Liên quan loạt bài phản ánh tập kết hàng hoá "chui" ở bến xe Nước Ngầm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đã có chỉ đạo nóng.
Lời hứa của Chủ tịch quận Hoàng Mai: "Tuyệt đối không bao che sai phạm"
Mặc dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, song những ngày qua tại bến xe Nước Ngầm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), có hàng trăm xe tải chở hàng hoá tập kết trái phép tại đây, không đảm bảo các điều kiện giãn cách và an toàn phòng chống dịch.
Sau loạt bài phản ánh của Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Chinh - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) cho biết - đã chỉ đạo lực lượng công an phường và các lực lượng chức năng khác để kiểm tra, xử lý nghiêm.
Còn một cán bộ phụ trách giao thông, đô thị phường Hoàng Liệt cho hay: "Chúng tôi đã hẹn với lãnh đạo bến xe Nước Ngầm để làm việc nhưng bên đó chưa sắp xếp được lịch. Phía bến xe hẹn hôm nay sẽ có người đại diện, đứng ra làm việc với các ban ngành chức năng của phường".
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch quận Hoàng Mai nói rõ, lãnh đạo quận đã nắm bắt được thông tin và lập tức chỉ đạo kiểm tra, xử lý.
"Tôi trực tiếp giao cho lực lượng công an, thanh tra giao thông và UBND phường Hoàng Liệt kiểm tra ngay lập tức. Nếu có sai phạm sẽ chấn chỉnh và kiên quyết xử lý.
Hoàng Mai đang là "điểm nóng" trong công tác phòng chống dịch. Vừa rồi đã có 3 lái xe hoạt động theo "luồng xanh" dương tính với COVID-19, cho nên công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch rất cấp bách. Những sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che cho các sai phạm", ông Tâm khẳng định.
Theo Chủ tịch quận Hoàng Mai, mặc dù thời điểm này việc các xe hoạt động "luồng xanh", chở hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân thủ đô đang rất cấp thiết, nhưng để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hạn chế tối đa sự lây lan của virus Sars-CoV-2 thì điểm tập kết và bốc dỡ hàng cần được thực hiện đúng theo các quy định.
"Theo tôi được biết, ở bến xe Nước Ngầm đang được trưng dụng để làm điểm test COVID-19 (phối hợp với Bệnh viện Nam Thăng Long). Chúng tôi sẽ làm rõ đối với những xe đang tập kết tại bến xe Nước Ngầm, xe nào tập kết hàng hoá, xe nào dừng đỗ để tài xế test nhanh COVID-19", Chủ tịch quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm nói.
Phải có người chịu trách nhiệm
Ghi nhận của phóng viên Lao Động, tại bến xe Nước Ngầm, những ngày vừa qua có hàng trăm xe tập kết, bốc dỡ hàng hoá tại bến xe Nước Ngầm. Các xe đều in biển tên nhà xe và dòng chữ “giao nhận hàng”, được xếp thành hàng dài theo lốt. Shipper và người dân cũng đến điểm tập kết này để nhận hàng và gửi hàng như không hề có quy định về giãn cách, hạn chế đi lại.
Người đến nhận hàng chỉ cần lấy thẻ gửi xe, không có bất kỳ hình thức đảm bảo phòng dịch ở mức tối thiểu như đo thân nhiệt, sát khuẩn, quét mã QR code, khai báo y tế... được tuân thủ. Trong khi, đây lại là khu vực thường xuyên tập trung đông người từ khắp các địa phương nên nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 không được kiểm soát.
Để có được "lốt" đỗ tập kết, bốc dỡ hàng hoá trong bến, nhà xe phải trả từ 300.000 - 500.000 đồng mỗi ngày. "Muốn có lốt thì phải nói chuyện 'làm sân' trước, không phải thích là vào được", một tài xế chạy tuyến Vinh - Hà Nội chia sẻ.
Trao đổi với Lao Động, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc tập kết hàng hoá chui tại Bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã vi phạm nhiều quy định.
Thứ nhất, vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh bị cấm để phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 17 của UBND TP.Hà Nội.
Thứ hai, vi phạm quy định về giãn cách, khi để tập trung đông người, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu để phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, vi phạm các quy định về biện pháp khai báo y tế, sát khuẩn, khiến tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, đối với những hành vi nêu trên, Bến xe Nước Ngầm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20-40 triệu đồng (áp dụng đối với tổ chức);
Hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ tại nơi công cộng (quy định theo điểm C, khoản 3, điều 12 về vi phạm quy định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, Nghị định 117 năm 2020 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).
"Nếu hoạt động đó làm lây lan dịch bệnh, những người có trách nhiệm liên quan sẽ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác", luật sư Trương Thanh Đức cho hay.
Xem thêm: odl.598549-couc-oav-art-hnaht-na-gnoc-magn-coun-ex-neb-o-iuhc-aoh-gnah-tek-pat/et-hnik/nv.gnodoal