Gã khổng lồ công nghệ tài chính Ant Group của Ma không thể làm rung chuyển thị trường tài chính Trung Quốc mạnh hơn Evergrande. Vậy tại sao người sáng lập Alibaba Group Holding Jack Ma lại bị dán nhãn độc quyền thương mại điện tử và chịu sự giám sát chặt chẽ hơn Evergrande ? Trong khi Jack Ma đại diện cho một hiện tượng, chủ tịch Hui đại diện cho những trục trặc bản chất trong mô hình tăng trưởng của Trung Quốc.
Chính sách siết chặt đòn bẩy tín dụng là nguyên nhân gây ra những rắc rối của Evergrande. Và điều đó hiện nay đẩy Trung Quốc đến lựa chọn giải cứu gần như bắt buộc.
Sự sụp đổ Evergrande đủ sức đánh gục nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí hiệu ứng của nó có thể lan sang toàn châu Á. Có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ có sự can thiệp từ chính phủ trung ương.
Tuy nhiên, sự can thiệp này đứng trước thế lưỡng nan gây mâu thuẫn với chính sách "thịnh vượng chung" mà Bắc Kinh đang mạnh tay thực hiện. Và trên thực tế đang thực hiện triệt để với các bigtech. Một nước cờ sai lúc này sẽ đẩy chính phủ Trung Quốc trở thành "những kẻ thất bại vĩ đại" - như Nikkei Asian cảnh báo.
Mấy ngày gần đây, Evergrande Group được báo giới nhắc đến như là "Khoảnh khắc Lehman" của Trung Quốc. Tuy hai trường hợp này khá tương đồng về mặt biểu hiện nhưng lựa chọn chính sách có thể khác nhau.
Tiền lệ khởi đầu cho "Khoảnh khắc Lehman" có từ những năm 1997-1998, khi John Meriwether mở các quỹ đầu cơ Quản lý vốn dài hạn (LTCM) ở Connecticut.
Tháng 8 năm 1998, Nga vỡ nợ gây ra “hệ lụy domino” cho thị trường toàn cầu, đã đẩy các quỹ này rơi vào khốn đốn. Thay vì để Meriwether sụp đổ, (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) FED đưa ra một gói cứu trợ 3,6 tỉ USD để giải nguy.
Cuộc giải cứu này được cho là xuất phát từ mối quan hệ giữa hai ông chủ tịch FED Greenspan và John Meriwether. Greenspan làm chủ tịch thứ 13 của FED và John Meriwether đảm trách việc điều hành các quỹ đầu cơ của Greenspan.
Mười năm sau, Lehman Brothers không nhận thấy mối quan hệ này, nên đã đặt cược rằng FED và Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ giải cứu họ giống như từng làm với John Meriwether. Tất nhiên, họ đã nhầm, Lehman Brothers bị khai tử vào tháng 9 năm 2008.
Tuy nhiên, khác với Lehman, Evergrande vốn có mối quan hệ cánh hẫu với giới chức Trung Quốc và chính quyền địa phương, thông qua các dự án đầu tư lẫn vị trí ủy viên Chính Hiệp của người đứng đầu tập đoàn "chúa chỗm" này. Hơn thế, Evergrande còn đại diện cho tỷ lệ đóng góp gần 29% giá trị vào nền kinh tế Trung Quốc của ngành bất động sản, mà kéo theo sau nó là các định chế ngân hàng.
Bắc Kinh dường như phải giữ cho kịch bản Lehman không xảy ra với Evergrande hoặc chí ít kiểm soát để nó không trở thành sự sụp đổ dây chuyền.
Tăng cường kiểm soát và minh bạch các sổ sách của Evergrande, nắm rõ các khoản nợ phải trả, đồng thời phải nhanh chóng tạo ra cơ chế kiểm soát các lĩnh vực khác có nguy cơ mắc nợ cao là những việc cần làm.
Bắc Kinh quyết định dè dặt cho phép Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bơm hàng tỷ đô la tiền mặt vào hệ thống tài chính của Trung Quốc, ngụ ý về việc can thiệp không chính thức vào vấn đề Evergrande thông qua chính sách tiền tệ.
Mặt khác, chính phủ Trung Quốc có thể xem xét đưa ra một chiến lược xóa bỏ cơ chế tạo ra những đòn bẩy rủi ro kiểu Evergrande như biện pháp của Washington từng làm đối với cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay những năm 1980.
Chìa khóa cho vấn đề này là xây dựng một kế hoạch hợp lí nhất để các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng trung ương và địa phương có thể cùng xử lý các khoản nợ xấu.
Nếu không, mọi thứ có thể trở nên rất khó lường đối với Bắc Kinh. Những gã khổng lồ đầu tư từ BlackRock đến JPMorgan, UBS đến HSBC mặc dù đang ca ngợi quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc nhưng sẽ nhanh chóng bán ròng và tháo chạy bất cứ lúc nào.
Ngọc Đức
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị