Hợp tác y tế công - tư phòng chống dịch: Rất cần thiết, nhưng phải có nguyên tắc
ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy (*) - ThS.BS. Nguyễn Quốc Hùng (**)
(KTSG) - Ủy ban Nhân quyền của Liên hiệp quốc kêu gọi “các hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ cập, giá cả hợp lý hỗ trợ chống lại đại dịch bằng cách đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận, không phân biệt đối xử, nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus”. Trước tình trạng quá tải của khối y tế công, cần sự hợp tác giữa các thành phần xã hội để chống lại đại dịch, trong đó có vai trò của các dịch vụ y tế tư nhân. Nhưng, cũng cần xác lập những nguyên tắc cơ bản để có thể hợp tác hiệu quả.
Người dân chờ xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á. Ảnh: N.K |
Y tế công không thể thiếu, nhưng vẫn cần có tư
Được chăm sóc y tế là một trong những quyền cơ bản của con người. Dịch vụ y tế công có bản chất là một loại hàng hóa công và khi từng cá nhân được chăm sóc tốt sẽ có lợi cho cả cộng đồng. Tuy nhiên, thị trường cung cấp dịch vụ y tế là không hoàn hảo do tồn tại yếu tố bất cân xứng thông tin giữa khách hàng và bên cung cấp dịch vụ y tế. Ngoài rào cản gia nhập mang tính kỹ thuật, khả năng tiếp cận được dịch vụ y tế là không cân bằng khi sức khỏe của số đông bệnh nhân phụ thuộc vào kiến thức và kỹ năng chuyên môn của số ít bên cung cấp dịch vụ.
Quan điểm của Marx-Engels khẳng định cần xóa bỏ tình trạng bất công về y tế được tạo ra bởi những rào cản kinh tế và xã hội mang tính cấu trúc. Dù nhà nước có vai trò chủ yếu trong việc cung cấp dịch vụ y tế nhằm đạt được các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội (state-plus), vai trò của chủ thể tư không hề bị bỏ qua mà được tạo điều kiện hỗ trợ khối công lập với một số giới hạn cần thiết (market-minus), tránh thương mại hóa nền y tế gây thêm bất bình đẳng xã hội. Mô hình này đặc biệt phù hợp trong bối cảnh đương đầu với đại dịch Covid-19 của Việt Nam.
Công - tư đã hợp tác, nhưng vẫn còn vấn đề chi phí
Kinh nghiệm của Ấn Độ cho thấy thất bại của nhà nước không thể được sửa chữa bằng cách đơn thuần trao thêm quyền cho thị trường, mà chính sách sai lầm còn tạo thêm thất bại cho cả nhà nước lẫn thị trường, đặc biệt là tình huống tiêm vaccin có trả phí. Vì vậy, quá trình trao quyền cho các chủ thể tư nên cân nhắc dựa trên thuyết chức năng (functionalism)… |
Hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đang có hoặc đang kêu gọi sự tham gia của các tổ chức y tế tư nhân, thể hiện sự ứng phó linh hoạt của cả khối công và tư trước bối cảnh dịch bệnh.
Hoạt động khám sàng lọc và xét nghiệm đã được các bệnh viện, phòng khám tư triển khai rộng rãi. Kỹ thuật khám và xét nghiệm không phức tạp, nên các tổ chức y tế tư nhân hoàn toàn có thể hỗ trợ các bệnh viện và trung tâm y tế công thực hiện hoạt động này.
Dù vậy, vấn đề thống nhất giá cả vẫn đang được thảo luận. Công văn 5378/BYT-KHTC của Bộ Y tế đã hướng dẫn về mức giá thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19, nhưng nhiều cơ sở không thuộc đối tượng điều chỉnh của công văn này.
Theo phóng sự của Tuổi Trẻ Online, giá xét nghiệm tại cơ sở y tế tư có khi đến vài triệu đồng một lần, cao gấp nhiều lần so với cơ sở y tế công. Việc để thị trường định đoạt giá cả trong khi cầu ít co giãn theo giá vào thời buổi dịch bệnh căng thẳng hiện nay sẽ trở thành rào cản lớn đối với nhóm đối tượng yếu thế, có thể gây ảnh hưởng đến mục tiêu chung của chính sách.
Các hoạt động điều trị cho các bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm cũng ghi nhận nhiều đóng góp quý giá về cơ sở vật chất đến từ khối y tế tư nhân. Hiện nay, khu vực TPHCM đã có bốn bệnh viện tư nhân chuyển đổi công năng thành cơ sở điều trị Covid-19 hoặc hoạt động theo mô hình tách đôi, riêng biệt với cơ sở ban đầu.
Ngoài ra, hoạt động nhập khẩu vaccin ngừa Covid-19 cùng với hoạt động tiêm chủng cũng được trao cho một số đơn vị tư nhân có đủ điều kiện.
