Sách được tình nguyện viên mang đến các khu phong tỏa ở TP.HCM trong những ngày giãn cách - Ảnh: Thành đoàn TP.HCM
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị xuất bản và phát hành đều có chung phản ánh rằng hoạt động của ngành hiện nay rất khó khăn do dịch COVID-19 và quá trình giãn cách xã hội.
Thêm vào đó, việc sách chưa được coi là mặt hàng thiết yếu đã gây khó khăn cụ thể về khâu vận chuyển khi bán hàng trực tuyến thời giãn cách.
"Coi sách là một trong những mặt hàng góp phần nuôi dưỡng đời sống tinh thần của mỗi người, sau hội nghị hôm 12-8, Bộ Thông tin - truyền thông và Cục Xuất bản, in và phát hành thống nhất sẽ gửi văn bản tới các đơn vị, cơ quan để có giải pháp phù hợp đưa sách vào diện hàng hóa được ưu tiên trong việc vận chuyển, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, của học sinh sắp đến trường.
Ông Nguyễn Nguyên - cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành
Sức mua giảm sâu
Trong báo cáo về tình hình xuất bản 6 tháng đầu năm tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên - cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành - cho biết: "Việc bán sách trực tuyến không khắc phục hết khó khăn do sức mua giảm sâu, các khâu sản xuất kinh doanh bị đứt gãy vì giãn cách ở 2 thị trường quan trọng Hà Nội và TP.HCM".
Cụ thể, tính đến đầu tháng 7-2021, Công ty Fahasa đóng cửa 80 trên 117 nhà sách, doanh thu tháng 6-2021 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu tháng 7-2021 chỉ đạt 30% so với cùng kỳ năm 2020 và tháng 8-2021 còn có thể giảm sâu hơn nữa.
Doanh thu 6 tháng đầu năm của Công ty Alpha Books chỉ đạt 84% so với cùng kỳ năm 2020. Sau đó, vào giữa tháng 7, công ty bị phong tỏa, đóng cửa do có ca nhiễm COVID-19 khiến doanh thu sụt giảm nhiều.
Công ty Nhã Nam đóng cửa 6 nhà sách, doanh thu chỉ còn 76% so với cùng kỳ năm 2020 và đang tiếp tục giảm sâu. Đến tháng 7 và 8-2021, doanh thu chỉ bằng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các giải pháp đối với ngành xuất bản sắp tới, cục nhấn mạnh cần phát triển kênh bán hàng điện tử và phát triển xuất bản điện tử.
Với sách giáo khoa, phải "đưa đến tận nhà học sinh"
Hiện nay, trong thời gian giãn cách, các đơn vị phát hành tiếp tục chịu thiệt hại lớn khi có rất nhiều đơn hàng sách trực tuyến bị hoãn, hủy khi gần như không có đội ngũ shipper.
Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nói với Tuổi Trẻ: "Các sàn thương mại điện tử gặp khó khăn vì không có shipper mang sách đến cho người dân. Vì sách không phải mặt hàng thiết yếu nên không có những chính sách hỗ trợ như các mặt hàng thiết yếu trong quá trình lưu thông".
Do đó, phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị như NXB Trẻ, Fahasa, Thái Hà Books, Nhã Nam... có chung đề xuất nên coi sách là mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới.
Một trong những lý do đề xuất đưa sách vào nhóm hàng thiết yếu là vì sắp đến năm học mới, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu đối với hàng triệu học sinh trên cả nước.
Ông Lê Hoàng nhận định: "Nếu không có sách giáo khoa thì học sinh không thể học theo chương trình của Bộ Giáo dục và đào tạo. NXB Giáo Dục và các nhà xuất bản in sách giáo khoa theo chương trình phổ thông mới chắc chắn sẽ có giải pháp đưa sách đến tận nhà học sinh".
Tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo chỉ đạo Cục Xuất bản, in và phát hành làm việc với các nhà xuất bản nhằm xã hội hóa việc phát hành sách giáo khoa.
Nên xem các mặt hàng cung ứng cho học sinh là thiết yếu
Theo ông Phạm Nam Thắng - quyền tổng giám đốc Fahasa, phụ trách kênh thương mại điện tử fahasa.com, khi thực hiện chỉ thị 16+ của Chính phủ, ngành sách nói chung và lĩnh vực phát hành sách online gặp không ít khó khăn, dẫn đến năng lực xử lý đơn hàng bị giảm mạnh, giao hàng trái vùng quá mất thời gian, năng lực giao hàng bị ảnh hưởng khiến hàng ngàn đơn hàng bị treo.
Tất cả khiến Fahasa gặp khó khăn khi cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho học sinh chuẩn bị năm học mới vào đầu tháng 9.
Trước tình hình đó, kênh thương mại điện tử fahasa.com đã chủ động thực hiện một số giải pháp: liên hệ hợp tác với 2 đơn vị vận chuyển mới nhằm giảm tải cho các đối tác vận chuyển hiện tại; đẩy nhanh việc thêm kho tạm để tăng khả năng cung ứng và xử lý đơn hàng; cải tiến quy trình phân bổ hàng hóa, hệ thống kiểm tồn và phân đơn hàng cho nhà sách nội vùng với địa chỉ cần giao hàng, để hàng hóa đi ra thẳng từ nhà sách nội vùng, giúp việc luân chuyển hàng hóa nhanh hơn, kịp thời giao sách đến tận nhà học sinh...
Công ty Fahasa dịp này cũng vừa công bố chương trình hỗ trợ học sinh và phụ huynh mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập qua kênh thương mại điện tử, với ý tưởng là đội ngũ giao hàng sẽ mang sách đến từng gia đình học sinh trên khắp cả nước.
Theo đó, chương trình bắt đầu từ ngày 12-8 đến 15-9 tại trang fahasa.com với nhiều hình thức khuyến mãi.
Trong khi đó, đại diện sàn thương mại điện tử Tiki cũng thừa nhận ngành sách đang gặp khó khăn lớn do giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, chủ yếu là ở khâu giao nhận hàng hóa (mạng lưới shipper đi lại không còn như trước nữa), và sắp xếp nhân sự để bảo đảm các đơn hàng được cung ứng kịp thời cho khách hàng.
Giải pháp trước mắt của Tiki là tìm cách hỗ trợ giá cả cho bạn đọc ngành sách.
Lam Điền
TTO - Doanh số bán sách ở Thụy Điển đạt mức cao nhất mọi thời đại trong nửa đầu năm 2021 khi người dân đi du lịch ít hơn và giải trí tại nhà nhiều hơn do đại dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.61805629041801202-uey-teiht-gnah-tam-al-ioc-coud-nac-hcas/nv.ertiout