Người dân TP.HCM nhận hỗ trợ khẩn cấp trong đợt giãn cách toàn xã hội tháng 5-2020 - Ảnh: VŨ THỦY
Tại cuộc họp thông tin về tình hình dịch COVID-19 sáng 10-8, ông LÊ MINH TẤN, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, yêu cầu các địa phương phải tính toán để người dân được nhận gói hỗ trợ đợt 2 trước ngày 15-8.
* Gói hỗ trợ này triển khai như thế nào?
- Kinh phí hỗ trợ đợt 2 khoảng 900 tỉ đồng cho 3 nhóm đối tượng: lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động (hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người); hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn TP (1,5 triệu đồng/hộ gồm tiền mặt là 1,2 triệu đồng và phần quà 300.000 đồng); lao động trong các nhà trọ, khu lưu trú, xóm nghèo ở khu vực bị phong tỏa gặp khó khăn (1,5 triệu đồng/hộ).
Nhóm lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động sẽ thực hiện tương tự đợt hỗ trợ lần 1, phải có đăng ký tạm trú như đợt 1 và do hội đồng xã phường họp xét. "Với đợt hỗ trợ này, không chỉ lao động nghèo như người cắt tóc, xe ôm... mà những hộ dân đang sinh sống trong nhà trọ nhưng thực sự khó khăn sẽ được giải quyết. Những nhóm này sẽ không phân biệt tạm trú, thường trú", ông Tấn nêu.
* Chú tôi là thợ hồ, sống ở TP.HCM, tổ dân phố không đưa vào danh sách được trợ cấp. Cho tôi hỏi những ai được xem là lao động tự do? Tôi buôn bán ngoài đường có được xem là lao động tự do không? Làm sao để xin hỗ trợ?
- 6 nhóm lao động tự do chịu ảnh hưởng bởi các quy định giãn cách gồm: buôn bán hàng rong, nhỏ lẻ trên đường phố; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số dạo; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); người làm thuê (không có hợp đồng lao động) tại các tụ điểm, khu vui chơi giải trí, sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch, rạp chiếu phim trung tâm, nhà hàng tiệc cưới, các điểm kinh doanh game, Internet, các địa điểm tham quan du lịch, di tích, bảo tàng, thư viện, các phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng, các trung tâm thể dục thể thao, khu tập luyện thể thao công cộng.
Ngoài 6 nhóm này, TP.HCM đã bổ sung 10 nhóm lao động tự do: bảo mẫu, quét dọn, giúp việc gia đình thuê; bảo vệ, giữ xe, rửa xe thuê, sửa/vá xe nhỏ lẻ, bán báo dạo, đánh giày; bán hàng hoặc bán hàng thuê (tại chợ, quầy hàng, điểm buôn bán nhỏ); xử lý hạt giống để nhân giống, đốn lá (lợp nhà...); đánh bắt thủy sản ven biển và nội địa - tự làm hoặc làm thuê; thợ hồ, phụ hồ, thợ sơn, thợ mộc, thợ phụ; tài xế, phụ xe, lơ xe, tiếp viên, nhân viên làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải; xe ôm công nghệ; tự làm hoặc làm thuê trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, may gia công, thủ công mỹ nghệ và các nhóm ngành nghề khác (nếu các quận huyện, TP Thủ Đức có đề xuất, bổ sung...)
Người đủ điều kiện có thể liên hệ tổ trưởng dân phố để được hỗ trợ thủ tục.
Không nghiêm, mọi nỗ lực đổ sông đổ biển
Nhiều bạn đọc phản ảnh đến Tuổi Trẻ, cùng với thông tin có những chợ truyền thống được mở lại, một số nơi người dân tự nới lỏng việc giãn cách, nhiều điểm buôn bán nhỏ đã mở lại, có nơi thợ hồ đi làm lại...
Thông tin với báo chí ngày 10-8, ông Phan Nguyễn Như Khuê, trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy, lưu ý: hiện nay tâm lý có phần lơi lỏng ở một vài nơi, sinh hoạt tự tập, nếu không quán triệt tốt thì nỗ lực của TP sẽ đổ sông đổ biển khi các khu vực quanh TP.HCM đang có diễn biến phức tạp.
Ban chỉ đạo chống dịch TP đã có họp thảo luận trên cơ sở nội dung của nhóm tư vấn nghiên cứu và đề xuất chính sách kinh tế những ngày tới ra sao, giãn cách mức độ nào. Mục tiêu tuần này là tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ thị 16 của Chính phủ, chỉ thị 12 của Thành ủy, công văn 2468 của UBND TP.HCM tập trung mọi nguồn lực vật tư, trang thiết bị y tế trong công tác điều trị để giảm tỉ lệ tử vong xảy ra ở các tầng điều trị.
Đồng thời, TP đang tiếp tục kiến nghị nâng tỉ lệ bao phủ vắc xin để hướng tới miễn dịch cộng đồng cao nhất.
T.LONG
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ để dập dịch.
TTO - UBND TP.HCM đã phê duyệt gói hỗ trợ đợt hai, nhằm hỗ trợ cho lao động tự do; hộ nghèo, hộ cận nghèo và người lao động nghèo gặp khó khăn do dịch COVID-19 với kinh phí hơn 900 tỉ đồng.