vĐồng tin tức tài chính 365

Kiên trì giãn cách để chống dịch

2021-08-14 10:36
Kiên trì giãn cách để chống dịch - Ảnh 1.

Kiểm tra giấy tờ của người đi đường để bảo đảm tuân thủ giãn cách - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc áp dụng các biện pháp giãn cách có thể kéo dài, TP.HCM đã nỗ lực và đạt được kết quả. Chúng ta phải có tinh thần và tâm thế trường kỳ kháng chiến. Trước mắt là đến 15-9 nhưng cũng phải chuẩn bị tâm lý dài hơi ở những cấp độ khác nhau" - Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tại cuộc họp báo ngày hôm qua 13-8.

Kiên trì giãn cách để chống dịch - Ảnh 2.

Đồ họa: T.ĐẠT

Chưa có dấu hiệu giảm nhiệt

Đến nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, trước đợt giãn cách thực hiện từ ngày 1-8, TP có khoảng 93.000 ca COVID-19 và ghi nhận 174 người tử vong. 

Đến ngày 13-8 (qua 12 ngày giãn cách), TP có tổng cộng gần 140.000 ca nhiễm, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 3.500 ca, trong khi có khoảng 2.700 người xuất viện mỗi ngày.

Điều đáng nói, dù có chủ trương cho F0 không triệu chứng được theo dõi tại nhà nhưng số người phải điều trị ở các tầng (điều trị) của TP trong khoảng thời gian này vẫn còn rất cao, có ngày giảm nhưng số lượng không nhiều. 

Nếu như ngày bắt đầu đợt giãn cách (ngày 2-8) có 34.438 người điều trị, đến ngày 13-8 vẫn còn 32.608 người, chỉ giảm khoảng 1.800 người. Trong đó, người bị nặng phải thở máy lại có dấu hiệu tăng. Đến nay có 1.671 người phải thở máy. 

Đây cũng là giai đoạn ghi nhận số người chết tăng cao, với tổng 2.692 người chết (trung bình mỗi ngày có hơn 200 người chết).

Để dễ so sánh tình hình dịch của TP.HCM hiện nay có thể đối chiếu với tình hình dịch bệnh của TP thời điểm ngày 8-7 (trước khi bắt đầu giãn cách theo chỉ thị 16). 

Lúc đó, TP chỉ có khoảng 8.400 ca, trong đó có khoảng 7.600 ca điều trị. Số ca nhiễm mới phát hiện ngày hôm đó mới chỉ 1.200 người, phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa. 

Như vậy, về quy mô số ca bệnh, số bệnh nhân mới phát hiện, số người phải điều trị và số bệnh nhân nặng hiện nay đều cao hơn nhiều lần so với thời điểm bắt đầu giãn cách theo chỉ thị 16.

Kiên trì giãn cách để chống dịch - Ảnh 3.

Tuân thủ giãn cách là một trong những giải pháp tạo ra "vùng xanh". Trong ảnh: "vùng xanh" ở chung cư HAGL Goldhouse (Nhà Bè, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Tiếp tục giãn cách để chặn nguồn lây

Đến ngày 12-8, TP.HCM vẫn ghi nhận 23 ổ dịch đang diễn tiến, trong đó có 2 ổ dịch ở chợ, 20 ổ dịch khu dân cư và 1 ổ dịch cơ sở y tế. 

Mặt khác, dù số ca nhiễm mới những ngày qua có dấu hiệu giảm nhưng biểu đồ số ca nhiễm COVID-19 mới tại TP.HCM 12 ngày trở lại đây mới chỉ đi ngang, chưa đi xuống. 

Một điều đáng lo ngại khác là số ca nhiễm mới trong cộng đồng (không tính ca trong khu cách ly, phong tỏa) và phát hiện khi đi khám tại các bệnh viện vẫn còn cao. 

Suốt hơn một tháng (từ ngày 9-7) số ca nhiễm mới phát hiện trong cộng đồng và sàng lọc tại bệnh viện của TP luôn trên ba con số và đang có dấu hiệu tăng. Từ ngày 2 đến 11-8 toàn TP phát hiện 5.512 ca thuộc diện này, trung bình hơn 500 ca/ngày. 

Việc người dân ngoài khu phong tỏa, khu cách ly được xét nghiệm sàng lọc và phát hiện nhiễm COVID-19 cho thấy mầm bệnh đã âm thầm lây lan rộng trong cộng đồng.

Phó bí thư thường trực Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đặt ra mục tiêu đến 15-9 sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh. TP đang khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để kiểm soát dịch bệnh. 

Từ đây đến 30-8, TP cố gắng sàng lọc, đánh giá địa bàn, xác định các vùng xanh, vùng đỏ để có biện pháp giãn cách cho phù hợp.

Theo ông Mãi, với các nước, kể cả Mỹ, Ấn Độ... khi dịch đạt đỉnh, việc kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh cũng rất lâu, có nơi 4 - 5 tháng vẫn chưa thực hiện được. 

Hiện tình hình dịch bệnh TP vẫn còn diễn biến phức tạp trong khi năng lực tiếp cận và điều trị của hệ thống y tế đã quá tải, TP phải tập trung ngăn chặn nguồn lây, giảm ca dương, giảm số ca chuyển nặng, giảm vùng đỏ. 

"TP sẽ cùng Bộ Y tế hình thành bộ tiêu chí đánh giá để xác định được mục tiêu nhiệm vụ trong 30 ngày sắp tới" - ông Mãi nhấn mạnh.

Ông Mãi cho hay trọng tâm trong 30 ngày sắp tới là chiến lược điều trị giảm tử vong gồm hai điểm chính. 

Trong đó, việc chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng với các giải pháp cụ thể: nắm chặt danh sách F0, kết nối với đội chăm sóc tư vấn sức khỏe online, F0 tại nhà có túi thuốc do Bộ Y tế chỉ định triển khai, phản ứng nhanh của y tế cơ sở khi có triệu chứng chuyển nặng và hệ thống hóa ứng dụng công nghệ kết nối F0 tại nhà với các tầng điều trị. 

Nội dung này quan trọng và mới sẽ tác động đến khoảng 80% F0. Nếu thực hiện đồng bộ hiệu quả sẽ quản lý được 80-90% F0. 

Đồng thời, TP tập trung điều trị tại bệnh viện các cấp từ tầng 2 đến tầng 5, mấu chốt vẫn là oxy. TP rà soát oxy để trang bị đầy đủ, để người dân có thể tiếp cận sơ cấp cứu sớm.

Kiên trì giãn cách để chống dịch - Ảnh 4.

Lực lượng chức năng tại chốt kiểm tra trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Lo cho dân cả thực phẩm lẫn ổn định tâm lý

Ông Phan Văn Mãi cho biết khi TP.HCM kéo dài thực hiện chỉ thị 16, vấn đề an sinh xã hội không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo lương thực thực phẩm và hàng hóa thiết yếu mà phải đảm bảo ổn định tâm lý cho người dân.

TP sẽ chăm lo cho bà con đầy đủ hơn. TP có thể sẵn sàng có gói an sinh xã hội thứ 3, kể cả thứ 4.

Tình hình khó khăn có thể kéo dài đến 15-9, thậm chí đến hết tháng 9 hoặc hơn. TP phải có hình thức đảm bảo việc chăm lo cho bà con trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Ông Mãi cho biết TP.HCM đang triển khai trung tâm an sinh xã hội các cấp TP, quận huyện, phường xã và đến chủ nhật này sẽ cho ra mắt trung tâm với các hoạt động đảm bảo an sinh cho người dân.

Trong quá trình triển khai, TP không chỉ cung ứng lương thực phực phẩm mà sẽ nghiên cứu các mặt hàng thiết yếu khác cho bà con, như hàng hóa cần thiết cho trẻ em, người già...

Về kế hoạch sản xuất, TP đang duy trì các hoạt động kinh tế phù hợp với tình hình và sẽ từng bước mở cửa lại nền kinh tế.

Theo ông Mãi, đây là một kế hoạch lớn của TP khi nền kinh tế - xã hội bị thiệt hại nặng nề do dịch. Trước mắt, TP sẽ đảm bảo các hoạt động sản xuất hàng hóa thiết yếu để cung ứng.

Tuy nhiên, TP cũng phải tính toán, nếu tình hình chuyển biến tốt hơn sẽ mở lại hoạt động kinh tế ở những lĩnh vực phù hợp nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Đường phố đông hơn có ảnh hưởng chống dịch?

gian cach

Đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM khá đông xe cộ lưu thông trưa 13-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ba ngày gần đây, nhiều tuyến đường tại TP.HCM xe đi lại khá đông. Tại các chốt kiểm soát giao thông, vào giờ cao điểm có hàng dài xe chờ kiểm tra giấy tờ.

Ba ngày gần đây, nhiều tuyến đường tại TP.HCM như Trường Chinh, Âu Cơ (Q.Tân Bình), Nguyễn Kiệm, Phan Văn Trị, Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp), Nguyễn Tất Thành (Q.4), Tôn Đức Thắng (Q.1)... xe đi lại khá đông.

Theo quan sát, người đi đường chủ yếu là nhân viên giao hàng, công nhân viên các công ty trên địa bàn TP, số còn lại là người đi tiêm vắc xin, đi siêu thị, mua đồ nhu yếu phẩm... Đa số người dân đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết nên đều được qua chốt.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bị yêu cầu quay đầu hoặc lập biên bản xử lý vì ra đường với lý do không cần thiết.

Ông Nguyễn Trí Dũng - chủ tịch UBND Q.Gò Vấp - cho biết các tuyến đường như Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm có lưu lượng xe cộ đông vì là tuyến huyết mạch, người dân từ quận 12, Tân Bình, tỉnh Bình Dương cũng đi qua đây để vào TP.

"Tuy vậy, lượng xe đã giảm rất nhiều so với những ngày chưa giãn cách xã hội" - ông Dũng nói.

Về lượng xe ra vào khu vực trung tâm TP đông hơn so với những ngày đầu giãn cách, một cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên địa bàn Q.1 cho biết là do nhiều doanh nghiệp, đơn vị được tự cấp giấy đi đường cho nhân viên nên họ đi lại đông hơn trước đó.

Cũng có trường hợp làm giả giấy tờ, hoặc cấp không đúng quy định để một số người dân lợi dụng ra đường khi không cần thiết. Không ít trường hợp như thế bị phát hiện, lập biên bản xử lý tại chốt chặn.

Các đơn vị sở, ngành nên siết lại việc cấp giấy đi đường này, chỉ cấp cho nhân viên, trường hợp nào thật sự cần thiết, cần chủ động giảm thiểu lượng nhân viên làm việc tại cơ sở, siêu thị...

Đồng thời khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà, hạn chế ra đường. Đây cũng là cách giảm lây lan dịch bệnh, phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, cho biết người dân ra đường đều có qua kiểm soát.

Qua thực tế, hầu hết họ ra đường đều có giấy tờ hợp lệ, chủ yếu là phục vụ sản xuất thiết yếu, cơ quan nhà nước, shipper, nhân viên siêu thị... đúng quy định giãn cách của TP.

Ngoài ra, cũng có trường hợp đưa người thân đi bệnh viện cấp cứu, đưa sản phụ đi đẻ... nên được giải quyết cho qua.

Theo ông Bình, các shipper đi ra đường phải có mã QR và dấu hiệu nhận biết để cơ quan chức năng dễ dàng xác minh.

Ngoài ra, những trường hợp có giấy đi đường nhưng không phải ngành hàng thiết yếu như xây dựng, may mặc, bảo hiểm... sẽ không được giải quyết cho qua chốt.

Lực lượng chức năng cương quyết lập biên bản vi phạm chỉ thị 16 để hạn chế lượng xe, lượng người lưu thông trên đường trong thời gian giãn cách xã hội.

Ông Bình đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục tuyên truyền cho người dân chấp hành quy định giãn cách xã hội.

Các cơ quan, doanh nghiệp có chính sách giãn cách phù hợp. Mỗi người dân cần tự ý thức cùng chung tay với lực lượng chức năng đẩy lùi dịch bệnh, không tùy tiện ra đường, tránh né chốt kiểm tra.

THU DUNG - CHÂU TUẤN

Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 sau 15-8Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 sau 15-8

TTO - Thông tin được Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ra tại họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 sáng 13-8.

Xem thêm: mth.35374828041801202-hcid-gnohc-ed-hcac-naig-irt-neik/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kiên trì giãn cách để chống dịch”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools