Từ ngày 27-9, số người được phép tham gia các hoạt động xã hội và ăn uống tại Singapore sẽ giảm từ 5 xuống còn 2 người - Ảnh: Straits Times
Ngày 24-9 quốc đảo sư tử ghi nhận thêm 1.650 ca nhiễm (trong đó có 1.369 ca cộng đồng), mức tăng theo ngày cao nhất từ đầu dịch. Chính phủ Singapore lo ngại số ca nhiễm mới có thể tăng gấp đôi, lên mức 3.200 ca/ngày trong tuần tới nếu vẫn duy trì xu hướng tăng hiện nay. Tính từ đầu dịch tới nay, Singapore có tổng cộng 84.510 ca nhiễm và 73 ca tử vong.
Gia tăng cấp số nhân, lo cho bệnh viện
Cách đây khoảng 6 tuần, ngày 10-8, Singapore bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, tiến tới sống chung với dịch. Họ cho phép người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 được ăn uống tại chỗ theo nhóm 5 người. Thời điểm đó, số ca nhiễm mới đang ở dưới mức 100 ca/ngày.
Tuy nhiên, trong gần 50 ngày từ 10-8 đến nay, lần đầu tiên Singapore chứng kiến làn sóng lây nhiễm tăng vọt. Theo Bộ Y tế Singapore, số ca nhiễm theo ngày bắt đầu tăng theo cấp số nhân từ cuối tháng 8, gây căng thẳng cho hệ thống y tế của Singapore.
Vì thế họ bắt đầu phải siết chặt lại các biện pháp phòng dịch. Theo quy định mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 27-9, Singapore sẽ chỉ cho người dân tụ tập theo các nhóm 2 người. Khuyến khích mọi người làm việc tại nhà nếu có thể, người trên 60 tuổi được kêu gọi tránh các hoạt động tôn giáo... Quy định mới kéo dài tới 24-10.
Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cho biết quyết định trên là cần thiết. Nó sẽ giúp hệ thống y tế không quá tải vì số ca nhiễm tăng vọt và có thêm thời gian tăng quy mô dịch vụ chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân COVID-19.
"Tôi biết nhiều người dân Singapore và doanh nghiệp sẽ thất vọng trước quyết định này. Nhưng tôi muốn đảm bảo với các bạn là Singapore vẫn cam kết mở cửa trở lại" - ông Gan, một trong các lãnh đạo lực lượng liên bộ điều phối ứng phó dịch COVID-19 của Singapore, khẳng định.
Tạm dừng mở cửa
Đầu tháng 8, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung đã vạch ra "lộ trình chuyển tiếp" gồm 4 giai đoạn tiến tới sống chung với COVID-19. Theo đó, Singapore sẽ coi COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu.
Giai đoạn đầu tiên (hay giai đoạn chuẩn bị) kéo dài một tháng, bắt đầu từ ngày 10-8 tới đầu tháng 9 với những điều chỉnh quan trọng về quy trình chăm sóc sức khỏe và quy định áp dụng cho các hoạt động xã hội.
Đầu tháng 9, khi khoảng 80% dân số đã tiêm vắc xin, Singapore bước vào "giai đoạn chuyển tiếp A". Lúc này, nền kinh tế sẽ mở cửa hơn nữa, thêm nhiều hoạt động xã hội và du lịch được nối lại.
"Nếu tình hình COVID-19 vẫn ổn định ở giai đoạn chuyển tiếp A, Singapore có thể xem xét chuyển sang giai đoạn chuyển tiếp B, mở hơn nữa. Cuối cùng sẽ chuyển sang giai đoạn bình thường mới, trở thành quốc gia có khả năng thích ứng với COVID-19" - Bộ trưởng Ong Ye Kung từng chia sẻ kế hoạch này hồi tháng 8.
Tuy nhiên tình trạng ca nhiễm tăng vọt khiến Singapore không thể mở cửa thêm mà ngược lại, phải siết chặt biện pháp phòng dịch vì tình trạng tăng ca nhiễm được đánh giá là "đáng lo". Theo Bộ trưởng Ong Ye Kung, có 2 yếu tố quan trọng quyết định liệu Singapore đã đến giai đoạn nguy kịch hay chưa: Đó là số ca bệnh nặng và công suất bệnh viện.
Tính đến 24-9, Singapore có 1.092 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị trong bệnh viện, hầu hết đang ổn định. Có 162 ca nặng cần hỗ trợ oxy y tế và 23 ca phải vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).
Dữ liệu: Bộ Y tế Singapore - Tổng hợp: BẢO ANH - Đồ họa: N.KH.
F0 cách ly tại nhà cũng kêu
Singapore đang thực hiện chương trình "Phục hồi tại nhà", cho phép người bệnh COVID-19 được cách ly, điều trị tại nhà nếu đáp ứng các điều kiện như đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19, từ 12 - 69 tuổi... Chương trình này được kỳ vọng giúp hệ thống y tế không bị quá tải, dành nguồn lực bệnh viện cho những người "thật sự cần chăm sóc".
"Chúng tôi tiếp tục kêu gọi những người dưới 70 tuổi đã tiêm đủ vắc xin COVID-19 thực hiện chương trình phục hồi tại nhà, giống như cách các bạn phục hồi khi bị cảm cúm" - Bộ Y tế Singapore kêu gọi.
Tuy nhiên, những ngày qua, một số bệnh nhân COVID-19 được cách ly tại nhà cho biết họ không nhận được hướng dẫn từ cơ quan chức năng Singapore về xét nghiệm, hoặc nên làm gì sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Sau đó, Bộ Y tế Singapore giải thích các hoạt động của họ đang gặp nhiều căng thẳng do ca nhiễm tăng cao. Họ mong người dân "kiên nhẫn và thông cảm", đồng thời cho biết "sẽ liên hệ sớm nhất có thể" với người bệnh.
Không rõ tình hình COVID-19 phức tạp hiện nay sẽ tác động thế nào tới lộ trình sống chung với COVID-19 của Singapore. Cách ứng phó của họ và hiệu quả thực tế cuối cùng sẽ là vấn đề được nhiều nước quan tâm theo dõi.
F0 điều trị tại nhà, Việt Nam khác gì Sinpapore?
Từ ngày 18-9, Singapore cho cách ly, điều trị tại nhà với F0 đáp ứng các tiêu chí sau: đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, từ 12 - 69 tuổi; không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ; không có bệnh nền hoặc các bệnh đi kèm nghiêm trọng; không có thành viên nào trong gia đình trên 80 tuổi hoặc thuộc các nhóm dễ bị tổn thương (như đang mang thai/có hệ miễn dịch bị suy yếu/có nhiều bệnh nền).
Như vậy, có thể thấy điểm khác biệt chính giữa Singapore so với Việt Nam trong tiêu chí để F0 được quản lý tại nhà chính là: F0 ở Singapore bắt buộc phải là người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin còn ở Việt Nam có thể là 1 mũi. Ngoài ra có sự khác biệt về độ tuổi áp dụng, Việt Nam là từ 1 - 50 tuổi. Bộ Y tế Việt Nam ban hành hướng dẫn tạm thời về quản lý người mắc COVID-19 tại nhà từ ngày 21-8.
Quá trình từ lúc bắt đầu cách ly, điều trị tại nhà cho đến lúc kết thúc cũng có một số khác biệt. Tại Việt Nam, F0 được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly.
Tại Singapore, F0 được cách ly 10 ngày (có thể giảm bớt 3 ngày nếu đủ điều kiện) và có thể được gắn thiết bị giám sát điện tử.
Nếu kết quả đáp ứng các tiêu chuẩn (như âm tính hoặc tải lượng virus thấp), F0 có thể kết thúc cách ly vào ngày thứ 7. Nếu không, việc cách ly sẽ kết thúc vào ngày thứ 10 mà không cần xét nghiệm thêm, miễn là họ khỏe mạnh. Sau đó, F0 không còn bị bất cứ hạn chế đi lại nào. Tuy nhiên, họ vẫn cần giảm thiểu các hoạt động tương tác xã hội trong 7 ngày tiếp theo.
BÌNH AN
TTO - Tối 24-9, Bộ Y tế Singapore công bố thêm 1.650 ca nhiễm mới trong 24 giờ, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ đầu dịch, trong lúc chính phủ siết lại các quy định phòng dịch COVID-19 nhằm làm chậm tốc độ gia tăng ca nhiễm.
Xem thêm: mth.27873658062901202-ua-ol-gnas-gnov-yh-ut-yagn-05-eropagnis-tov-gnat-meihn-ac-os/nv.ertiout