Dù vậy, cần lưu ý là hai hoạt động điều trị và nhập khẩu, tổ chức tiêm chủng vaccin ngừa Covid-19 khá nhạy cảm ở vấn đề công bằng trong tiếp cận dịch vụ, không chỉ liên quan rào cản về giá cả mà còn về rào cản xã hội đối với các nhóm trong và ngoài danh sách ưu tiên tiếp cận. Trong khi Bộ Y tế quy định những người bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2 chủng mới sẽ được điều trị miễn phí dù ở bệnh viện công hay tư, vấn đề phí tiêm vaccin chi trả cho dịch vụ y tế tư nhân vẫn còn đang được thảo luận.
Mức phí trả công tiêm được Bộ Y tế đề xuất là 40.000 đồng/mũi, nhưng đại diện của một tổ chức y tế tư nhân cho biết cần phải thu gần gấp 3 lần mức được đề xuất mới trả đủ các chi phí từ nhân sự, mặt bằng đến theo dõi sau tiêm.
Nếu như việc tiêm chủng được cho phép định giá để đủ bù chi phí vận hành cơ bản, thì việc duy trì yêu cầu miễn phí điều trị Covid-19 vốn cần nhiều nhân lực và vật lực hơn liệu có thật sự công bằng, xét về khía cạnh phức tạp của quy trình cũng như giữa hai chủ thể công và tư? Việc bảo đảm phân phối công bằng số lượng vaccin cho các tổ chức y tế tư nhân tiến hành tiêm chủng, cũng như kiểm soát giá cả dịch vụ tiêm chủng đối với các tổ chức tự nhập khẩu và triển khai tiêm là hai vấn đề cần sự cân nhắc kỹ lưỡng.
Bài học từ Ấn Độ: Hợp tác công - tư chống dịch hay thương mại hóa y tế?
Nhà nước sẽ sử dụng nhiều công cụ điều chỉnh hành vi của các chủ thể xoay quanh một trục các giá trị xương sống trong nền y tế, gồm (i) đối xử bình đẳng với bệnh nhân trong tiếp cận dịch vụ y tế, (ii) ưu tiên cho nhóm yếu thế nhất (nguy cơ cao nhất, lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi nhất), (iii) tối đa hóa lợi ích chung (giảm tỷ lệ tử vong tới mức tối đa), đồng thời (iv) đề cao và khuyến khích các hoạt động vì lợi ích chung của xã hội. |
Trước sức ép của làn sóng biến chủng Delta, Ấn Độ đã cho phép các bệnh viện tư nhân triển khai tiêm vaccin ngừa Covid-19 có thu phí từ tháng 4-2021. Tuy nhiên, việc cho cơ sở y tế tư mua đến 50% số liều vaccin phân bổ từ trung ương và tập trung chủ yếu tại chín tập đoàn y tế tư nhân trên cả nước - chủ yếu tọa lạc tại những thành phố lớn, khiến dư luận dậy sóng mạnh mẽ.
Theo tờ Times of India, một liều vaccin Covishield sản xuất tại Ấn Độ đã tốn đến 13 đô la Mỹ theo mức giá của bệnh viện tư, đến mức tòa án tối cao của nước này đã chỉ trích chính sách cho phép tiêm chủng tính phí của tư nhân bấy giờ là “độc đoán và vô lý”. Rào cản thu nhập về tiếp cận dịch vụ y tế được phóng đại hơn nữa khi các bệnh viện cả công lẫn tư tại những thành phố cấp 3 và vùng nông thôn với vị thế đàm phán thấp hơn không thể tiếp cận được nguồn cung vaccin từ nhà sản xuất.
Ấn Độ đã nhanh chóng sửa sai. Vào tháng 6 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã quy định phân chia công bằng số lượng vaccin giữa các tiểu bang dựa trên dân số từng khu vực, trong đó tối đa 25% tổng số vaccin hàng tháng sẽ được phân phối cho các bệnh viện tư nhân thông qua cơ quan y tế của chính quyền địa phương. 75% số liều còn lại được tổ chức tiêm chủng miễn phí tại các hệ thống y tế công.
Đối với các tổ chức tư nhân tự nhập khẩu và tiêm chủng, một mức giá trần được áp dụng dựa trên giá bán của nhà sản xuất cộng thêm chừng 2 đô la Mỹ phí dịch vụ tiêm chủng. Hiện nay, mức phí tiêm vaccin ngừa Covid-19 tại các tổ chức y tế tư nhân ở Ấn Độ dao động từ 6,56 đô la Mỹ cho một liều Covishield và 9,63 đô la Mỹ đối với một liều Sputnik-V.
Bên cạnh dịch vụ tiêm chủng, Ấn Độ cũng cho phép thu phí điều trị Covid-19 tại các bệnh viện tư nhân tùy theo chính sách của từng tiểu bang. Trong khi một số nơi miễn phí điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm bệnh tại mọi bệnh viện, vài địa phương cho phép bệnh viện tư nhân thu phí điều trị tăng dần theo mức độ bệnh (không nghiêm trọng và nghiêm trọng), cũng như phân theo các cấp bệnh viện và loại biện pháp can thiệp.
