Một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được thử nghiệm ở Nga vào năm 2019 - Ảnh: ZUMA PRESS
Hôm 21-9, Tổng thống Nga Putin ám chỉ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ đất nước khi tuyên bố sẽ "sử dụng tất cả phương tiện sẵn có để chống lại mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của mình".
Tuyên bố của ông Putin đã gây ra phản ứng mạnh từ Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ. Ông Biden cáo buộc Nga "vô trách nhiệm" khi phát đi cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng chiến tranh hạt nhân sẽ là cuộc chiến không mang tới thắng lợi và không bao giờ được phép bắt đầu.
Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), hiện nay Nga có tổng cộng 5.977 đầu đạn hạt nhân, nhiều nhất trên thế giới. Trong số này có khoảng 1.500 đầu đạn không còn biên chế sử dụng.
Trong khi đó Mỹ có 5.428 đầu đạn hạt nhân, Pháp có 290 và Anh có 225. FAS cho biết khoảng 90% tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới do Nga và Mỹ sở hữu.
Trong trường hợp của Nga, trong số khoảng 4.500 đầu đạn hạt nhân còn sử dụng được, hầu hết được coi là "chiến lược".
Nga đã đầu tư vào nhiều vũ khí khác nhau để sử dụng những đầu đạn này. Trong đó có tên lửa đạn đạo phóng từ trên mặt đất có thể tiếp cận lãnh thổ Mỹ, tên lửa phóng từ tàu ngầm, tên lửa triển khai từ máy bay...
Các tên lửa đạn đạo của Nga trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở Matxcơva vào tháng 5-2021 - Ảnh: AP
Các chuyên gia ước tính khoảng 1.500 đầu đạn của Nga đang được "triển khai", tức là chúng đang được lắp đặt tại các căn cứ tên lửa, trên máy bay ném bom hoặc trên các tàu ngầm. Cùng với đó là "khoảng 977 đầu đạn chiến lược và 1.912 đầu đạn phi chiến lược (tức chiến thuật)" đang được dự trữ, theo tổ chức Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử (Bulletin of the Atomic Scientists - BAS).
Tuy nhiên, theo Đài Sky News, các chuyên gia nhận định vẫn khó biết chính xác số lượng đầu đạn hạt nhân và vũ khí của Nga.
Theo báo Washington Post, kể từ năm 2000, học thuyết quân sự được chia sẻ công khai của Nga đã cho phép nước này sử dụng vũ khí hạt nhân "để đối phó với hành động xâm lược quy mô lớn có sử dụng các vũ khí thông thường, cụ thể trong những tình huống quan trọng với an ninh quốc gia của Liên bang Nga".
Chiến lược của Nga - được biết đến là "leo thang để giảm leo thang" - bao gồm khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường để làm thay đổi chiều hướng của một cuộc xung đột thông thường mà các lực lượng Nga có nguy cơ thua.
Hiện nay các chuyên gia quân sự vẫn đang phân tích khả năng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật như thế nào trong một cuộc xung đột thông thường, giống như cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Biden đã cảnh báo ông Putin không dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, có thiết kế nhỏ hơn và được sử dụng ở khoảng cách ngắn, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở khoảng cách xa.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật bao gồm bom trọng lực, tên lửa tầm ngắn, đạn pháo, mìn, ngư lôi... được trang bị đầu đạn hạt nhân.
TTO - Ngày 22-9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân dự bị có kinh nghiệm chiến đấu và chuyên ngành quân sự phù hợp sẽ được ưu tiên trong đợt động viên cục bộ (động viên một phần) đang diễn ra ở nước này, theo Đài Russia Today.
Xem thêm: mth.47571414132902202-ig-oc-agn-auc-nahn-tah-ihk-uv-ohk/nv.ertiout