Những ngôi nhà lá dừa ở xã Cẩm Thanh, TP Hội An - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
"Tổ làng tôi 300 năm trước theo những chuyến ghe bầu vào Nam buôn bán rồi mang về những cây dừa nước đầu tiên. Đến bây giờ thì cả làng, cả xã sống nhờ vào rừng dừa này" - nhấp nhẹ tay chèo, bà Nguyễn Thị Ba đưa những vị khách tham quan tiến sâu vào bên trong rừng dừa nước ở xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam.
Nương náu bên dòng sông
Từ cầu Cửa Đại phóng tầm mắt theo dòng Thu Bồn, màu xanh thăm thẳm hiện lên nối dài với vùng biển rộng lớn. Dưới những nhánh dừa, những du khách tận hưởng làn gió mát nơi hội thủy ba con sông Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò mang đến. Với người dân Cẩm Thanh, bao đời nay vùng sông nước này là nguồn sống.
Xuôi mái chèo, bà Ba nói thật khó để kể hết khung cảnh vùng sông nước "sát nách" phố cổ cách đây chừng ít lâu.
Bởi chỉ mới hơn chục năm thôi, khi những con đường lớn và cầu Cửa Đại chưa được mở ra thì đây vẫn còn là vùng rừng dừa hoang vu. Lối mòn chi chít nhưng để vào nhà dân chủ yếu dựa vào bờ hồ nuôi tôm. Trong khi những đường nước thủy cục còn chưa hình thành, người dân xứ dừa thôn 7 (Cẩm Thanh) như bà Ba mỗi tuần hai lần phải chèo ghe đi lấy nước ngọt ở thôn khác.
Vậy mà giờ đây, ở khúc cuối sông Cổ Cò đã san sát những khách sạn, nhà hàng đủ loại phong cách Á - Âu hiện lên trong khu rừng dừa.
"Dân đây rặt nhờ con nước, không đi biển thì cũng đào hồ nuôi tôm. Phụ nữ như tôi thì bơi thuyền cắt lá dừa về bán. Bây giờ thì đây trở thành một địa điểm bán vé mà du khách không thể bỏ qua khi ghé phố cổ. Có nằm mơ cũng không dám nghĩ mỗi ngày bà già này mở cửa ra là được gặp cả thế giới" - miệng bỏm bẻm miếng trầu, bà Ba nói.
Cả thế giới mà Bà ba nói chính là sự hiện diện hằng ngày của những du khách quốc tế trên những chiếc thuyền chen kín nhánh sông nhỏ bé này.
Khi cơn lốc du lịch sinh thái bắt đầu phát triển ở Hội An cách đây chừng 10 năm, những nhà tổ chức tour tuyến đã nhận thấy tiềm năng to lớn về cảnh quan và con người rặt sông nước. Thế là những trạm dừng chân ven sông được mở ra để du khách khám phá đời sống, sinh hoạt của người dân ở đây.
Nghề đi biển, nghề lợp mái bằng lá dừa, nghề làm nước mắm và thậm chí những câu hò Bả Trạo của dân xứ này đều cuốn hút khách Tây lạ lẫm.
Nhờ bàn tay thiên nhiên, những cánh rừng dừa xanh ngát vốn quen thuộc bao đời nay trở thành "món ngon" của ngành du lịch. Không chỉ vậy, những "món" mới cũng liên tục được người dân nơi đây nghĩ ra để thỏa lòng du khách trong hành trình trải nghiệm.
"Món ngon" mà bà Ba nói tới chính là kỹ nghệ làm nhà bằng dừa nước, trình diễn hát Bả Trạo trên thuyền, chế biến các món ăn từ trái dừa nước. Những hoạt động này vốn diễn ra hằng ngày trong rừng dừa, nay được tổ chức lại bài bản theo cung cách chuyên nghiệp.
Còn "món mới", theo anh Nguyễn Thanh Thủy, con trai bà Ba, là những trò hoạt náo như nhảy Gangnam style trên thuyền thúng chai, làm mũ và làm châu chấu từ lá dừa nước...
Khi trở thành thành viên hợp tác xã du lịch cộng đồng ở đây, anh Thủy được tham gia các khóa học làm du lịch do một tổ chức Nhật Bản tài trợ. Từ đây, anh và người dân làng dần chú ý hơn đến môi trường cảnh quan xung quanh, nhất là đối với rừng dừa.
"Một du khách Hàn khi tới đây đã ví von rằng khúc sông này giống như những dòng sông ở thành phố Venice ở nước Ý vì lúc nào cũng nhiều thúng, thuyền và tiếng nói cười của khách. So sánh ấy khiến tôi quá đổi bất ngờ và càng thấy trân trọng hơn cảnh quan sinh thái mà thiên nhiên và bàn tay cha ông nhiều đời gầy dựng nên" - anh Thủy nói đến sự hình thành đặc biệt của rừng dừa ở nơi hợp lưu ba con sông.
Du khách vui thích với cảnh quan rừng dừa nước - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
"Xuất khẩu" nhà mái lá
Có một sự đối nghịch bất ngờ ở khu vực sông nước này trong chục năm trở lại đây. Anh Thủy nói làng Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh đã chuyển từ những ngôi nhà mái lá sang những ngôi nhà bê tông kiên cố.
Trong khi đó, nhà lá dừa ở đây đã được "xuất khẩu" đi làm quán xá, nhà cửa ở nhiều miền trên cả nước. Những người dân ở đây từ khi ra đời đã thấy sự hiện diện của rừng dừa trong mọi hoạt động đời sống. Nhà cửa, chuồng trại, hàng rào cho tới đám cưới, đám tang cũng trang trí bằng những lá dừa.
Với những người vẫn đi theo nghề khai thác dừa truyền thống, việc đi chặt nhánh về chẻ đôi phơi khô dành cho cánh phụ nữ. Còn phần nam giới sẽ đảm nhiệm vai trò đan tranh và làm mái nhà.
Chúng tôi theo chân bà Huỳnh Thị Huệ, một người có thâm niên khai thác lá dừa nhiều năm. Chu kỳ thành phẩm để bán mái dừa cho thương lái của bà Huệ thường rơi vào hơn một tháng. Những nhánh dừa già được chặt về rồi tước đôi phơi khô chừng 20 ngày. Tùy theo đặt hàng của khách, những lá dừa được kết lại thành tấm.
Nếu được dùng làm lợp mái, tấm dừa kết lại với nhau thành những miếng dài khoảng nửa mét rồi được mang đi phơi sương cho lá dãn ra, sau đó là đóng nẹp tre nẹp những mảnh lá lên nhau. Độ thưa dày tùy theo... túi tiền của khách. Bà Huệ tự tin những ngôi nhà làm từ dừa nước ở đây có thể trụ hơn 15 năm trong điều kiện thời tiết ít gió bão.
Bà Huệ cho biết mấy năm gần đây nhu cầu du lịch sinh thái, điểm đến thân thiện với thiên nhiên ở khắp nơi rất phát triển nên dịch vụ làm nhà mái dừa ăn nên làm ra. Thương hiệu nhà mái dừa Cẩm Thanh nức tiếng đã vươn quanh khu vực miền Trung. Thậm chí nhiều người ở Tây Nguyên và phía Bắc khi đến đây du lịch thích thú với nhà lợp mái dừa cũng đặt làm.
"Đừng thấy nhà dừa ở đây mà tưởng rẻ vì đội thợ ở đây từng nhận ngôi nhà rộng hơn 100 cây cột với diện tích mái dừa vài trăm m2 có giá hơn tỉ đồng" - bà Huệ ra vẻ tự hào.
Vào thời điểm mới bắt đầu làm du lịch, để làm hài lòng du khách đến đây, những "món mới" đã liên tục được bày ra cho khách. Người dân vẫn vô tư ngắt lá dừa non, chặt hoa dừa để trang trí, làm quà lưu niệm đã khiến cho rừng dừa bị tổn hại nghiêm trọng. Nhiều khu vực rừng dừa ngày càng cằn cỗi vì không thể phát triển khiến ai nấy đều bất ng
ờ. Trước khung cảnh rừng dừa xơ xác, chính quyền địa phương phải mở một cuộc vận động người dân và du khách từ chối những món quà lưu niệm làm từ đọt dừa non...
Với địa hình sông được bao phủ bởi một rừng dừa nước ngập mặn, kín đáo nên rừng dừa xã Cẩm Thanh được Thị ủy Hội An lúc bấy giờ chọn nơi đây làm căn cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến. Đây trở thành căn cứ vững chắc che chở, bảo tồn lực lượng vũ trang cũng như đánh tan nhiều trận càn.
Thạc sĩ Quảng Văn Quý, phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết trong lịch sử Đảng bộ TP Hội An ngoài những trận đánh được ghi lại thì đã ghi nhận không ít lần người dân ở đây sử dụng địa hình sông nước của rừng dừa, nổi dậy dùng kế nghi binh...
Trong nhật ký của Anh hùng - nhà văn Chu Cẩm Phong, vai trò của vùng sông nước rừng dừa này cũng được nêu bật như là căn cứ quan trọng tạo điều kiện đảm bảo để lực lượng của ta rút lui an toàn trong những tình thế cấp bách ở phía đông.
-----------------------------
Đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain khi mới thưởng thức bánh mì đường phố Hội An đã nói rằng vị ở đây như bản hòa âm khiến vị giác như muốn reo lên. Ông quyết định đi tìm hương vị ấy. Và địa chỉ nằm ở doi đất giữa hai khúc sông Cổ Cò và Đế Võng...
Kỳ tới: Làng cho rau "ăn"... rong
TTO - Đến cuối thế kỷ 19, nhiều đoạn trên tuyến thủy lộ quan trọng Cổ Cò kết nối hai thị cảng ở Đà Nẵng và Hội An bị bồi lấp.