Khi Washington ngày một tiến gần tới thời điểm phải tạm dừng mọi hoạt động của chính phủ, nhiều khả năng sẽ xảy ra vào 0h ngày 1/10, vấn đề trần nợ công của Mỹ lại trở nên nóng hơn bao giờ hết vì có thể sẽ gây ra nhiều tâm lý lo lắng hơn trên các thị trường tài chính.
Ngày 30/9 sẽ chính thức khép lại năm tài khóa của chính phủ liên bang Mỹ, và đó cũng là thời điểm quốc hội cần thông qua một giải pháp tài chính mới để duy trì hoạt động của các cơ quan chính phủ.
Trần nợ công, mức nợ tối đa mà các nhà lập pháp cho phép Bộ Tài chính Mỹ có thể đi vay, sẽ phải được bãi bỏ hoặc nâng lên trước ngày 18/10, theo Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, nếu không, chính phủ Mỹ sẽ chính thức “vỡ nợ”.
Không ai biết chính xác khi nào Bộ Tài chính sẽ cạn kiệt nguồn tiền để có thể thanh toán chi phí hoạt động của chính phủ, kể cả các khoản thanh toán trái phiếu. Các khoản cho vay đối với chính phủ Mỹ luôn được coi là những khoản nợ an toàn nhất và có thanh khoản cao nhất trên thế giới, và tất cả sản phẩm thị trường tài chính và quy trình đều gắn liền với mục tiêu vận hành có hiệu quả khoản nợ công hàng chục nghìn tỷ USD đó.
Hiện tại, sau vài năm với không ít xáo trộn, những sự kiện tưởng chừng như không thể lại trở thành hiện thực, một số chuyên gia chính trị cũng như kinh tế đã chuẩn bị tâm lý cho viễn cảnh tồi tệ nhất.
“Tôi thấy rất ít khả năng chính phủ sẽ vỡ nợ, nhưng điều đó không phải là không thể xảy ra”, theo Ben Koltun, giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Beacon Policy Advisors. “Nếu như điều đó trở thành hiện thực, một cuộc khủng hoảng chính trị sẽ nhanh chóng biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế. Niềm tin đối với Mỹ sẽ không còn được trọn vẹn như trước nữa”.
Thế bế tắc trong quốc hội hiện tại xoay quanh gói chi tiêu trị giá hơn 3.500 tỷ USD.
Bên ngoài Bộ Tài chính Mỹ. Ảnh: iStock.
Mỹ sẽ hết tiền?
Trong báo cáo nghiên cứu hôm 22/9, Joseph Abate, chuyên gia phân tích tại Barclays, cho biết có không ít lo ngại xung quanh vấn đề trần nợ công ở thời điểm hiện tại vì nó xảy ra đồng thời với thời điểm quốc hội cần thông qua một gói hỗ trợ tài chính khác. Hơn thế nữa, những thay đổi gây ra bởi đại dịch khiến cho việc đánh giá nguồn thu, chi của Bộ Tài chính Mỹ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trong khi phần lớn các chuyên gia phân tích đã dự báo về một thời điểm giữa tháng 10, khi Bộ Tài chính không còn tiền để chi trả các hoạt động của chính phủ, bà Yellen khẳng định với các lãnh đạo quốc hội rằng đó chính là ngày 18/10.
“Tại thời điểm đó, chúng tôi dự báo Bộ Tài chính sẽ còn lại rất ít nguồn lực, và những nguồn lực đó cũng sẽ cạn kiệt nhanh chóng”, bà viết.
Koltun, cùng với nhiều chuyên gia khác, cho rằng các thị trường sẽ bắt đầu cảm thấy “hoảng loạn” thậm chí còn sớm hơn thời điểm nêu trên.
Viễn cảnh chính phủ Mỹ vỡ nợ vẫn hiện hữu và đã xuất hiện những phản ứng đến từ các thị trường tài chính. Tình hình hiện tại tại Washington đã dấy lên những dấu hỏi lớn về cơ sở hạ tầng hệ thống tài chính. Giống như sự kiện sự cố máy tính xảy ra vào năm 2000, không ai biết trước hệ thống máy tính sẽ cho ra kết quả ra sao.
"Chúng tôi không tin và chắc chắn thị trường cũng không tin vào khả năng vỡ nợ của chính phủ Mỹ”, theo Rob Toomey, giám đốc điều hành Hiệp hội Thị trường tài chính và Công nghiệp chứng khoán (SIFMA). “Nhưng nếu trở thành sự thật, đó là viễn cảnh tồi tệ đối với hệ thống tài chính nói chung, quy trình vận hành và quá trình thanh toán nói riêng”.
SIFMA là cơ quan phụ trách cơ chế cổ phiếu và trái phiếu chính phủ được giao dịch và thanh toán. Cơ quan này đã làm việc với các đơn vị cung cấp hạ tầng cơ sở tài chính bao gồm Fedwire và FICC nhằm đi đến một vài giải pháp. Hiện tại, có hai viễn cảnh có khả năng xảy ra.
Nếu như Bộ Tài chính biết họ mất khả năng thanh toán, họ sẽ đưa ra thông báo trước ít nhất 1 ngày. Điều đó cho phép ngày đáo hạn của trái phiếu có thể thay đổi. Trái phiếu đáo hạn vào thứ 2 có thể thay đổi sang đáo hạn vào thứ 3, trái phiếu đáo hạn vào thứ 3 có thể chuyển sang thứ 4...”. Sự điều chỉnh đó có thể sẽ diễn ra ngày này qua ngày khác.
Dù nghe tương đối liền lạc, điều đó vẫn khiến cho nhiều người băn khoăn. Lý do là sẽ khiến cho thị trường trái phiếu bị phân tách thành hai phần: những trái phiếu được thanh toán như bình thường và những trái phiếu mà ngày đáo hạn bị thay đổi, SIFMA chia sẻ với MarketWatch. Điều đó có nghĩa sẽ xuất hiện rất nhiều sự bất ổn xung quanh khả năng định giá trái và cổ phiếu.
Trong viễn cảnh thứ hai, theo SIFMA là tương đối ít khả năng xảy ra, Bộ Tài chính Mỹ không thể hoặc không đưa ra bất cứ cảnh báo nào về việc mất khả năng thanh toán. Lúc đó, sự hỗn loạn sẽ nhiều hơn, và đó thực sự là một viễn cảnh “tồi tệ”.
Nếu viễn cảnh đó xảy ra, vào ngày trước khi trái phiếu đáo hạn, chúng ta sẽ biết được ai sẽ là người được chi trả khoản thanh toán đó. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ có thể sẽ trả thêm cho những người nắm giữ trái phiếu một khoản để họ không phải chịu bất cứ thiệt hại nào.
Nhiều chuyên gia phân tích, bao gồm cả nhà kinh tế học trưởng Mark Zandi của Moody’s, đều cho rằng sự hoảng loạn trên thị trường tài chính, như tại thời điểm năm 2008, khi quốc hội ban đầu không kịp thời thông qua Chương trình giải cứu tài sản- một nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính, sẽ ngăn chặn những viễn cảnh mà SIFMA vạch ra trước khi chúng xả ra.
Trò chơi "Ai là gà" này, theo lời của Koltun, đã ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Hai lần gần nhất quốc hội chậm thông qua trần nợ công, vào năm 2011 và 2013, các chuyên gia phân tích của Moody’s thấy rằng “sự bất ổn tại thời điểm đó đã kéo giảm nguồn vốn đầu tư kinh doanh cũng như số lượng việc làm mới, ảnh hưởng nặng nề đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nếu như không có giai đoạn bất ổn đó, GDP thực tế tính đến giữa năm 2015 đã có thể sẽ cao hơn khoảng 180 tỷ USD, tương đương 1% và 1,2 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra. Tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ thấp hơn 0.7% so với thực tế”.
Sự bất ổn lan rộng trên thị trường trái phiếu chính phủ vào năm 2013 đã khiến cho người nộp thuế trên khắp Mỹ thiệt hại từ 40 triệu USD đến 70 triệu USD, Barclays cho biết.
Xem thêm: nhc.61292004103901202-on-ov-ym-uen-ar-yax-ig-neyuhc/nv.fefac