Ngày 31/8, Chương trình giao lưu, trao đổi với chủ đề “Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào” đã diễn ra nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước không ngừng phát triển theo chiều hướng tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
9 ngành, 3 khu vực khuyến khích đầu tư tại Lào
Giới thiệu về môi trường đầu tư ở Lào và cơ hội cho các doanh nghiệp tại sự kiện, bà Sonechan Phoutthavong, Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam nhấn mạnh: Chính phủ Lào có chính sách xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước dựa theo Luật Xúc tiến Đầu tư năm 2016 và văn bản luật liên quan khác của Lào trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Các chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại Lào.
Mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Lào - Việt Nam là hợp tác đặc biệt và có truyền thống từ lâu đời, kể từ lãnh đạo cấp cao nhà nước đến các cấp bộ, ngành.
Hai bên ký Hiệp định Thương mại song phương và Thương mại biên giới từ năm 2015. Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics quá cảnh với Việt Nam.
Hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực kinh tế, sản xuất và thương mại biên giới Lào - Việt Nam; cùng nhau nghiên cứu, sửa đổi hiệp định đã có, đặc biệt là Hiệp định thương mại song phương Lào - Việt Nam, Hiệp định thương mại biên giới Lào - Việt Nam và quyết định Hà Nội năm 2007 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa cho phù hợp với thực tế; tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường lẫn nhau.
Bà Sonechan Phoutthavong nhấn mạnh về 9 ngành khuyến khích ưu tiên đầu tư tại Lào hiện nay.
Cụ thể là khuyến khích thành lập trung tâm nghiên cứu khoa học sử dụng công nghệ cao và hiện đại; sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi; ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp du lịch thiên nhiên, văn hóa và lịch sử; ngành giáo dục và nâng cao tay nghề; ngành y tế, xây dựng bệnh viện hiện đại, nhà máy sản xuất thuốc và tiết bị y tế.
Cùng với đó là khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ vận chuyển hàng hóa và kết nối các nước; khuyến khích ngân hàng chính sách và viện tài chính vi mô giải quyết vấn đề giảm nghèo cho dân và cộng đồng chưa từng tiếp cận ngân hàng; phát triển trung tâm siêu thị hiện đại.
Chính phủ Lào cũng khuyến khích đầu tư theo 3 khu vực: Khu vực khó khăn, xa xôi hẻo lánh, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được điều kiện thuận lợi đầu tư; Khu vực có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuận lợi để đầu tư; đặc khu kinh tế.
“Nếu doanh nghiệp đầu tư vào 9 ngành khuyến khích và nằm trong khu vực khó khăn, xa xôi hẻo lánh, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi miễn thuế lợi nhuận và miễn phí thuê hoặc phí chuyển nhượng đất trong vòng 10 năm”, bà Sonechan Phoutthavong cho biết.
Ngoài ra nhà đầu tư vào Lào còn được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng 0% trong việc nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ việc sản xuất mà Lào không sản xuất được để tạo nên tài sản cố định và phương tiện phục vụ trực tiếp trong việc sản xuất.
“Để tận dụng cơ hội, tiềm năng và vị trí địa lý quan trọng này, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư của Lào. Thay mặt Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, tôi muốn kêu gọi các doanh nghiệp và nhà đầu tư của Việt Nam quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Lào”, bà Sonechan Phoutthavong nói.
Cần giải quyết tốt vấn đề nguồn lao động
Chia sẻ tại chương trình, ông Đỗ Quang Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng trong thời gian vừa qua, quan hệ kinh tế thương mại đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Lào liên tục phát triển. Chính phủ và bộ ngành hai nước đã xây dựng, áp dụng khuôn khổ ưu đãi về thương mại và đầu tư cho quan hệ Việt Nam - Lào.
“Về cơ bản, doanh nghiệp hai bên tận dụng tốt các khuôn khổ ưu đãi của các hiệp định. Bằng chứng là trong 7-8 năm vừa qua kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng tích cực và đều cao hơn 10% mỗi năm. Vào năm 2021, con số này thậm chí còn trên 33%. Lào là thị trường trường đầu tư nước ngoài số một của Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên tới 5,2 tỷ USD. Doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung tận dụng tốt thỏa thuận thương mại đầu tư.
