Ngày 23-8, Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) đã tổ chức tọa đàm trực tuyến về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Tiện lợi, khách hàng sẽ dùng
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, trích dẫn thống kê của Ngân hàng (NH) Nhà nước cho thấy thanh toán không dùng tiền mặt trong những tháng đầu năm 2021 đã tăng khoảng 30%-40% về số lượng và tăng 70%-80% về giá trị.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhận định dư địa cho thanh toán không tiền mặt còn nhiều. Hiện số lượng tài khoản thanh toán tại Việt Nam trên 100 triệu, nếu trừ một cá nhân mở nhiều tài khoản thì con số vẫn là rất lớn. Dù vậy, mở tài khoản NH chỉ để rút tiền mặt qua ATM vẫn còn nhiều. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương... vẫn chủ yếu chi trả tiền mặt, dù có thể chuyển khoản.
"Trải nghiệm người dùng trong thanh toán không tiền mặt rất quan trọng. Nếu khách hàng chỉ dùng một ứng dụng có thể kết nối được cả ví điện tử, tài khoản NH, Mobile Money (dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ)..., họ sẽ sẵn sàng sử dụng. Tạo hệ sinh thái rộng mở cho khách hàng là mục tiêu các đơn vị đang hướng đến, như Sacombank có hơn 100 đối tác từ ví điện tử, fintech, viễn thông để khách hàng sử dụng và thanh toán" - ông Nguyễn Minh Tâm nói.
Hạn chế khi một bộ phận người dùng chưa sử dụng nhiều các kênh thanh toán không tiền mặt, cũng chính là dư địa để phát triển dịch vụ này trong thời gian tới, ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh VNPAY, phân tích hiện số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh, tiểu thương trên thị trường khoảng 1,5-2 triệu nên còn rất nhiều cơ hội cho NH, đơn vị trung gian thanh toán và fintech.
Với hệ thống phủ rộng cả nước, các nhà mạng viễn thông có thể triển khai hiệu quả Mobile Money. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thêm kênh thanh toán không tiền mặt
Để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, TS Cấn Văn Lực đề xuất cần sớm thí điểm Mobile Money trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp. Nếu được triển khai, Mobile Money có thể là kênh chuyển tiền hỗ trợ cho người dân nhanh chóng, tiện lợi nhất bên cạnh các dịch vụ NH số. Bởi các kênh thanh toán không tiền mặt như Mobile Money sẽ giảm chi phí, thời gian và hạn chế thất thoát, sai sót...
Hiện Việt Nam có khoảng 100 triệu thuê bao di động và khoảng 70% dân số sử dụng internet cũng là yếu tố thuận lợi để triển khai Mobile Money. Bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone, cho biết nếu được triển khai Mobile Money, số lượng giao dịch này sẽ tập trung vào đối tượng khách hàng chưa có tài khoản NH, ví điện tử... Nếu triển khai được sẽ tăng khả năng thanh toán lên cao hơn, bớt chênh lệch trong thanh toán không dùng tiền mặt giữa thành thị và nông thôn.
"Từ tháng 3-2021, Mobile Money đã được phép cho nghiên cứu để các nhà mạng triển khai thí điểm và MobiFone đang hoàn thiện thủ tục, xin giấy phép, sẵn sàng tung sản phẩm ra thị trường. Chúng tôi hướng tới thị trường chưa có tài khoản NH, với mạng lưới phủ của nhà mạng tới vùng sâu, vùng xa, Mobile Money được kỳ vọng có thể lấp đầy khoảng trống còn lại của NH, fintech trong thanh toán không tiền mặt" - bà Phạm Minh Tú nói.
Thời gian qua, khi Mobile Money được triển khai, nhiều ý kiến cho rằng kênh thanh toán này sẽ cạnh tranh với những NH, trung gian thanh toán khác trên thị trường. Ông Ngô Anh Tuấn cho rằng cần nhìn ở góc độ cơ hội nhiều hơn thách thức. Vì dư địa còn nhiều nên tập trung phát triển thị trường hơn là cạnh tranh ở "miếng bánh" hiện tại, như VNPAY đã liên kết với các ví điện tử để giúp khách hàng thanh toán tiện lợi hơn.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để sớm triển khai Mobile Money; thúc đẩy nhanh cơ sở dữ liệu quốc gia; có cơ chế chính sách cho chia sẻ dữ liệu và tăng cường bảo mật an ninh, an toàn; phát triển hạ tầng số, hạ tầng thanh toán, thúc đẩy nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng đối với dịch vụ tài chính NH, trong đó có dịch vụ thanh toán...
Xem thêm: mth.52791301232801202-yenom-elibom-oc-mos-nac/et-hnik/nv.moc.dln