Sau ngày 15-8, doanh nghiệp ở Đồng Tháp muốn hoạt động phải có ‘y tế tại chỗ’
Trung Chánh
(KTSG Online) - Sau ngày 15-8, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp muốn hoạt động sản xuất phải đảm bảo nguyên tắc ‘4 tại chỗ’, tức ngoài sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ, thì phải đảm bảo y tế tại chỗ. Đây cũng là nội dung được đại diện cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản yêu cầu thực hiện nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất.
Doanh nghiệp 'kêu cứu' đến Bộ Nông nghiệp để được tiếp tục sản xuất theo '3 tại chỗ'
Doanh nghiệp ở Đồng Tháp hoạt động sau ngày 15-8 phải có y tế tại chỗ. Ảnh: Trung Chánh |
Tại buổi làm việc với các sở, ngành liên quan diễn ra vào chiều 12-8, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đưa ra ba kịch bản có thể áp dụng trên địa bàn tỉnh sau ngày 15-8, đó là kịch bản dịch còn diễn biến phức tạp, tiếp tục thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16; kịch bản thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 trong bối cảnh vẫn còn một số địa phương dịch vẫn diễn biến phức tạp và cuối cùng là kịch bản giãn cách xã hội theo chỉ thị 15.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh, sau ngày 15-8, dù áp dụng giãn cách xã hội theo kịch bản nào thì doanh nghiệp muốn hoạt động phải đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ”, tức sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ và y tế tại chỗ.
Đối với y tế tại chỗ, trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện tổ chức thì có thể ký hợp đồng với cơ quan y tế để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ, xét nghiệm định kỳ cho công nhân…
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (Đồng Tháp), cho rằng từ khi áp dụng Chỉ thị 16 và thực hiện “3 tại chỗ” ở TPHCM và các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn khoảng 10% doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn theo “3 tại chỗ” do chuẩn bị cấp bách, thiếu hụt lao động. Điều này, khiến sản lượng thu mua và nhập hàng chỉ còn khoảng 20-30%.
Trước đó, báo cáo khó khăn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các nhà máy chế biến thuỷ sản gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho rằng thực hiện phương châm “3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tình thế, không thể kéo dài do sức chịu đựng của doanh nghiệp là có hạn. Do đó, đối với các ngành sản xuất xuất khẩu rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại các địa phương.
Về dài hạn, ông Hòe kiến nghị, Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các địa phương và doanh nghiệp thực hiện "y tế tại chỗ". Điều này, sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy và công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng hai lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) sẽ tổ chức xét nghiệm cho doanh nghiệp mỗi tháng một lần, giúp đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, ông Hoè cho biết do thực tế lượng vaccine còn hạn chế và không thể có ngay một lúc, cho nên VASEP đề xuất có thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm vaccine ngừa covid-19.
Theo đó, sau những người làm tại các cơ sở y tế và những cán bộ liên quan phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh nền, thì thứ tự tiếp theo là những người lao động, bao gồm trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; trong các nhà máy, các khu công nghiệp thực hiện sản xuất cho xuất khẩu nói chung và sản xuất xuất khẩu thủy sản nói riêng, nhất là nhà máy “3 tại chỗ”.
Theo ông Hoè, việc tập trung tiêm ngay vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, sẽ vừa giữ được thị trường xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, bao gồm cả nông, ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở phía trước.