giá lại tình hình dịch vào ngày 18-8 và không loại trừ khả năng tiếp tục gia hạn phong tỏa, giới nghiêm.
"Khả năng cao các biện pháp hạn chế sẽ tiếp tục được áp dụng cho tới ngày 31-8 nếu tình hình không cải thiện" - bà Apisamai Srirangson nói.
Tại Campuchia, nước này ghi nhận 671 ca nhiễm mới (gồm 265 ca nhập cảnh) ngày 1-8, nâng tổng số ca nhiễm lên 77.914 ca. Báo Khmer Times bình luận tại Campuchia "cuộc chiến chống COVID-19 vẫn là một hành trình dài".
Số ca COVID-19 nhập cảnh cao đang gây lo ngại liên tục cho xứ sở chùa tháp, vì họ có nguy cơ mang theo biến thể Delta tới Campuchia.
Tính tới ngày 1-8, số ca mắc biến thể Delta được ghi nhận ở nước này đã tăng từ 114 lên 223 ca. Thủ đô Phnom Penh đã trở thành thành phố/tỉnh thứ 5 ở Campuchia phát hiện biến thể Delta.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân ngồi trong xe tại một trung tâm tiêm chủng "drive-through" ở Manila, Philippines hôm 31-7 - Ảnh: AFP
Cũng trong ngày 1-8, Philippines công bố ghi nhận 8.735 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1,59 triệu.
Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm tăng trong ngày ở Philippines trên mức 8.000 ca. Philippines đang là quốc gia có tổng số ca nhiễm cao thứ hai khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Dữ liệu của Bộ Y tế Philippines cho thấy đến nay khu chăm sóc tích cực (ICU) của nước này đã dùng hết 50% số giường bệnh và 40% số máy thở. Tại vùng thủ đô Manila, tỉ lệ này tương ứng là 51% và 39%.
Theo thống kê về tổng số ca nhiễm của các nước trên trang Worldometers lúc 9h30 sáng 2-8, đến nay Indonesia có 3,44 triệu, Philippines có 1,59 triệu, Malaysia có 1,13 triệu, Thái Lan có 633.284, Myanmar có 302.665, Việt Nam có 157.507, Campuchia có 77.914, Singapore có 65.102, Lào có 6.566, và Brunei có 337 ca.
Tại khu vực Đông Bắc Á, ngày 2-8, Hàn Quốc công bố ghi nhận thêm 1.219 ca nhiễm trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 201.002 ca. Số ca nhiễm tăng theo ngày ở Hàn Quốc vẫn trên mức 1.000 ca từ hôm 7-7, chủ yếu ở vùng thủ đô Seoul.
Tại Nam Á, hôm 1-8, Ấn Độ công bố có thêm 41.831 ca nhiễm và 541 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ.
Tổng số ca nhiễm ở nước này đã lên tới 31,65 triệu, cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ (35,7 triệu ca), theo cập nhật của trang Worldometers lúc 9h30 sáng 2-8.
TTO - Trong ngày 24-7, nhiều quốc gia tại Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận thêm hàng ngàn ca COVID-19 và nhiều trường hợp tử vong, trong đó Malaysia ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong một ngày.