Mới đây, Tập đoàn Vingroup vừa công bố thông tin về việc góp vốn hơn 934 tỷ đồng để thành lập hai công ty mới, trong đó có CTCP Giải pháp năng lượng VINES, với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất pin và ắc quy. Ngành này đang có tiềm năng ra sao, và đang phải đối diện với những thách thức nào?
Việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo trên toàn cầu đang dẫn đến sự bùng nổ trong ngành điện khí hóa và lưu trữ năng lượng trên toàn thế giới. Đặc biệt, ngành xe điện sẽ thúc đẩy nhu cầu về pin và ắc quy lên một tầm cao mới.
Pin là một trong những bộ phận then chốt của xe điện. Được xem là “ngành công nghiệp bán dẫn thứ hai” và “động lực tăng trưởng thế hệ tiếp theo”, ngành công nghiệp pin xe điện dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ sự tăng trưởng của ngành công nghiệp xe điện. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, quốc gia nào có khả năng dẫn đầu ngành sản xuất này ở thế kỷ 21 sẽ giành được vị thế tương tự các cường quốc về dầu mỏ như ở thế kỷ 20.
Pin Lithium
Một mặt, giá các loại nguyên liệu thô (như lithium, coban) đang có xu hướng giảm, mặt khác, lợi thế quy mô của ngành sản xuất pin ngày càng tăng. Hai yếu tố này đang góp phần làm giảm chi phí sản xuất pin. Đồng thời, tính ứng dụng của các loại pin này ngày càng tăng cao, song hành với các phát minh của nhân loại, lại càng thúc đẩy ngành này tăng trưởng cao hơn nữa.
Elon Musk từng dự báo, đến năm 2022, thị trường pin rất có thể sẽ thiếu nguồn cung, và Tesla sẽ tăng cường mua pin từ các nhà sản xuất pin xe điện Hàn Quốc, bao gồm cả Công ty hóa chất LG.
Tất nhiên, tốc độ phát triển nhanh cũng đi kèm với sự cạnh tranh gay gắt. Các doanh nghiệp sản xuất pin đang phải nỗ lực trên nhiều khía cạnh bao gồm: tính bền vững; quy trình sản xuất ổn định, cạnh tranh; tính an toàn; tính hiệu quả...
Giảm tác động môi trường xuống mức tối thiểu là một trong những mục tiêu quan trọng của các nhà sản xuất pin. Việc này đòi hỏi họ phải tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô bền vững, sử dụng các nguồn năng lượng sạch để cung cấp năng lượng cho quá trình sản xuất sản phẩm pin. Một số nhà sản xuất đang xem xét các giải pháp tái chế bằng cách thu hồi vật liệu từ pin hết hạn.
Chiến lược của các nước đối với ngành công nghiệp pin
Giáo sư Kim Pil-soo từ khoa Kỹ thuật ô tô, Đại học Daelim Hàn Quốc phân tích: cuộc cạnh tranh về pin giữa các quốc gia có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như rủi ro đầu tư, trợ cấp Chính phủ và các vấn đề thương mại toàn cầu. Do đó, thị phần của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể thay đổi bất kỳ lúc nào.
Các quốc gia phát triển ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đều đang rất quan tâm đến ngành này. Trung Quốc đang tìm cách đảm bảo nguồn nguyên liệu thô cần thiết bằng chiến lược ngoại giao tài nguyên, trong khi Nhật Bản tăng cường kiểm soát nguồn dự trữ chiến lược với 34 loại kim loại quý hiếm như đất hiếm, coban.
Một mỏ đất hiếm. Ảnh: VCG
Hàn Quốc, không như hai quốc gia trên, không may mắn có được nguồn nguyên liệu kim loại cần thiết như niken, coban, mangan, mà phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu. Tất nhiên, chất lượng và khả năng sản xuất đại trà là rất quan trọng, nhưng đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu cũng cực kỳ cần thiết.
Trong khi đó, Trung Quốc may mắn sở hữu nhiều mỏ kim loại, nguyên liệu phong phú, có loại, họ nắm giữ tới hơn 50% trên toàn thế giới, và thậm chí còn áp dụng chiến lược tài nguyên.
Theo ông Kim Pil-soo, các quốc gia muốn phát triển ngành pin, cần chủ động về vấn đề mua nguyên liệu, bởi bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào cũng có thể gây khó khăn cho quá trình sản xuất pin. Thứ hai, cần phát triển công nghệ để thay thế các kim loại hiếm bằng vật liệu khác. Như vậy, họ mới có thể giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu, dẫn đầu cuộc cạnh tranh khốc liệt, biến ngành công nghiệp pin thành động cơ tăng trưởng tương lai.
Chiến lược của các nhà sản xuất ô tô điện
Các nhà sản xuất ô tô đang chuyển hướng sang tự sản xuất pin để nắm quyền chủ động trên thị trường xe điện. Không chỉ Tesla, hãng BMW (Đức) đã đầu tư 200 triệu EUR vào phát triển pin thương hiệu riêng trong 4 năm qua.
Toyota của Nhật Bản cũng có kế hoạch đầu tư 13,3 tỷ USD để phát triển pin riêng. Trong nửa đầu năm nay, Phó Chủ tịch tập đoàn ô tô Hyundai Chung Eui-sun đã có cuộc gặp với lãnh đạo ba nhà sản xuất pin hàng đầu Hàn Quốc. Các nhà phân tích tin tưởng rằng hợp tác giữa công ty ô tô Hyundai và ba nhà sản xuất pin sẽ tạo nên một liên minh toàn diện trong ngành xe điện.
Thái Quỳnh
Nhịp sống kinh tế