Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30-6, tiền gửi của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng đạt 5,293 triệu tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng có sự tăng trưởng rất thấp.
So với đầu năm, lượng tiền gửi của cá nhân tại hệ thống ngân hàng chỉ tăng khoảng 170.000 tỉ đồng. Ngoại trừ lượng tiền gửi trong tháng 2 là tăng 130.000 tỉ đồng so với tháng 1, còn lại các tháng khác có mức tăng không đáng kể, chỉ dao động từ 13.000 – 18.000 tỉ đồng, thậm chí có tháng hệ thống ngân hàng ghi nhận lượng tiền gửi giảm nhẹ. Điều đó cho thấy người dân đang có xu hướng bớt gửi tiền vào ngân hàng.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại ngân hàng đang có xu hướng chậm lại trong vài năm gần đây, nhất là từ khi dịch COVID-19 ập đến vào đầu năm ngoái.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đang ở mức thấp được cho là một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền rút khỏi nhà băng và chảy sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI, lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng nhẹ bởi thông tư qui định tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ có hiệu lực vào tháng 10 tới đây.
Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã tăng nhẹ khoảng 10 – 25 điểm cơ bản trong tuần qua, ghi nhận ở một số ngân hàng như BIDV, VIB, VPB.
SSI cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới. Sau đợt giảm lãi suất vào giữa tháng 7, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ nay đến cuối năm.
Các gói hỗ trợ bao gồm gói cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.
Bên cạnh VCB và BIDV đã thông báo cắt giảm lãi suất cho vay vào tuần trước, VietinBank triển khai thêm gói tín dụng lãi suất từ 4%/năm, với quy mô 20.000 tỉ đồng, cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Các ngân hàng thương mại tư nhân cũng tham gia giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ khách hàng như MBB, ACB, Sacombank,... với mức giảm từ 0,5 – 1,5 điểm phần trăm.
Ghi nhận về các hoạt động của thị trường mở, bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu tuần từ 23 - 27/8/2021 của SSI cho thấy các hoạt động thị trường mở không phát sinh giao dịch mới trong tuần qua. Trong khi đó, việc thực hiện các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng giai đoạn tháng 1 và tháng 2 đã kết thúc với tổng giá trị thực hiện ước tính khoảng 5,5 tỉ USD, thấp hơn so với lượng đăng ký do có một số hợp đồng bị hủy ngang.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tuần qua giảm 6-11 điểm cơ bản, kết thúc tuần ở mức 0,75%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 0,90%/năm cho kỳ hạn 1 tuần. Như vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm khoảng 15 điểm cơ bản trong tháng 8, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào nhờ nguồn cung VND từ hợp đồng bán ngoại tệ.