Hơn 2.500 chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994. Trong số này có tới 25% thuộc diện hư hỏng, nguy hiểm. Thế nhưng, 10 năm qua, tỷ lệ nhà chung cư đã được cải tạo, sửa chữa mới chưa đầy 3%. Con số này quá thấp so với kỳ vọng, bởi còn nhiều nút thắt khiến các dự án, phương án cải tạo mãi chỉ nằm trên giấy, hoặc dừng lại ở mức độ khảo sát.
Từ trước đến nay, quy định không được tăng dân số gây khó cho chính các doanh nghiệp muốn bắt tay vào thực hiện. Bởi thực tế, nếu hạn chế dân số trong khu vực cải tạo, thì các căn hộ ngoài diện tích tái định cư sẽ không biết bán cho ai để bù đắp chi phí đầu tư.
Nghị định 69 quy định trong quá trình lập quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền phải xác định các chỉ tiêu quy hoạch, trong đó có chỉ tiêu "quy mô dân số". Đây là yếu tố giúp đảm bảo được tính khả thi và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ.
Hơn 2.500 chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994. Trong số này có tới 25% thuộc diện hư hỏng, nguy hiểm. (Ảnh minh họa: NLĐ)
"Dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ sẽ có đủ số lượng căn hộ để tái định cư cho 100% các chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư, đồng thời nó sẽ có một lượng căn hộ dôi dư để nhà đầu tư bán thu hồi vốn và có lãi 10%", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn tồn tại là niên hạn sử dụng quá dài, nên công tác đánh giá mức độ an toàn khó kết luận, ảnh hưởng đến việc kiểm định chất lượng nhà chung cư cũ. Hiện việc đánh giá này thuộc cơ quan quản lý nhà nước, nhưng việc thực hiện rất chậm do thiếu ngân sách. Nghị định 69 quy định cụ thể về việc thời gian thực hiện kiểm định được kỳ vọng sẽ giải tỏa điểm nghẽn này.
"Kể từ ngày nghị định có hiệu lực, trong phạm vi 3 tháng, các địa phương phải hoàn thành công tác kiểm định để đánh giá, phân loại nhà chung cư cũ. UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo Sở Xây dưng. Với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Sở Quy hoạch và Kiến trúc phải lập quy hoạch cải tạo xây dựng lại nhà chung cư", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết thêm.
Ngay sau khi Nghị định 69 được ban hành, TP Hà Nội dự kiến bố trí vốn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ. Đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định, thành phố sẽ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dự án đầu tư ngay trong giai đoạn 2021 - 2025.
VTV.vn - Nghị định 69 được người dân đón nhận và các chuyên gia đánh giá là có thể "cởi trói" cho công tác xây dựng lại hàng nghìn nhà chung cư cũ đã bị ách tắc lâu nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!