Một năm trước, việc kiểm soát dịch thành công khiến Việt Nam "ghi điểm", trở thành một trong những trung tâm đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Trong bối cảnh doanh nghiệp toàn cầu đẩy nhanh đa dạng hoá chuỗi cung ứng, các cuộc thảo luận "dọn tổ đón đại bàng và chim sẻ" diễn ra sôi nổi.
Năm ngoái, Việt Nam cũng lần đầu lọt vào danh sách 20 nền kinh tế nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất với 16 tỷ USD đổ vào. Trong khi FDI toàn cầu giảm ở mức hai chữ số, dòng vốn này tại Việt Nam vẫn duy trì phong độ, gần như đi ngang.
Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát cùng với các biện pháp phong toả kéo dài tại đầu tàu kinh tế TP HCM và các tỉnh lân cận, đang khiến tình thế thay đổi. Một số doanh nghiệp FDI cho biết họ "đang suy nghĩ lại".
Những con số đang cho thấy, việc mất đơn hàng FDI vào tay nước bạn - không còn là nguy cơ, mà là thực tế đang xảy ra.
Khảo sát từ giữa tháng 8 của Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam cho thấy, 20% trong số này đã chuyển một phần đơn hàng ra khỏi Việt Nam, 14% đang ở bước dự định. Bên cạnh đó, 13% đã ngừng hoạt động, 50% hoạt động dưới 50% công suất.
Tương tự, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu cũng cho biết 20% doanh nghiệp đã chuyển một số hoạt động sản xuất tại Việt Nam sang các thị trường khác.
Rắc rối trở nên nghiêm trọng hơn với nhà bán lẻ xuất khẩu hàng may mặc, giày dép. Họ không còn lạ lẫm với tình huống gián đoạn sản xuất vì Covid-19, nhưng nhà máy tại Việt Nam ngừng hoạt động là một sự cố lớn. Guồng máy sản xuất sụt giảm thậm chí ngừng hoạt động, đúng vào mùa bận rộn nhất năm.
Chia sẻ trên CNBC, nhà phân tích Camilo Lyon của công ty dịch vụ tài chính BTIG cho biết, ảnh hưởng của việc ngưng trệ sản xuất trong quý III chưa phải là xấu nhất, vấn đề sẽ còn tồi tệ hơn khi bước sang quý IV và có thể tới nửa đầu năm sau. Có thể phải mất từ 5 đến 6 tháng để nhà máy quay về trạng thái bình thường kể từ lúc mở cửa lại.
Đối với một số doanh nghiệp chưa tìm ra cách thích nghi hiệu quả, việc đưa đơn hàng quay trở lại Trung Quốc là phương án ít tồi tệ nhất để kịp chuẩn bị cho mùa mua sắm.
Với các thương hiệu lớn phụ thuộc vào guồng máy sản xuất tại Việt Nam, họ cũng đang tìm cách xoay xở. Từ giữa tháng 8, Nike và Gap nằm trong nhóm hơn 80 công ty giày và may mặc gửi thư cho Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi tăng tốc tài trợ vaccine cho Việt Nam bởi "sức khỏe của ngành công nghiệp may mặc Mỹ phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe của ngành công nghiệp Việt Nam".
Tin vui là trong mảng sản xuất đồ điện tử, Samsung và LG tới nay vẫn đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tình thế để bù đắp cho phần công suất bị mất tại Đông Nam Bộ. Kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp chắc chắn vẫn phải được tính toán lại.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang bỏ lỡ cơ hội khi không đáp ứng được nhu cầu sản xuất khi nền kinh tế thế giới và cầu tiêu dùng hồi phục.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết, nếu các hạn chế tiếp tục kéo dài trong vài tháng, các công ty toàn cầu sẽ không thể cạnh tranh và buộc phải tìm giải pháp thay thế. Bản đồ hồi phục Covid-19 nhanh chóng được thay đổi, Indonesia cách đây hai tháng rất tiêu cực, nhưng hiện tại, họ vượt trội so với Việt Nam.
Mexico từng chìm trong dịch bệnh - lúc đó một phần đơn hàng được chuyển qua Việt Nam nhờ việc kiểm soát dịch tốt. Nhưng bây giờ dòng vốn lại có sự đảo chiều khi Mexico cải thiện được tình hình. Hay như ở Thái Lan, mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng họ vẫn duy trì hoạt động sản xuất, không có hiện tượng doanh nghiệp phải dịch chuyển đơn hàng.
Cũng theo ông Takeo Nakajima, với các doanh nghiệp Nhật Bản trước Covid-19, rủi ro khi kinh doanh tại Việt Nam là "tăng lương" và "các quy định và biện pháp hành chính không rõ ràng." Giờ đây, "không đủ tiêu chuẩn y tế" và "các biện pháp phòng ngừa quá nghiêm ngặt" là những rủi ro mới cho hoạt động của họ.
Bên cạnh đó, việc đóng cửa kéo dài không chỉ khiến nhiều đơn hàng bị chuyển hướng ra khỏi Việt Nam mà còn làm trì hoãn dòng vốn FDI tiềm năng.
Theo đánh giá của ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực của US-ABC, trong bối cảnh chính sách chống dịch của Việt Nam chưa được thực thi một cách rõ ràng, rủi ro lớn nhất là doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn sẽ chỉ xem Việt Nam như một thị trường bổ sung công suất thay vì là địa bàn chiến lược, ông Thành đánh giá.
Ngày nay, Việt Nam và các nước lân cận đã trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới. Sự gián đoạn sản xuất trong khu vực ASEAN có tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thông điệp của Thủ tướng gần đây về việc "sống chung với Covid-19" là tin vui không chỉ với khối FDI mà rất nhiều doanh nghiệp trông đợi. Theo đại diện của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, thông điệp cần được nhanh chóng biến thành hành động cụ thể. Bên cạnh tiêu chí kiểm soát dịch, Việt Nam cần có biện pháp cụ thể đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn, tạo điều kiện người dân, công nhân người lao động... đảm bảo hàng hoá và những người tham gia vào lưu thông hàng hoá xuyên suốt, không có ngăn sông cấm chợ.
Các hiệp hội các doanh nghiệp FDI cảnh báo, đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi. Ngay cả các kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp hiện có cũng đang bị trì hoãn, do những bất ổn. Các nhà đầu tư tiềm năng mới sẽ không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh. Hành động của nhà hoạch định chính sách càng nhanh, tổn thất càng ít.
Tâm lý của doanh nghiệp cách đây một tháng vẫn còn tích cực, nhưng tới nay, ông Vũ Tú Thành nói rằng, tình thế ngày một xấu đi. "Chúng tôi thấy tình hình y tế đã cải thiện nhưng chính sách nới lỏng và mở cửa chưa có sự chuyển biến. Điều này phát ra thông điệp tiêu cực với các doanh nghiệp", ông nói.
Làn sóng Covid-19 thứ 4 để lại "di chứng" trong ngắn hạn nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ nền tảng vĩ mô vững chắc.
Đợt dịch thứ 4 cùng với các biện pháp chống dịch khắt khe cú sốc với các doanh nghiệp Mỹ mà theo ông Thành sẽ để lại "di chứng". Di chứng này kéo dài bao lâu phụ thuộc vào các chính sách cụ thể của chính phủ được ban hành trong thời gian 1-2 tháng tới. Tư duy "tắt – bật" nền kinh tế từ trước đến nay của Việt Nam là cách tiếp cận thuần tuý về y tế. Nhà hoạch định chính sách cho rằng khi mở theo lộ trình 30%, 50% hay 70% thì doanh nghiệp sẽ hoạt động tương ứng với công suất đó. Nhưng doanh nghiệp không tư duy như vậy.
Đối với các doanh nghiệp FDI đặt hàng quy mô lớn, điều quan trọng nhất là tính ổn định của chuỗi cung ứng. Kể cả khi cho phép mở lại kinh tế nhưng doanh nghiệp sẽ không hoạt động theo công suất như nhà hoạch định chính sách kỳ vọng. Doanh nghiệp sẽ nhìn vào thị trường để thấy mức công suất nào là khả thi và ổn định nhất, tuỳ vào cách tiếp cận chống dịch của thị trường, ông Thành khẳng định.
Ảnh hưởng của đợt dịch lần 4 lên dòng vốn FDI theo ông Vũ Tú Thành là kế hoạch mở rộng hoặc đầu tư mới của nhóm câu lạc bộ tỷ USD trong ngành hàng xuất khẩu điện tử, giày da, may mặc, đồ gỗ... khó đảm bảo như cam kết trước đây. Với các ngành thâm dụng vốn lớn như năng lượng, bức tranh sẽ sáng sủa hơn nếu Chính phủ xử lý được các nút thắt căn bản từ đó lượng FDI có thể tăng mạnh.
Lượng đơn hàng FDI tại Việt Nam sụt giảm nhưng đại diện các hiệp hội cũng nhấn mạnh rằng điều đó không đồng nghĩa với doanh nghiệp rời khỏi Việt Nam.
Trong cuộc họp giữa tháng 9, Chủ tịch Eurocham tại Việt Nam Alain Cany thừa nhận sự dịch chuyển đơn hàng là có nhưng chưa doanh nghiệp châu Âu nào rời đi.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng khẳng định, thông tin doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam "là chưa chính xác". Tình huống ở đây có nghĩa là đơn đặt hàng được chuyển ra khỏi Việt Nam "chứ không hẳn doanh nghiệp đi khỏi đây".
Cũng theo nhận định của Ngân hàng HSBC, đợt bùng dịch biến chủng Delta đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng trụ vững của chuỗi cung ứng Việt Nam, đặc biệt là từ các ông lớn ngành công nghệ. Tuy nhiên, nền tảng vĩ mô vững mạnh của Việt Nam cùng với tỷ lệ tiêm chủng sớm đạt 70% dân số sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19. Nhiều thách thức nhưng theo nhà băng này, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp tục hưởng lợi trong quá trình chuỗi cung ứng trên toàn cần đang thay đổi, sự căng thẳng thương mại Trung - Mỹ, gián đoạn sản xuất ở các khu vực khác.
Quỳnh Trang