Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp
Hoàng Thắng
(KTSG Online) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ưu tiên lớn nhất hiện tại là đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân và không để xảy ra khủng hoảng kinh tế - xã hội. Chính phủ phấn đấu cao nhất đưa Việt Nam trở lại bình thường trong thời gian ngắn nhất, chậm nhất là cuối năm 2021 đầu năm 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: baochinhphu.vn |
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp
Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương diễn ra sáng 8-8, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết doanh nghiệp hiện phải đối mặt với 8 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Cụ thể, trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40-50%.
Thứ hai, doanh thu giảm mạnh trên diện rộng. Trong đó, ngành du lịch không phát sinh doanh thu, còn doanh thu ngành hàng không trong giai đoạn cao điểm dịch đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Việc doanh thu sụt giảm, theo ông Dũng, dẫn tới tình trạng dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng.
“Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động và trả lãi vay ngân hàng đúng hạn”, ông Dũng cho biết.
Thứ ba, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu, làm đội chi phí giá thành sản xuất.
Thứ tư, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ mất thị trường, do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: baochinhphu.vn |
Thứ năm, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn vì một số tỉnh, thành phố áp dụng các chính sách phòng chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý. Hậu quả là các doanh nghiệp bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi, cước vận chuyển tăng, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.
Thứ sáu, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động trở lại làm việc khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh.
Thứ bảy, các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp FDI, còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh, đặc biệt đối với những tập đoàn lớn vào Việt Nam nghiên cứu, quyết định dự án quy mô lớn và cấp mới/điều chỉnh giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.
Thứ tám, việc triển khai một số chính sách hỗ trợ còn chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng nhận hỗ trợ. Ngoài ra, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế. Còn công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt.
Ông Hong Sun - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) - cho biết, hiện các dự án và doanh nghiệp cần có chuyên gia, quản lý từ nước ngoài sang hỗ trợ các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhưng thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài trở nên khắt khe hơn.
Cụ thể, quy định miễn cách ly với người nhập cảnh dưới 15 ngày đã được thảo luận từ tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa có đại diện doanh nghiệp nào được nhập cảnh thuộc diện này, theo ông Hong Sun.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, 70% số doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh, thành phía Nam hiện không đủ điều kiện thực hiện ‘3 tại chỗ’ nên phải ngừng sản xuất, đồng thời đối mặt với một số vấn đề gồm nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, mất khách hàng, rủi ro không huy động được công nhân sau giãn cách.
Với những doanh nghiệp thực hiện ‘3 tại chỗ’, số lượng công nhân có thể huy động chỉ ở mức 30-50% tổng số lao động, còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Kết quả, công suất sản xuất trung bình chỉ ở mức 40-50% so với trước đó. Điều này khiến công suất chung của cả vùng ước chỉ ở mức 30-40%.
Ngoài ra, nguyên liệu thủy sản cho hoạt động chế biến và xuất khẩu chỉ ở mức 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài do việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phía Nam.
“Nguồn nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu những tháng cuối năm dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 20-30% do việc giảm khai thác, giảm thả giống nuôi trồng và giảm cả nguồn nhập khẩu”, ông Nam nói.
Bên cạnh đó, nguồn vật tư, phụ liệu, bao bì phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp do công suất sản xuất tại nguồn cung giảm 50%. Còn việc cước tàu biển tăng 2-10 lần khiến chi phí chung cho sản xuất của doanh nghiệp gia tăng đột biến.
Đáng chú ý, việc bảo đảm điều kiện ‘3 tại chỗ’ khiến doanh nghiệp phải chi trả nhiều khoản chi phí khác. Cụ thể, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân ăn, ngủ và làm việc tại nhà máy tăng 50-100%, chi phí trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy tăng 30-50%.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải trả phí xét nghiệm hàng tuần với lao động làm việc theo phương án ‘3 tại chỗ’ và lương, chi phí hỗ trợ với lao động nghỉ việc.
Cũng theo ông Nam, doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ mất lực lượng lao động đã qua đào tạo và những rủi ro người lao động nhiễm Covid-19, nếu việc sàng lọc kiểm soát dịch bệnh không được tốt. Những yếu tố này, theo ông Nam, khiến kế hoạch phục hồi sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
“Việc thực hiện ‘3 tại chỗ’ chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn. Với doanh nghiệp vừa chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần, còn với doanh nghiệp lớn chỉ kéo dài tối đa 4-5 tuần vì họ phải chịu quá nhiều chi phí để đảm bảo chuỗi sản xuất, thực hiện các qui định chống dịch tại nhà máy”, ông Nam nói.
Với giải pháp ‘1 cung đường, 2 địa điểm’, ông Nam cho biết các địa phương còn cứng nhắc trong việc xác định 2 địa điểm cần kiểm soát và yêu cầu tập hợp công nhân tại một điểm và xe công ty phải đón đến nhà máy.
“Điều này thực sự gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi công nhân ở nhiều nơi khác nhau, phải di chuyển đến điểm tập kết chung mà xe ô tô đưa đón thì có hạn, số lượng công nhân trên xe cũng phải đảm bảo không quá 50% số ghế”, ông Nam cho biết.
4 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngắn hạn
Đề xuất giải pháp, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng có 4 giải pháp cần thực hiện trong ngắn hạn. Thứ nhất, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, cần tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng Covid-19 và bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao.
Cụ thể, cần tập trung tiêm chủng cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ chế cho phép doanh nghiệp tự mua dụng cụ tự xét nghiệm để chủ động xét nghiệm. Đồng thời, nghiên cứu chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp ngành y tế với các sản phẩm, gồm vaccine, dược phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.
“Đây là chính sách mang tính chiến lược cho cả trước mắt và dài hạn”, ông Dũng nhấn mạnh.
Thứ hai, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Theo đó, tổ chức và thực hiện ‘luồng xanh’ hàng hóa quốc gia, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa trên nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Ngoài ra, cần nghiên cứu đề xuất quy tắc vận tải an toàn phòng chống dịch và ứng dụng triệt để công nghệ trong kiểm soát điều kiện đi lại cho các phương tiện và người lao động.
Thứ ba, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp. Cụ thể, cần sửa đổi các chính sách về phí công đoàn, phí bảo trì đường bộ, giá bán điện cho ngành du lịch về dài hạn. Ngoài ra, cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ khoanh nợ, tái cấu trúc nợ, gia hạn các khoản nợ cũ và giảm lãi suất cho các khoản vay.
Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ về giãn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp với giá trị khoảng 20.000 tỉ đồng và giảm tiền thuê đất khoảng 700 tỉ đồng.
Thứ tư, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia. Với người lao động, cần có hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả gói chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động giá trị khoảng 26.000 tỉ đồng.
Với chuyên gia, cần có chính sách áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp/gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp FDI để phù hợp với tình hình thực tế.
Tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch VASEP, đề xuất 4 giải pháp. Thứ nhất, Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và các doanh nghiệp thực hiện ‘Y tế tại chỗ’. Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp và chia sẻ giữa doanh nghiệp và cơ quan kiểm soát bênh tật (CDC).
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch. Còn CDC sẽ xét nghiệm cho người lao động trong doanh nghiệp mỗi tháng một lần.
Thứ hai, có hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về việc thực hiện ‘1 cung đường – 2 địa điểm’ kết hợp tuân thủ quy định 5K và các quy định về phòng dịch của doanh nghiệp và của cơ quan y tế địa phương.
‘1 cung đường’, theo ông Nam, là đảm bảo cung đường từ nhà đến công ty và từ công ty về nhà với điều kiện có kiểm soát. Còn ‘2 địa điểm’ là nhà máy và nơi cư trú phải tuân thủ quy định phòng dịch.
Thứ ba, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh việc phối hợp công-tư với sự tham gia của các tổ chức thiện nguyện để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn
Thứ tư, Chính phủ cần chỉ đạo để chính quyền địa phương cùng hành động với các doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ đã có. Ngoài ra, cần các chính sách ưu tiên khác, gồm giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện đến ít nhất hết năm 2021, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương. Đồng thời, tăng mức hỗ trợ từ nguồn BHXH, BHYT cho doanh nghiệp và đề nghị BHXH chi trả lương, chi phí cho các trường hợp người lao động phả đi y tế vì dịch Covid-19, theo yêu cầu của cơ quan y tế.
Sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan chắt lọc, tiếp thu tất cả những ý kiến xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thành, trình Chính phủ ban hành một nghị quyết về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.
Theo Thủ tướng, mục tiêu cao nhất là không để khủng hoảng y tế. Cụ thể, phải bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân và không để xảy ra khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đồng thời, phấn đấu cao nhất đưa Việt Nam trở lại bình thường trong thời gian ngắn nhất, chậm nhất là cuối năm 2021 đầu năm 2022.
Để phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng cho rằng phải chấp nhận chịu hy sinh, mất mát, quyết tâm thực hiện việc giãn cách xã hội để tránh lây nhiễm giữa người với người.
“Khi cơ thể có bệnh thì phải chấp nhận đau đớn để mổ xẻ, để đổi lại sự khỏe mạnh và bình yên”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Với chiến lược vaccine, Thủ tướng nhắc lại 3 nội hàm chính, gồm nhập khẩu vaccine nhiều nhất và sớm nhất có thể, nhất là trong điều kiện khan hiếm trên toàn cầu; chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm miễn phí vaccine cho toàn dân theo thứ tự ưu tiên.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ KHĐT tiếp tục nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng những giải pháp kịp thời, cấp bách.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp khẩn trương tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt ở các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Đồng thời, điều chỉnh quy trình phòng chống dịch bệnh để các địa phương, doanh nghiệp tùy điều kiện thực tế có thể áp dụng.
Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các giải pháp về miễn, giảm thuế để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động.
Bộ Giao thông Vận tải xây dựng các giải pháp để hàng hóa sản xuất ra phải được lưu thông, vận chuyển trong nước và quốc tế.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đôn đốc triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, có thể mở rộng đối tượng, quy mô trong điều kiện cho phép.
Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai các giải pháp kết nối tiêu thụ hàng hóa. Còn Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai các giải pháp bảo đảm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là bảo đảm nguyên liệu, sản xuất liên tục cho các sản phẩm tiêu dùng ở những nơi thực hiện giãn cách xã hội.
Bộ Xây dựng nghiên cứu quy hoạch và xây dựng khu nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất khu kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và tiếp tục tính toán giảm lãi suất và điều chỉnh chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới phù hợp với tình hình.
Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để ứng dụng trong phòng chống dịch.
Xem thêm: lmth.peihgn-hnaod-ort-oh-ev-teyuq-ihgn-hnah-nab-es-uhp-hnihc/342913/nv.semitnogiaseht.www