Tin tức về tình hình Covid-19 hôm nay, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu: “Đồng Nai cần xây dựng kịch bản cho tình huống xấu hơn”. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sáng 25.8, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng Đồng Nai đã ghi nhận 20.000 ca nhiễm Covid-19, tỉnh cần xây dựng kịch bản cho tình huống xấu hơn, để chủ động ứng phó trong mọi điều kiện. Phó thủ tướng yêu cầu Đồng Nai tập trung các giải pháp về an sinh xã hội, bảo đảm thiết bị y tế cho khu vực điều trị F0. Đặc biệt là quan tâm đến vấn đề sản xuất an toàn của các doanh nghiệp “3 tại chỗ”. Phó thủ tướng lưu ý Đồng Nai cần sớm tiến hành xây dựng các quy định, tiêu chuẩn để phục hồi sản xuất sau đại dịch. Tất cả các doanh nghiệp quay lại sản xuất phải đảm bảo các tiêu chuẩn y tế nghiêm ngặt nhất. Đồng thời, thực hiện tốt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, kiểm soát chặt vùng đỏ, khu vực phong tỏa, hoạt động của các chợ đầu mối...
Từ hôm nay 25.8, F0 cách ly tại nhà ở TP.HCM được dùng thuốc đặc trị Covid-19 Molnupiravir. Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế TP.HCM triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng bằng thuốc Molnupiravir. Theo đó, các trường hợp mắc Covid-19 (kết quả xét nghiệm bằng RT-PCR hoặc kit xét nghiệm nhanh tại nhà) có triệu chứng ở mức độ nhẹ được cán bộ y tế tư vấn, giải thích về chương trình. Sau khi đồng ý tự nguyện tham gia bằng văn bản, bệnh nhân được phát 1 túi thuốc Molnupiravir tại nhà (home-based care), kèm theo hướng dẫn sử dụng, theo dõi sức khỏe… Sau 5 ngày uống thuốc Molnupiravir, bệnh nhân được đánh giá về tỷ lệ âm tính với Covid-19 và tỷ lệ bệnh không diễn tiến sang mức độ nặng hơn. Trong suốt thời gian 14 ngày, bệnh nhân được theo dõi về triệu chứng của bệnh Covid-19 và các tác dụng phụ nếu có của thuốc Molnupiravir.
TP.HCM kiến nghị cơ sở y tế tư nhân được thu phí điều trị bệnh nhân Covid-19. Thu phí điều trị bệnh nhân Covid-19 là một trong những đề nghị được đề cập trong văn bản kiến nghị của UBND TP.HCM gửi Bộ Y tế và Bộ Tài chính về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. UBND TP.HCM dẫn báo cáo của các cơ sở y tế tư nhân rằng, hiện rất nhiều bệnh nhân có điều kiện sẵn sàng chi trả chi phí điều trị Covid-19 để được điều trị theo yêu cầu cũng như chia sẻ một phần cho ngân sách nhà nước; đồng thời đề nghị được phép thu giá dịch vụ khám và điều trị. Do vậy, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Y tế và Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho phép cơ sở y tế tư nhân điều trị bệnh nhân Covid-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng. Trong trường hợp ngân sách nhà nước đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thì Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi trả cho các bệnh viện tư nhân.
Công an TP.HCM yêu cầu công an địa phương không được tự đặt các yêu cầu đi lại trái quy định chung. Công an TP.HCM ngày 24.8 có văn bản gửi thủ trưởng Công an TP.Thủ Đức, quận huyện về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội. Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM (PC08) được giao làm đầu mối tập hợp, in, được ủy quyền ký giấy đi đường cho toàn bộ các nhóm đối tượng đủ điều kiện được cấp. Giấy đi đường do PC08 và công an cấp huyện được ủy quyền ký có hiệu lực toàn TP. Giấy đi đường do trưởng công an cấp xã được ủy quyền ký có hiệu lực trong phạm vi cấp huyện (nơi công an cấp xã đóng quân). Công an TP.HCM yêu cầu trưởng công an cấp huyện không tự đặt các yêu cầu đi lại trái quy định chung của UBND TP.HCM (như: giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 đối với cán bộ chiến sĩ công an, quân đội..).
Nhân viên y tế ở Bà Rịa - Vũng Tàu nhiễm Covid-19, hơn 700 người dân phải đi lấy mẫu xét nghiệm lại. Ngày 25.8, UBND xã Hòa Long (TP.Bà Rịa, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết hơn 700 người dân tại ấp Tây phải đi lấy mẫu xét nghiệm lại vì 1 nhân viên y tế lấy mẫu nhiễm Covid-19. Theo truy vết, chị T.T.P.T., nhân viên y tế của Trạm y tế P.Long Tâm (TP.Bà Rịa) được huy động đến xã Hòa Long để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Sáng 19.8, chị T. tham gia lấy mẫu cho hơn 700 người dân ấp Tây. Ngày 20.8, chị T. tăng cường theo lịch trực tại 1 khu cách ly y tế tập trung. Sáng 22.8, chị T. được lấy mẫu gộp PCR với 7 người khác thì cho kết quả dương tính Covid-19. Chị T. đã tự thực hiện kiểm tra nhanh cho kết quả dương tính Covid-19. Kết quả xét nghiệm PCR sau đó cũng cho kết quả tương tự.
Đà Nẵng công bố áp dụng thêm 10 ngày “ai ở đâu thì ở đó”. Theo đó, từ 8 giờ ngày 26.8 đến 8 giờ ngày 5.9, toàn TP.Đà Nẵng tiếp tục áp dụng biện pháp thực hiện các hoạt động quy định tại Quyết định 2788. Điểm mới là, TP.Đà Nẵng tuy phong tỏa nhưng bên trong TP sẽ xác định rõ các địa bàn với mức độ nguy cơ dịch bệnh tương ứng để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Cụ thể, những địa bàn có mức độ nguy cơ rất cao (vùng đỏ) là vùng cách ly tuyệt đối ít nhất 14 ngày; phải áp dụng biện pháp theo quy định của Bộ Y tế. Những địa bàn có mức độ nguy cơ và nguy cơ cao (vùng vàng) sẽ áp dụng các biện pháp phong tỏa để giảm mức độ nguy cơ. Những địa bàn có mức độ nguy cơ thấp (vùng xanh) sẽ do Chủ tịch UBND quận, huyện quyết định thiết lập khi 14 ngày liên tục không có ca bệnh nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Bình Phước siết chặt quản lý phương tiện, test nhanh tài xế và người đi cùng xe. Ngày 25.8, UBND tỉnh Bình Phước có văn bản yêu cầu siết chặt việc kiểm soát người và phương tiện vào tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Theo đó, tổ chức test nhanh kháng nguyên cho lái xe và người đi cùng xe vào tỉnh theo 3 nhóm cụ thể. Đối với phương tiện vào các doanh nghiệp trong KCN, khu kinh tế sẽ test nhanh kháng nguyên tại điểm kiểm soát tập trung trước khi vào. Đối với phương tiện vào các doanh nghiệp ngoài KCN, khu kinh tế và xác định được 1 điểm đến cụ thể thì test nhanh Covid-19 tại chốt kiểm soát trước khi vào địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Đối với các trường hợp còn lại test nhanh Covid-19 tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở khu vực cửa ngõ vào tỉnh.