Tuy nhiên về một khu vực cụ thể, các doanh nghiệp Việt lại chưa tận dụng hết các ưu đãi. Cụ thể như Hiệp định Thương mại Biên giới Việt - Lào có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư tại các tỉnh biên giới Lào - Việt. Các ưu đãi này có thể bao gồm việc đưa hàng hóa về Việt Nam được miễn thuế VAT, miễn nhiều hạn chế và miễn kiểm dịch. Đây là những ưu đãi cực kỳ đặc biệt và chưa từng có.
Tuy nhiên trong 7 năm qua, số doanh nghiệp Việt Nam áp dụng được ưu đãi này chưa nhiều”, ông Hưng đánh giá.
Lý giải về vấn đề này, ông Đỗ Quang Hưng cho rằng một phần do doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm vững thông tin về các ưu đãi này. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tại các tỉnh có biên giới với Lào gặp khó khăn. Trong đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể quan tâm tới các thị trường khác, gồm các thị trường phát triển hơn.
Thêm vào đó, Lào cũng gặp khó khăn về mặt lao động, ví dụ như mặt kỹ năng cần phải có nhiều sự cải thiện. Ngoài ra, Lào cũng có quy định về tỷ lệ lao động nước ngoài trong doanh nghiệp nước ngoài chỉ được 10%, từ đó dẫn tới hạn chế lao động nước ngoài.
Do đó, ông Hưng đề nghị Chính phủ Lào vì vậy nên có cải thiện về mặt này, đồng thời tăng cường thông tin và tháo gỡ để doanh nghiệp Việt Nam có thể triển khai các hoạt động của mình.
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ở Lào, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) cho rằng các chính sách lớn thu hút đầu tư của Lào như ưu đãi, thuế quan…đã cơ bản tốt. Tuy nhiên thực tế, thủ tục nhập khẩu qua Lào và vào Việt Nam còn mất nhiều thời gian và chưa thông thoáng, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Một số mặt hàng phụ tùng nhập khẩu gặp vấn đề về hạn ngạch thương mại, một số bị loại ra, phải đóng thuế nhập khẩu cao.
Đặc biệt, đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng một vấn đề lớn trong thu hút các nhà đầu tư chính là nhân tố con người, người lao động. Bởi hiện theo quy định của Nhà nước Lào thì các công ty chỉ được phép sử dụng 10% lao động Việt Nam trong khi đó dân số của Lào chỉ ở quy mô trên 7,2 triệu người. Do đó, điều này đưa doanh nghiệp vào thế khó để có thể phát triển nhanh. Doanh nghiệp rất muốn sử dụng người Lào nhưng quá trình tuyển vẫn không đủ.
Bên cạnh đó, ông Ngữ cũng cho rằng cần cải thiện giữa quy trình đi lại giữa hai nước nhằm tạo điều kiện cho việc luân chuyển lao động.
“Như Malaysia và Singapore có thể sáng đi tối về, nhưng giữa Việt Nam và Lào thủ tục qua lại vẫn chưa thực sự thuận tiện. Thời gian dịch bệnh dường như tê liệt, mọi công việc của doanh nghiệp đều phải điều hành từ xa. Mong muốn của doanh nghiệp là đi sang Lào có thể như đi từ miền Tây lên Sài Gòn.
Thủ tục nếu có thì chỉ nên có 1-2 thủ tục đơn giản, có thể xử lý trong ngày. Đồng thời cần áp dụng xử lý thủ tục qua điện tử để tiết kiệm chi phí và thời gian. Nếu được như vậy, doanh nghiệp sẽ đầu tư ồ ạt sang Lào. Như TTC Sugar sẽ đầu tư đa ngành nghề sang Lào chứ không chỉ trong nông nghiệp”, ông Ngữ giải thích.
Mạnh Quốc - Hồng Nhung.