Ngày 22.9, tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương.
Người dân muốn tới trạm y tế nhưng thuốc không có
Trong tờ trình, Sở Y tế cho biết, TP.HCM đang tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế. Nhưng thực tế khó khăn vẫn đang diễn ra tại các trạm y tế khi không có đủ các loại thuốc thông thường và cần thiết cho công tác khám, chữa các bệnh phổ biến cho người dân cư trú trên địa bàn, nhất là các thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản... Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho người dân chưa hài lòng khi đến khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế.
TP.HCM hiện đang tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế DUY TÍNH |
Kết quả khảo sát nhanh của Sở Y tế TP.HCM (tháng 8.2022 ) về ý kiến của người dân khi đến tái khám tại các bệnh viện để nhận thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm, cho thấy có đến 80% sẵn sàng đến với trạm y tế phường xã thay vì đến bệnh viện, nếu các trạm y tế được cung ứng đầy đủ thuốc điều trị ngoại trú như bệnh viện.
Ngoài ra, trên thực tế, các trạm y tế vẫn còn thiếu một số thuốc để điều trị các bệnh phổ biến khác.
Có 2 lý do chính khiến các trạm y tế không có đủ thuốc để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, đó là:
Thứ nhất, hiện nay, hầu hết thuốc sử dụng tại trạm y tế do trung tâm y tế hoặc bệnh viện quận, huyện trên địa bàn thực hiện đấu thầu mua sắm đối với 324 hoạt chất được Bộ Y tế quy định thuộc danh mục thuốc được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả tại trạm y tế. Tuy nhiên, do nhân lực của trung tâm y tế thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc vừa thiếu về số lượng lại vừa thiếu tính chuyên nghiệp, bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng thuốc của từng trung tâm y tế rất thấp nên có ít nhà thầu tham gia cung ứng.
Thứ hai, danh mục thuốc theo phân tuyến kỹ thuật được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả tại trạm y tế chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị các bệnh không lây nhiễm. Cụ thể, tại Thông tư số 30 năm 2018 của Bộ Y tế quy định danh mục thuốc được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả tại trạm y tế hiện nay có 324 loại, trong đó, danh mục thuốc cho các bệnh mạn tính không lây có khoảng 50 loại. Nếu so với danh mục thuốc tại bệnh viện tuyến huyện thì trạm y tế đang thiếu nhiều loại thuốc, trong đó có 41 loại thuốc được Hội đồng chuyên môn Sở Y tế đánh giá là rất cần thiết. Do đó, khi đã điều trị ổn định tại bệnh viện tuyến quận, huyện, người dân có nhu cầu muốn về tiếp tục theo dõi và điều trị tại các trạm y tế thì không có đủ thuốc đáp ứng theo chỉ định điều trị của bệnh viện. Điều này buộc người bệnh phải tiếp tục đến khám và điều trị ngoại trú tại các bệnh viện.
Dự kiến đầu năm 2023 thực hiện
Chính vì những lý do trên, Sở Y tế trình UBND TP.HCM chấp thuận cho mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương nhằm mục tiêu đáp ứng cung ứng đủ thuốc cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến trạm y tế (danh mục này cũng được áp dụng cho các bệnh viện công lập và trung tâm y tế). Số thuốc dự kiến mở rộng bao gồm 308 thuốc (không bao gồm 129 thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương theo quy định tại Thông tư 15 năm 2020 của Bộ Y tế).
Tiêu chí lựa chọn thuốc đưa vào danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương mở rộng phải đáp ứng các điều kiện: Thuộc danh mục thuốc được quy định tại Thông tư 19 năm 2018 của Bộ Y tế về ban hành danh mục thuốc thiết yếu; Thuộc danh mục thuốc theo Thông tư 15 năm 2020 của Bộ Y tế về ban hành danh mục đấu thầu, danh mục đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; Thuộc danh mục thuốc được thanh toán Bảo hiểm y tế cho cơ sở khám bệnh chữa bệnh là trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Giao Bệnh viện Hùng Vương (đơn vị đã được UBND TP.HCM chọn thực hiện nhiệm vụ làm đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương cho 129 loại thuốc) thực hiện gói đấu thầu tập trung cấp địa phương mở rộng, dự kiến quý 1/2023.
Mở rộng thêm 41 loại thuốc sử dụng ở trạm y tế do Bảo hiểm y tế chi trả
Bên cạnh kiến nghị mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương, Sở Y tế cũng trình UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho phép TP.HCM triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc tại trạm y tế được Bảo hiểm y tế thanh toán với 41 loại thuốc thuộc danh mục thuốc của bệnh viện hạng III, IV dùng trong điều trị ngoại trú bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế.