vĐồng tin tức tài chính 365

Giám đốc Tài chính Huawei được trả tự do - sóng gió giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục

2021-09-27 03:01

Thỏa thuận bất ngờ

Ngày 24/9, Giám đốc tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu đã được trả tự do tại phiên tòa ở thành phố Vancouver của Canada, chỉ vài giờ sau khi các công tố viên Mỹ tại New York bất ngờ công bố một thỏa thuận đình chỉ các cáo buộc gian lận đối với bà.

Theo thỏa thuận, bà Mạnh Vãn Chu đã đồng ý với một tuyên bố về các tình tiết trong vụ án để đổi lấy việc các công tố viên Mỹ đình chỉ các cáo buộc có nguy cơ dẫn đến án tù 30 năm dành cho bà. Phó công tố viên liên bang Mỹ David Kessler cho biết thỏa thuận giữa hai bên sẽ chấm dứt vào tháng 12/2022. Nếu cho tới thời điểm ấy bà Mạnh không có thêm hành vi phạm pháp, các cáo trạng sẽ được hủy bỏ.

Giám đốc Tài chính Huawei được trả tự do - sóng gió giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục - Ảnh 1.

Bà Mạnh Vãn Chu rời khỏi nhà tại Vancouver hôm 24/9 (Nguồn: SCMP)

Tại phiên điều trần vừa diễn ra, bà Mạnh một lần nữa phủ nhận cáo buộc của Mỹ, nhưng thừa nhận rằng đã từng cung cấp những thông tin sai lệch với một ngân hàng hồi năm 2013 về mối quan hệ giữa Huawei và một công ty tại Iran, từ đó khiến ngân hàng cung cấp các dịch vụ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia Trung Đông này. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Bộ Tư pháp Mỹ từng cố thúc đẩy việc dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ để xét xử, một động thái đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Bắc Kinh, với lý do vụ việc hoàn toàn mang động cơ chính trị.

Quyền công tố viên Mỹ tại Brooklyn, Nicole Boeckmann cho biết, "Sự thừa nhận của bà Mạnh đã xác nhận điểm mấu chốt trong các cáo buộc của chính phủ trong vụ truy tố liên quan đến gian lận tài chính này. Đó là bà Mạnh và các nhân viên Huawei đã tham gia vào một nỗ lực phối hợp để đánh lừa các tổ chức tài chính toàn cầu, chính phủ Mỹ và cả công chúng về các hoạt động của Huawei ở Iran."

Trong khi bà Mạnh Vãn Chu lên đường trở về Trung Quốc sau gần 3 năm bị giam giữ, ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng có động thái hạ nhiệt căng thẳng khi trả tự do cho Michael Kovrig và Michael Spavor, hai công dân Canada bị Bắc Kinh bắt giữ chỉ vài ngày sau khi giám đốc Huawei bị giam lỏng.

Giám đốc Tài chính Huawei được trả tự do - sóng gió giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục - Ảnh 2.

Hai công dân Canada Michael Spavor và Michael Kovrig cũng đã được giới chức Trung Quốc trả tự do (Nguồn: SCMP)

Động thái hạ nhiệt căng thẳng

Việc bà Mạnh Vãn Chu được trả tự do diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, đặc biệt là sau khi Mỹ, Anh và Australia công bố sáng kiến an ninh mới, nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Do đó, theo Thời báo Hoàn cầu, thỏa thuận này sẽ có thể đóng vai trò một bước ngoặt lớn, giúp mở đường cho sự tương tác tích cực hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai gần.

"Tôi hy vọng điều này sẽ mở đường cho việc giải quyết một loạt các vấn đề quan trọng khác đã gây ra khó khăn cho quan hệ Mỹ - Trung Quốc" - luật sư người Mỹ Jerome A.Cohen, người từng tham gia một số vụ kiện pháp lý cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc nhận định.

Giám đốc Tài chính Huawei được trả tự do - sóng gió giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục - Ảnh 3.

Việc trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu nằm trong danh sách các vấn đề “giới hạn đỏ” mà Bắc Kinh đưa ra với Washington hồi tháng 7/2021 (Nguồn: Xinhua)

Ông Ethan Paul - một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quincy về nghệ thuật quản lý nhà nước có trách nhiệm - một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington, lưu ý rằng, thỏa thuận về việc trả tự do cho bà Mạnh là động thái đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Biden thực hiện trong danh sách gồm một loạt vấn đề thuộc diện "giới hạn đỏ" mà Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong trao cho người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman hồi tháng 7 vừa qua. Theo ông Paul, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng danh sách này đại diện cho quan điểm đàm phán cốt lõi của Bắc Kinh.

Một số chuyên gia Trung Quốc tin tưởng, đây là dấu hiệu cho thấy, Mỹ sẽ dần cải thiện quan hệ với Trung Quốc dựa trên danh sách các điểm mấu chốt này, bao gồm các vấn đề như hủy bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quan chức, cơ quan chính phủ Trung Quốc hay dỡ bỏ hạn chế về thị thực đối với sinh viên nước này.

Chuyên gia Gao Lingyun tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc có trụ sở ở Bắc Kinh nhận định, sự điều chỉnh chính sách của Mỹ là điều hiển nhiên, bởi lẽ nhiều vấn đề quan trọng trên thế giới như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay đại dịch COVID-19 đều cần tới sự hợp tác Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ tình trạng căng thẳng với Trung Quốc như lạm phát và nợ công tăng cao. Điều này càng thúc đẩy giới chức Washington sớm tìm cách hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh.

Giám đốc Tài chính Huawei được trả tự do - sóng gió giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục - Ảnh 4.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết sẽ tìm cách cải thiện quan hệ kinh doanh với Trung Quốc (Nguồn: WSJ)

Trước đó, Wall Street Journal cho biết, hôm 24/9, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết sẽ tìm cách cải thiện quan hệ kinh doanh với Trung Quốc. Bà đang có kế hoạch dẫn đầu phái đoàn bao gồm nhiều giám đốc điều hành các doanh nghiệp Mỹ ra nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và thảo luận về các vấn đề thương mại hiện nay.

Sóng gió vẫn chưa kết thúc

Dẫu vậy nhiều chuyên gia khác lại nhận định, thỏa thuận bất ngờ này không có vẻ gì là sẽ làm giảm tình trạng căng thẳng trong quan hệ song phương.

Từ phía Mỹ, những nghi ngờ đối với Huawei vẫn không hề biến mất. Các công tố viên Mỹ cho biết, trong khi việc truy tố bà Mạnh được hoãn lại, vụ kiện nhằm vào chính công ty công nghệ viễn thông Trung Quốc với cáo buộc gian lận vẫn sẽ được triển khai. Giới chức Mỹ cũng tin tưởng rằng, chiến lược cứng rắn mà họ từng áp dụng trong vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu sẽ tiếp tục có hiệu quả.

Giám đốc Tài chính Huawei được trả tự do - sóng gió giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục - Ảnh 5.

Giới chức Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực pháp lý nhằm kiềm chế Huawei (Nguồng: Global Times)

Ông Robert Daly - Giám đốc Viện Kissinger tại Trung tâm Wilson về Trung Quốc và Mỹ cho biết: "Việc trả tự do cho bà Mạnh sẽ không giúp hạ nhiệt quan hệ Mỹ - Trung Quốc; tình hình thậm chí còn có thể căng thẳng hơn, khi Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã chiến thắng trong một vụ truy tố oan sai". Cũng theo ông Daly, "cả Trung Quốc và Mỹ dường như đều không muốn nhượng bộ trong khi xử lý vụ việc này."

Tương tự, ông Adam Segal - một chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cũng nghi ngờ rằng thỏa thuận thả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu sẽ báo hiệu cho bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ Mỹ - Trung. Ông cho biết "vụ việc sẽ không tạo ra sự thay đổi đáng kể. Chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục trừng phạt Huawei và Trung Quốc cũng sẽ cảm thấy mình đang bị bắt nạt."

Ở chiều ngược lại, truyền thông Trung Quốc cũng coi việc bà Mạnh Vãn Chu được trả tự do là một chiến thắng về mặt ngoại giao, trong khi việc phóng thích hai công dân Canada là một hành động thiện chí từ Bắc Kinh. Trả lời phỏng vấn Thời báo Hoàn Cầu, Giáo sư Li Haidong tại Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế, Đại học Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: "Sự trở về của bà Mạnh Vãn Chu một lần nữa cho thấy, quan điểm kiên định của Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của công dân trong chính sách ngoại giao với Mỹ và các nước khác nói chung".

Giám đốc Tài chính Huawei được trả tự do - sóng gió giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục - Ảnh 6.

Người dân Trung Quốc chào đón bà Mạnh Vãn Chu quay trở về nước sau 3 năm bị giam lỏng tại Canada (Nguồn: Global Times)

Với quan điểm cứng rắn như vậy, các quan chức Trung Quốc đã liên tục bác bỏ các tuyên bố của Mỹ về việc bà Mạnh Vãn Chu thừa nhận đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, mà chỉ cho rằng, vụ việc bắt nguồn từ động cơ chính trị. Theo Bắc Kinh, vụ việc là một phần trong các nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn sự vươn lên mạnh mẽ của Huawei trên thị trường viễn thông toàn cầu. Trong một tuyên bố mới nhất sau khi bà Mạnh Vãn Chu trở về Trung Quốc, Huawei cũng khẳng định sẽ tự bảo vệ mình trước những cáo buộc từ phía tòa án Mỹ.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, mặc dù sự tiến triển mang tính bước ngoặt của vụ việc đã tạo ra bầu không khí tích cực hơn để cải thiện quan hệ Mỹ - Trung, song những thách thức từ sự đối đầu sẽ không dễ để giải quyết. Mỹ sẽ không từ bỏ kế hoạch ngăn chặn sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc. Giáo sư Li Haidong nhìn nhận: "Sẽ khó có thể nhìn thấy những sự thay đổi cơ bản trong quan hệ song phương trong vài năm tới, trừ khi phía Mỹ có những động thái mạnh mẽ và tích cực hơn trong việc cải thiện quan hệ".

Chính quyền Tổng thống Biden đối mặt với áp lực nội bộ

Thậm chí ngay cả khi việc trả tự do cho bà Mạnh có thể dẫn đến mối quan hệ hợp tác hơn giữa Washington và Bắc Kinh, Tổng thống Biden được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều chỉ trích về việc nhượng bộ Trung Quốc. Những tuyên bố như vậy đã xuất hiện ngay sau khi thông tin về thỏa thuận được công bố, khi các đảng viên Cộng hòa cáo buộc chính quyền Tổng thống Biden quá nhẹ tay so với người tiền nhiệm Donald Trump trong việc kiềm chế Huawei.

"Bà Mạnh Vãn Chu đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng chính quyền Tổng thống Biden đã chọn cách xoa dịu Trung Quốc thay vì thực thi luật pháp" - Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Arkansas Tom Cotton tuyên bố. 

"Sự nhượng bộ này chỉ khuyến khích Bắc Kinh tiếp tục thực hiện các chính sách của mình trong tương lai".

Giám đốc Tài chính Huawei được trả tự do - sóng gió giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục - Ảnh 7.

Thượng nghị sĩ bang Arkansas Tom Cotton lên tiếng chỉ trích chính phủ Mỹ sau thỏa thuận thả bà Mạnh Vãn Chu (Nguồn: New York Times)

Ông Michael Pillsbury - một học giả tại Viện Hudson và từng là cố vấn hàng đầu về Trung Quốc của cựu Tổng thống Donald Trump lo ngại, thỏa thuận sẽ "gửi một thông điệp sai lệch tới các doanh nghiệp Trung Quốc rằng, họ có thể thoải mái tiến hành giao dịch với các quốc gia đang bị Mỹ trừng phạt như Iran hay CHDCND Triều Tiên".

Giám đốc Tài chính Huawei được trả tự do - sóng gió giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục - Ảnh 8.

Chính giới Mỹ lo ngại, vụ việc sẽ khiến Bắc Kinh và Huawei thêm quyết tâm trong cuộc đối đầu với Washington (Nguồn: Financial Times)

Một số chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ, vốn ủng hộ chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc cũng coi thỏa thuận này là một bước lùi của Washington và có thể bị Bắc Kinh tận dụng triệt để. Ông Matt Turpin - cựu Giám đốc phụ trách Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump nhận định: "Điều này sẽ khiến Bắc Kinh tin rằng, chiến lược của họ là có hiệu quả và Washington sẽ chấp nhận lùi bước khi phải đối mặt với áp lực".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.49650213162901202-cut-peit-nav-couq-gnurt-av-ym-auig-oig-gnos-od-ut-art-coud-iewauh-hnihc-iat-cod-maig/ioig-eht/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Giám đốc Tài chính Huawei được trả tự do - sóng gió giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools