Dù thành phố Đà Nẵng cho phép người dân được ra khỏi địa bàn nhưng không nhiều người được các địa phương cấp giấy tiếp nhận - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Theo quy định mới của Đà Nẵng, người dân có nhu cầu rời khỏi địa bàn thì tự chủ động tìm hiểu các biện pháp chống dịch của địa phương nơi đến. Trường hợp cần giấy xác nhận đang cư trú tại địa bàn không bị phong tỏa, cách ly y tế thì liên hệ xã, phường để được xác nhận.
Về không được, ở không xong
Ngày 25-9, anh Lê Minh Quân rời chốt kiểm soát ở Đà Nẵng để về quê ở huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) thì bị chốt kiểm soát của Quảng Nam ở cách đó khoảng 1km không cho qua, dù anh có giấy xét nghiệm và giấy xác nhận ở khu vực "phường xanh" của Đà Nẵng. Cán bộ chốt kiểm soát của tỉnh Quảng Nam buộc anh quay lại Đà Nẵng với lý do không được sự đồng ý tiếp nhận của phía Quảng Nam.
"Tôi thấy quy định hiện hành là người dân từ Đà Nẵng về thì Quảng Nam cách ly và tôi chấp nhận bị cách ly. Nhưng chốt Quảng Nam không cho vào. Họ bảo tôi điện về xã, huyện xin giấy xác nhận tiếp nhận. Tôi điện cho cả chủ tịch xã lẫn phó chủ tịch huyện Thăng Bình thì các anh đều nói tỉnh chưa có hướng dẫn xác nhận này" - anh Quân nói.
Anh Phạm Vũ Công Hùng (quê xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) bị giữ lại tại chốt đã nhờ người thân liên hệ xã Tiên Mỹ để xin giấy tiếp nhận công dân thì xã này đồng ý. Sau khi người thân gửi bản chụp giấy xác nhận của xã Tiên Mỹ thì anh Hùng được qua chốt đi vào tỉnh Quảng Nam.
Trong buổi sáng 25-9 đã có nhiều trường hợp người dân gặp cảnh "đi không được, ở không xong" khi bị chốt Quảng Nam từ chối cho vào. Một cán bộ công an ở chốt kiểm soát cửa ô Hòa Phước cho biết sau khi cho người dân rời Đà Nẵng về quê thì nhiều người quay trở lại vì phía Quảng Nam không cho qua.
"Khi họ từ Quảng Nam quay đầu về lại TP thì chúng tôi buộc phải áp dụng biện pháp chống dịch như người ngoại tỉnh vào Đà Nẵng để phòng tránh nguy cơ" - cán bộ này nói.
Ông Nguyễn Văn Văn - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam - cho biết tỉnh có quy định người từ các khu vực có dịch COVID-19 đã tiêm 2 mũi vắc xin thì phải cách ly tập trung 7 ngày, sau đó cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày, thay vì cách ly tập trung 14 ngày như trước đây. Riêng người chưa tiêm vắc xin hoặc mới tiêm 1 mũi thì vẫn phải cách ly tập trung 14 ngày.
Về việc những người dân về từ Đà Nẵng, ông Văn cho biết hiện tỉnh đã chỉ đạo sở nghiên cứu quy định mới sao cho phù hợp với thực tế, tình hình dịch.
"Hiện nay chúng tôi đang tham mưu cho UBND tỉnh về quy định cách ly y tế, kể cả những người tiêm đủ hay chưa đủ mũi vắc xin, vùng xanh, vùng vàng, vùng đỏ như thế nào" - ông Văn nói. Trường hợp người từ Đà Nẵng đi ngang qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, ông Văn cho hay có thể đi bình thường theo đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, còn nếu theo quốc lộ 1 qua các chốt kiểm soát thì phải khai báo, cam kết đi thẳng không dừng đỗ.
Vào Huế phải có lý do chính đáng
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết mọi công dân có nhu cầu đều có thể về với điều kiện phải đăng ký trên hệ thống Hue-S và được địa phương phê duyệt. Theo ông Bình, tỉnh vẫn hạn chế những người về từ vùng có dịch COVID-19.
Tuy nhiên, nếu người về chứng minh được lý do chính đáng như mang thai, đau ốm, lo tang ma... khi đăng ký trên phần mềm Hue-S thì tỉnh vẫn duyệt cho vào địa bàn.
"Chúng tôi đã phê duyệt cho vào Huế nhiều trường hợp từ công vụ cho đến người bình thường có lý do chính đáng. Việc phê duyệt được vào hay không gần như rất nhanh, miễn là có lý do chính đáng và tuân thủ các quy định", ông Bình nói.
Hiện nay Thừa Thiên Huế yêu cầu người về từ vùng dịch nếu chưa tiêm vắc xin hoặc mới tiêm 1 mũi phải cách ly tập trung 14 ngày, nếu đã tiêm 2 mũi vắc xin thì cách ly tập trung 7 ngày và sau đó tự cách ly tại nhà thêm 7 ngày nữa. Theo ông Bình, tỉ lệ người dân được tiêm chủng ở Thừa Thiên Huế còn thấp nên nguy cơ bùng phát dịch còn cao.
"Do vậy, biện pháp cách ly tập trung 7 ngày, sau đó tiếp tục giám sát y tế ở nhà 7 ngày là hợp lý trong thời điểm này. Cũng giống như các công dân từ nước ngoài trở về đã tiêm 2 mũi nhưng vẫn phải cách ly tập trung 7 ngày" - ông Bình giải thích.
Cũng theo ông Bình, người dân muốn đi ngang tỉnh Thừa Thiên Huế để đến địa phương khác cũng cần phải đăng ký trên hệ thống phần mềm Hue-S hoặc khai báo tại chốt kiểm soát y tế trên quốc lộ và phải cam kết không dừng lại trên đường, không tiếp xúc với ai dọc đường. Người đi từ TP Đà Nẵng về Quảng Trị bằng xe máy sẽ có xe trung chuyển chở người và xe đi từ hầm Hải Vân (huyện Phú Lộc) đến chốt kiểm soát y tế phía bắc của tỉnh (huyện Phong Điền).
TTO - Trưa 25-9, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch cho phép cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên và người hỗ trợ (đi cùng) không ở trong vùng dịch được trở về thành phố.
Xem thêm: mth.23621257062901202-nahn-gnohk-man-gnauq-ahn-euq-ev-ohc-gnan-ad/nv.ertiout