Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến - Ảnh: C.TUỆ
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định như vậy khi trả lời báo chí về hiện tượng heo chết sau khi tiêm vắc xin dịch tả heo châu Phi - vắc xin NAVET-ASFVAC do Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương (Công ty Navetco) sản xuất.
Theo ông Tiến, vắc xin dịch tả heo châu Phi là công trình khoa học nghiêm túc của bộ, không chỉ riêng Việt Nam mà phối hợp với Mỹ, do đó trình tự, thủ tục, chất lượng vắc xin đều được đảm bảo, đầy đủ theo quy định.
3 lô vắc xin mà bộ cho phép sử dụng đều đạt yêu cầu chất lượng về vô trùng, an toàn và hiệu lực bằng phương pháp công cường độc.
"Hiện đã tiêm hơn 21.000 liều, nếu vắc xin kém thì heo chết hết. Nguyên nhân heo chết ở Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi là do tiêm sai đối tượng heo", ông Tiến nói và khẳng định không có chuyện lấy heo của dân ra để làm thử nghiệm.
Quyền Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết từ đầu tháng 7 đến ngày 26-8, Công ty Navetco cung ứng tổng cộng 23.344 liều vắc xin tới 20 tỉnh, thành phố, trong đó có 17.750 liều cung ứng nhưng không có giám sát của cơ quan thú y, không đúng với tinh thần chỉ đạo của bộ, hướng dẫn của Cục Thú y.
Đến nay, những đàn heo tiêm theo hướng dẫn của bộ, Cục Thú y đều phát triển tốt, tỉ lệ chết sau tiêm khoảng 0,6%, tức là ở mức bình thường, tương tự các vắc xin thú y khác, ngoại trừ sự cố xảy ra tại Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi khiến 743 con heo chết sau tiêm.
Ông Long cũng khẳng định Công ty Navetco và thú y địa phương thực hiện không đúng yêu cầu của Cục Thú y. Cụ thể, Navetco cung cấp vắc xin nhưng không có báo cáo, không giám sát quá trình tiêm vắc xin.
"Về phía chi cục thú y địa phương, lẽ ra phải cung ứng trực tiếp cho người nuôi hoặc thú y cơ sở để triển khai tiêm, nhưng lại cung cấp cho đại lý, các đại lý bán tự do cho dân, trong khi hiện nay chúng ta chưa cho phép buôn bán như vậy.
Hậu quả là người dân mua về tiêm cho tất cả các loại heo. Do bán trực tiếp vắc xin cho người dân nên số lượng heo tiêm cụ thể thế nào không nắm được. Khi xảy ra tình trạng heo chết, các địa phương cũng không biết chính xác số liệu.
Theo số liệu tổng hợp, có 3 tỉnh xảy ra tình trạng heo chết là Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, với 1.342 con heo bị chết do người dân báo lên. Nhưng chúng tôi xác minh thì con số trên không chính xác, có hộ đã bán chạy heo nhưng cũng báo là chết", ông Long nói.
Theo ông Long, Công ty Navetco cam kết trước mắt hỗ trợ heo nái, heo đực giống 2 triệu đồng/con, heo thịt 1 triệu đồng/con. Như vậy là có sự chia sẻ, phối hợp khắc phục giữa công ty, địa phương và người chăn nuôi.
Về trách nhiệm để xảy ra tình trạng heo chết, ông Long cho biết đơn vị nào làm sai thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Phía công ty để xảy ra tình trạng cung ứng vắc xin không đúng địa chỉ đã cam kết khắc phục. Phía địa phương, bộ đã có chỉ đạo kiểm điểm tập thể, cá nhân cung ứng trực tiếp vắc xin cho đại lý dẫn đến hậu quả heo chết. Việc này thuộc thẩm quyền của địa phương.
"Chúng tôi không muốn đổ lỗi cho người dân và thú y cơ sở, nhưng ở đây có trách nhiệm của cả ba bên là công ty cung ứng vắc xin, thú y cơ sở và người dân khi để xảy ra tình trạng cung ứng, mua bán vắc xin không đúng địa chỉ...", ông Long nói.
Theo ông Long, sau khi tiêm xong 600.000 liều sẽ có đánh giá toàn diện việc sử dụng vắc xin: "Chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm việc sử dụng vắc xin cho cả các đợt sau chứ không chỉ lần này, để khi sử dụng vắc xin đại trà phải đem lại hiệu quả".
TTO - Khi nghe có vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi, nhiều người chăn nuôi ở Phú Yên hồ hởi đăng ký và tiêm cho đàn heo. Tuy nhiên chưa kịp mừng vì heo được bảo vệ khỏi dịch bệnh, nhiều hộ nuôi đã khóc ròng khi thấy đàn heo bệnh, chết hàng loạt.