Tự trồng rau, hoa để xả stress
Những ngày giãn cách, nhiều người thường tặng nhau bó rau, cọng hành, trái ớt. Người được tặng chẳng những không chê mà còn chụp hình khoe lên Facebook với những lời cảm ơn chân thành.
Rau củ trở nên quý giá với hầu hết các gia đình tại TPHCM kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Khi hàng loạt chợ truyền thống đóng cửa, chỉ còn siêu thị hoạt động, người mua thực phẩm phải xếp hàng dài suốt buổi, đến lúc vào được thì hầu như thịt cá rau củ đã bị gom hết. Chưa kể một số nơi lợi dụng hoàn cảnh, tăng giá lên gấp đôi thậm chí gấp ba so với ngày thường. Trước đây, một bó rau muống giá 20.000 đồng, nay thì bó rau này được chia thành ba, mỗi nhúm cũng giá 20.000 đồng; trước đây một chục trứng gà giá chỉ 25.000 đồng nay tăng lên 50.000 - 60.000 đồng. Dù vậy, không phải ai cũng mua được thực phẩm mình muốn do tình hình cũng đang khó khăn.
Từ đây, nhiều gia đình chuyển sang trồng rau tại nhà. Người thì mua vài củ khoai, củ hành tím về ngâm trong ly nước, một vài tuần sau rau bò lổm ngổm, cũng nấu được nồi canh, nêm được nồi cá kho. Gia đình nào có không gian, diện tích ban công hoặc sân thượng rộng thì đầu tư hẳn hoi thành vườn. Cũng có gia đình trồng vài chậu hoa nhỏ để mỗi sáng ngồi uống trà, ngắm hoa và cũng để vợ chồng… bớt gây gổ.
Xu hướng trồng rau để tự cung tự cấp đã xuất hiện thời gian qua nhưng tăng mạnh vào mùa dịch COVID-19 do giá thực phẩm đắt đỏ |
Làm việc trong lĩnh vực bất động sản, mùa dịch ít việc, vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Em và chị Nguyễn Thị Pha Ly (Q.7, TPHCM) chủ yếu ở nhà. Những lúc rảnh rỗi, anh chị tranh thủ trồng rau để cải thiện bữa ăn cho hai con nhỏ. Theo anh Tuấn Em, trồng rau cũng có cái hay vì cơ thể được vận động, tránh ngồi không ù lì, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hai con của anh chị cũng có thể phụ bố mẹ tưới rau hằng ngày. Vườn rau với gần chục thùng xốp được xếp lớp trên kệ, trong không gian ban công 5m2 của ngôi nhà. Để tránh tình trạng thu hoạch rau cùng một lúc ăn không kịp, anh chị trồng rau cách đợt, cứ 1-2 tuần lại trồng thêm một chậu. Khoảng thời gian ấy đủ để rau sinh trưởng, vừa ăn hết rau đợt đầu thì rau đợt sau tới lúc thu hoạch.
Những ngày qua, chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TPHCM) chỉ đi siêu thị để mua thịt, cá. Nguồn rau xanh của gia đình luôn được chị đảm bảo bằng những chậu rau tự trồng; từ cải mầm, ngót, mồng tơi, cho đến các rau gia vị như ớt, hành lá, quế… Tranh thủ khoảng sân nhỏ trước cửa, một vườn rau mini nhỏ gọn đã hình thành. Chi 40.000 đồng mua đất, hơn 100.000 đồng mua hạt giống, dụng cụ trồng rau là các kệ nhựa, bình nước lọc cắt đôi… những gì tận dụng được để trồng rau chị đều sử dụng. Sau một tuần, vườn cải mầm đến kỳ thu hoạch. Thêm một tuần nữa, rau ngót cũng có thể hái. Mồng tơi cứ vài bữa là có thể ngắt nấu canh. Bữa cơm gia đình hai vợ chồng cùng cậu con trai 18 tháng tuổi có thêm những kỷ niệm đáng nhớ trong mùa dịch.
Nhu cầu rau mầm, ngắn ngày tăng đột biến
Nhờ các hộ gia đình chuyển sang tự trồng rau mà nhu cầu đất, khay trồng, hạt giống những ngày gần đây tăng đột biến, giá cả vì vậy cũng tăng theo.
Chị Hà Thị Ân Liêm - chủ cửa hàng Blissfood (Quang Trung, Q.Gò Vấp, TPHCM) cho biết, vài ngày trở lại đây, nhu cầu khách mua hạt giống rau mầm các loại tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Khách thường mua các loại mầm dễ trồng, thời gian trồng ngắn như: mầm cải xanh, mầm cải đỏ, mầm rau muống... Trước đây, khách chỉ mua loại 50g (giá từ 15.000 -20.000 đồng/gói, tùy loại) còn nay khách thường mua loại 500g, 1kg. Thậm chí có những khách ở khu phong tỏa mua một lúc 5 ký hạt giống về trồng ăn dần. Riêng các loại đất trồng rau, phân trùn quế, khay trồng, giá thể trồng… hiện không tăng giá, nguồn cung khá dồi dào.
Trong các loại hạt giống rau, khách chuộng rau mầm vì thời gian trồng ngắn, dễ chăm sóc. Chỉ cần ngâm hạt giống, rải đất hoặc xơ dừa đã xử lý, trong vòng năm ngày là có thể thu hoạch. Còn trong các loại hạt giống rau mầm, khách có xu hướng chuộng loại có nhiều chất dinh dưỡng như mầm hướng dương, mầm thảo dược, mầm cỏ lúa mì… vì được cho rằng có thể nâng cao thể trạng, tăng cường hệ miễn dịch. “Mầm hướng dương, thảo dược có thể ăn sống còn mầm lúa mì thì xay lấy nước uống. Hầu như gia đình có người bệnh, có trẻ nhỏ cần nâng cao hệ miễn dịch đều ưu tiên mua các loại hạt giống mầm này. Chúng tạo thành cơn sốt trong suốt thời gian qua” - chị Ân Liêm chia sẻ thêm.
Theo chủ một vựa bán cây cảnh tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM, khoảng một tháng trở lại đây, lượng tiêu thụ hạt giống rau tăng cao. Người mua hàng chủ yếu chọn rau ăn lá. Các chậu nhựa trồng rau, đất trồng cũng được tiêu thụ mạnh. Theo chủ vựa, gần đây, do dịch bệnh, người dân mua số lượng nhiều, vựa không giao hàng như trước, chủ yếu người mua tới tận nơi mua và chở về. “Các hạt giống rau tại cửa hàng hiện không tăng giá còn lượng hàng tiêu thụ tăng 30% so với trước” - chị Tường Vi, chủ một vựa cây cảnh ở huyện Nhà Bè, cho biết.
Cẩn thận với giống rau lạ, hạt giống không rõ nguồn gốc
Hiện hạt giống rau trên thị trường có nhiều loại, ngoài của Việt Nam còn có của Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Mỹ, Nhật, Ý… Có loại được đóng gói trong bao bì có nhãn mác; có loại bán dạng cân ký, không rõ nguồn gốc, giá rẻ gấp 3-4 lần loại có thương hiệu. Chẳng hạn, hạt giống có thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam có giá 15.000-20.000 đồng/50g trong khi hạt giống không nhãn mác được bán đồng giá 10.000 đồng/100g.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới - cho biết hạt giống rau mầm là loại đặc biệt, được sản xuất sao cho tỷ lệ nảy mầm sớm nên hạn sử dụng thấp, phải đảm bảo không có chất bảo quản. Nếu hạt giống không rõ nguồn gốc sẽ không đảm bảo tỷ lệ nảy mầm tốt, dễ có nguy cơ sử dụng chất bảo quản quá tay. Trong khi rau mầm có thời gian trồng ngắn, dư lượng thuốc vẫn còn trên rau sau khi trồng rất nguy hiểm, dễ gây ngộ độc như đau bụng, tiêu chảy…
Còn các loại hạt giống rau khác có sử dụng chất bảo quản là bình thường vì mục đích chống mối mọt. Chất bảo quản này sẽ bị phân hủy trong đất sau mười ngày trồng nên không ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, khi trồng rau cần lưu ý sử dụng đúng mục đích của từng loại giống rau. Đừng lấy giống rau lớn trồng làm rau mầm vì khi được trồng trong điều kiện ẩm, thiếu ánh sáng, thời gian thu hoạch ngắn (5-7 ngày), trên rau sẽ còn chất bảo quản.
Nếu trồng rau mầm ăn, cũng nên chọn đúng loại. Trong thời gian qua đã có không ít trường hợp ngộ độc rau mầm do đặc tính sinh học của hạt giống. “Không nên ăn rau mầm từ khoai tây, các loại mầm dưa dây vì có chứa độc chất là alkaloid solanine; mầm các loại đậu ván, đậu mèo, đậu kiếm, đậu trứng chim cũng có hàm lượng lớn glucozid sinh a-xít cyanhydric giống như trong măng và sắn, có thể gây ngộ độc với cơ địa một số người” - tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa hướng dẫn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong thời gian giãn cách, không ít người đã cải tạo vườn nhà để trồng thêm một số giống cây hoa, rau củ quả “độc, lạ” nhập từ nước ngoài như ớt Hàn Quốc, bầu thiên nga, hướng dương bông xù, dưa chuột trắng, cải thìa tím, cà chua trái tim… Anh Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Happy Trees - khuyên người dân chỉ nên trồng những loại rau củ quả hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở Việt Nam. Nhiều loại hạt giống ngoại nhập giá không rẻ, có thể không thích nghi đầy đủ nên trồng khó sống hoặc có sống cũng không cho hoa, trái như ý.
Thanh Hoa - Trịnh Sơn
Xem thêm: lmth.5642441a-hcac-naig-yagn-gnuhn-uar-gnort-uahn-ur/nv.moc.enilnounuhp.www