Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG - HOSE) tiếp tục âm dòng tiền hoạt động kinh doanh chính -7.506 tỉ đồng. Nợ phải trả tăng thêm 44%, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 5,76 lần.
Lãi lớn nhờ doanh thu tài chính
Bamboo Capital (BCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 và 6 tháng đầu năm.
Theo đó, doanh thu thuần quý II của BCG đạt 814 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp 302,513 tỉ đồng, tăng 322% so với cùng kỳ 2020.
Trong quý II, lợi nhuận gộp không đủ để BCG trang trải chi phí, đặc biệt là chi phí tài chính tăng gấp hai lần lên 423 tỉ đồng. Trong đó, riêng chi phí lãi vay của BCG trong quý II tăng 196% lên mức 214 tỉ đồng do công ty tăng cường vay vốn và phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo và bất động sản. Các chi phí quản lý và chi phí bán hàng cũng tăng lần lượt 104% và 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính trong kỳ đạt 714 tỉ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ mà BCG ghi nhận lợi nhuận ròng quý cao nhất từ trước tới nay, đạt 315,5 tỉ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của BCG đạt 1.448 tỉ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu tài chính đạt 1.026 tỉ đồng, tăng gần 311% so với 249,7 tỉ đồng của nửa đầu năm 2020. Khấu trừ chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp, BCG lãi ròng 478,2 tỉ đồng gấp gần 18 lần so với cùng kỳ 2020.
Dòng tiền hoạt động kinh doanh chính tiếp tục âm 7.506 tỉ đồng
Mặc dù báo lãi tăng mạnh nửa đầu năm 2021 nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của BCG lại âm nặng.
Theo đó, tại ngày 30.6.2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 7.506 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước âm 1.548 tỉ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư cũng âm 1.599 tỉ đồng. Để bù đắp thâm hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh chính và phục vụ hoạt động đầu tư, BCG đã huy động dòng tiền tài chính là 9.487 tỉ đồng, chủ yếu là đi vay (9.924 tỉ đồng) và tăng vốn.
Quý I liền trước, dòng tiền kinh doanh của BCG cũng âm hơn 1.400 tỉ đồng.
Tình trạng dòng tiền kinh doanh liên tục âm đã kéo dài tại BCG từ năm 2017 đến nay. Cụ thể, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính năm 2017 âm 996 tỉ đồng, năm 2018 âm 1.081 tỉ đồng, năm 2019 âm 969,4 tỉ đồng và năm 2020 âm 2.226 tỉ đồng.
Tại ngày 30.6.2021, tổng tài sản của BCG đạt 35.796 tỉ đồng, tăng 48,3% so với đầu năm. Phần lớn tài sản của BCG nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn.
Cụ thể, phải thu ngắn hạn của BCG tăng 34,75% so với đầu kỳ, lên tới 9.545 tỉ đồng - chiếm 26,6% tống tài sản.
Các khoản phải thu dài hạn tăng 98,5% so với đầu kỳ, lên tới 11.996 tỉ đồng, chiếm 33,5% tổng tài sản.
Tính tới 30.6.2021, nợ phải trả của BCG là 30.498 tỉ đồng - tăng 44% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay ngắn hạn, dài hạn và trái phiếu chuyển đổi là 15.425 tỉ đồng. Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng gần 335% so với đầu kỳ - lên 11.086 tỉ đồng.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của BCG tại ngày 30.6.2021 là 5.298 tỉ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của BCG là 5,76. BCG lệ thuộc lớn vào vay nợ (nợ phải trả chiếm trên 85% tổng nguồn vốn). Những con số cho thấy cơ cấu vốn của BCG đang mất cân đối, tiềm ẩn rủi ro.