Tiêu biểu, dẫn từ Firstpost, chính quyền của Tamil Nadu - bang có nền kinh tế lớn thứ hai tại Ấn Độ, ấn định phí điều trị tại bệnh viện cấp cao (A1 và A2) cho tình trạng bệnh Covid-19 không nghiêm trọng là 42,06 đô la Mỹ/ngày, và cho tình trạng bệnh nghiêm trọng nhất có xài máy thở là 126,18 đô la Mỹ/ngày. Giá của các hạng mục này giảm 10% tại bệnh viện cấp A3 đến A6.
Để đảm bảo không có tình trạng phân biệt đối xử với người bệnh, một số bang còn yêu cầu các bệnh viện tư nhân đủ điều kiện điều trị Covid-19 phải để dành 50% số giường có trang bị máy thở cho những bệnh nhân được chỉ định bởi cơ quan y tế công. Các bệnh viện công vẫn miễn phí điều trị.
Tuy nhiên, vấn đề bất bình đẳng vẫn chưa được khắc phục triệt để vì còn tồn tại trở ngại về các chi phí không chính thức, như phí “bôi trơn” để được tiếp cận dịch vụ khi số ca nhiễm cần được điều trị trở nên quá tải.
Nhìn chung, khó mà tìm được một giải pháp vạn năng cho vấn đề mang tính phức hợp này. Kinh nghiệm của Ấn Độ cho thấy thất bại của nhà nước không thể được sửa chữa bằng cách đơn thuần trao thêm quyền cho thị trường, mà chính sách sai lầm còn tạo thêm thất bại cho cả nhà nước lẫn thị trường, đặc biệt là tình huống tiêm vaccin có trả phí.
Trước sự quá tải của cơ sở y tế công, giá cả của dịch vụ y tế tư nhân dễ bị “thổi phồng” hơn rất nhiều so với tổng chi phí thật của nó, đặc biệt khi dịch vụ y tế trở thành hàng hóa thiết yếu đối với người dân cần chữa trị các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như Covid-19, trong khi không nhiều người đủ điều kiện để tiếp cận.
Dù sự can thiệp của Nhà nước cần là một yếu tố thường trực để sửa chữa các sai lầm của thị trường, không nên can thiệp thô bạo “bóp nghẹt” sự năng động và tính sáng tạo của các cơ sở tư, làm giảm mong muốn đóng góp của họ vào đại cuộc chống dịch. Quá trình trao quyền cho các chủ thể tư nên cân nhắc dựa trên thuyết chức năng (functionalism).
Theo đó, mỗi thành phần trong xã hội như một bộ phận vận hành chuyên biệt trong một hệ thống có sự tương tác, phối hợp nhịp nhàng như cơ thể con người. Vai trò điều phối của Nhà nước cần được phát huy thông qua việc cân nhắc kỹ lưỡng chức năng nào khu vực y tế công lập nên giữ lại hoặc chiếm ưu thế trong quá trình triển khai, chức năng nào có thể kêu gọi sự hỗ trợ của các chủ thể tư và với mức độ tham gia nào là phù hợp. Tuy nhiên, cũng nên linh hoạt thay đổi mô hình hợp tác khi cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và tránh phí phạm nguồn lực.
Trong quá trình đó, cần duy trì sự kết nối dựa trên ý thức tập thể và các giá trị chung về sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, nhà nước sẽ sử dụng nhiều công cụ điều chỉnh hành vi của các chủ thể xoay quanh một trục các giá trị xương sống trong nền y tế, gồm (i) đối xử bình đẳng với bệnh nhân trong tiếp cận dịch vụ y tế, (ii) ưu tiên cho nhóm yếu thế nhất (nguy cơ cao nhất, lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi nhất), (iii) tối đa hóa lợi ích chung (giảm tỷ lệ tử vong tới mức tối đa), đồng thời (iv) đề cao và khuyến khích các hoạt động vì lợi ích chung của xã hội.
(*) Giảng viên khoa Luật Quốc tế trường Đại học Luật TPHCM, Học viên lớp Thạc sĩ Chính sách công khóa 22, Đại học Fulbright Việt Nam.
(**) Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM.
(1) https://tuoitre.vn/tu-di-xet-nghiem-covid-19-o-dau-gia-bao-nhieu-20210705153418971.htm
(2) https://tuoitre.vn/huy-dong-tu-nhan-tiem-vac-xin-cach-nao-20210728082759295.htm
(3) Persad, Govind, Alan Wertheimer, and Ezekiel J. Emanuel. “Principles for allocation of scarce medical interventions.” The Lancet 373.9661 (2009): 423-431.