Tờ Nikkei đưa tin, bắt đầu từ tháng này, tập đoàn LG sẽ bước sang một chương khi họ chính thức chấm dứt hoạt động kinh doanh mảng điện thoại thông minh thua lỗ và bắt đầu liên minh trong chuỗi cung ứng xe điện - lĩnh vực đang phát triển cực kỳ nhanh chóng.
LG đã hoàn tất việc rút lui khỏi mảng kinh doanh điện thoại, lĩnh vực đã làm khiến họ thua lỗ trong sáu năm liên tiếp vào cuối tháng bảy vừa qua. Cùng lúc, LG sẽ chia tách mảng hệ thống dẫn động EV của mình. Magna International của Canada, một trong những nhà cung cấp phụ tùng ô tô hàng đầu thế giới, sẽ mua 49% cổ phần của đơn vị đó để thành lập một liên doanh mới.
Tờ Nikkei nhận định, đối với LG, việc rút lui khỏi lĩnh vực điện thoại là để hướng tới những mảng kinh doanh mạng lại lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, lĩnh vực linh kiện xe ô tô dĩ nhiên không phải "dễ xơi" và liên minh giữa LG và Magna sẽ phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh bao gồm Bosch của Đức và Nidec của Nhật Bản.
LG Magna e-Powertrain - tên gọi mới của liên doanh này, sẽ có trụ sở chính tại Incheon, Hàn Quốc. Các công việc chuẩn bị đang được tiến hành để thiết lập các căn cứ ở bang Michigan của Hoa Kỳ và ở Nam Kinh, Trung Quốc, nhằm đảm bảo đáp ứng tốt cho các khách hàng ở hai thị trường lớn bậc nhất của xe điện.
Khách hàng của Magna bao gồm General Motors, BMW và Ford Motor. Lee Dong-joo, một nhà phân tích của SK Securities, cho biết: "Thông qua quan hệ đối tác với Magna, LG sẽ có tiềm năng lớn hơn để cung cấp cho các đơn vị dẫn đầu ngành ô tô toàn cầu".
Mảng thiết bị tạo ra 41% doanh thu của LG năm ngoái trong khi TV chiếm 24%. Các bộ phận xe hơi mang lại 5,8 nghìn tỷ won (5,1 tỷ USD), chỉ bằng 11% tổng doanh thu. Mảng kinh doanh này đã tạo ra lợi nhuận hoạt động trong năm 2015, năm đầu tiên LG báo cáo thu nhập ở cấp bộ phận. Mỗi năm năm tiếp theo mảng này đều thua lỗ.
Nhưng Magna có thể đã cân nhắc các yếu tố khác trong việc lựa chọn LG làm đối tác. Công ty Hàn Quốc có thế mạnh về công nghệ trong các thành phần cốt lõi của xe điện, chẳng hạn như động cơ và pin.
Các thiết bị có tuổi thọ cao như tủ lạnh và máy điều hòa không khí phụ thuộc vào động cơ, máy nén và các thành phần khác về độ bền và hiệu quả năng lượng của chúng. LG đã có nhiều năm nghiên cứu và phát triển độc lập các bộ biến tần, giúp điều chỉnh tốc độ quay của động cơ. Công ty có thể áp dụng công nghệ đó cho các bộ phận xe điện.
LG cũng có thể dựa vào sức mạnh của các thành viên khác trong tập đoàn LG, bao gồm LG Chem - nhà sản xuất pin EV lớn thứ hai thế giới - và nhà sản xuất bảng điều khiển LG Display và LG Innotek, chuyên cung cấp camera tích hợp cho ô tô.
Hợp tác với Magna không phải là sáng kiến đầu tiên của LG trong lĩnh vực phụ tùng ô tô. Công ty đã thành lập một nhóm nội bộ về linh kiện ô tô vào năm 2013 để đón đầu sự phát triển của xe điện. Vào năm 2018, LG đã biến nhà cung cấp đèn pha của Áo ZKW thành công ty con. LG đã thực hiện chiến lược ba mũi nhọn cho hoạt động kinh doanh ô tô của mình, bao gồm đèn pha, linh kiện truyền động và thông tin giải trí, bao gồm điều hướng xe hơi và âm thanh.
Magna có tham vọng lớn của riêng mình. Giám đốc điều hành Swamy Kotagiri cho biết công ty đã sẵn sàng sản xuất Apple Car. Magna đã tham gia Dự án Titan của Apple để phát triển một chiếc xe điện.
LG dự báo bộ phận linh kiện xe sẽ có lãi lần đầu tiên sau sáu năm vào năm 2021. Công ty đặt mục tiêu mở rộng doanh số bán hàng với tốc độ hàng năm là 15%. Theo kế hoạch được tiết lộ, sự tăng trưởng sẽ biến linh kiện xe ô tô trở thành một trong những phân khúc lớn nhất của LG, với hơn 10 nghìn tỷ won doanh thu hàng năm vào năm 2024.
Giám đốc điều hành Kwon Bong-Seok của LG Electronics cho biết: "Chúng tôi sẽ phát triển phụ tùng ô tô thành động lực tăng trưởng và chuyển mình thành nhà cung cấp chính".
Nguồn: Nikkei
Vân Đàm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị